14/07/2024 11:40 GMT+7

Gần 200 công trình cấp nước ở Đắk Nông bỏ hoang, lãng phí hàng trăm tỉ đồng

Gần 200 công trình cấp nước tập trung ở Đắk Nông được đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng, nhưng chỉ sau thời gian ngắn sử dụng hoặc chưa kịp bàn giao, đưa vào sử dụng thì công trình đã xuống cấp, hư hỏng.

Công trình cấp nước tập trung ở thôn Tân Thịnh (xã Quảng Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) hư hỏng, ngưng hoạt động - Ảnh: ĐỨC LẬP

Công trình cấp nước tập trung ở thôn Tân Thịnh (xã Quảng Thành, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) hư hỏng, ngưng hoạt động - Ảnh: ĐỨC LẬP

Công trình cấp nước tập trung ở xã Đắk Wer do UBND huyện Đắk R’lấp làm chủ đầu tư. Sau nhiều năm bỏ hoang, công trình đang bị cỏ bao phủ, nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp.

Hàng trăm công trình cấp nước hư hỏng, xuống cấp, không hoạt động

Được đầu tư xây dựng năm 2019 với kinh phí gần 6 tỉ đồng, đưa vào sử dụng năm 2020, công trình cấp nước tập trung nêu trên có mục tiêu phục vụ nước sinh hoạt cho gần 300 hộ dân.

Ông Nguyễn Trung (thôn 1, xã Đắk Wer) cho biết công trình dẫn đường ống nước vào từng hộ dân nhưng không hiểu sao chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì nước không được cung cấp thường xuyên nữa. Người dân phải tự xoay xở nguồn nước khác phục vụ sinh hoạt gia đình.

"Tôi đã phải bỏ hơn 30 triệu đồng khoan giếng để dùng, chờ nước sinh hoạt tập trung không biết đến bao giờ" - ông Trung nói.

Ông Dương Văn Minh, ở thôn Thuận Hòa (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song), đóng tiền nước 1,3 triệu đồng nhưng chờ mãi chưa thấy nước từ công trình nước tập trung của xã cấp tới gia đình - Ảnh: ĐỨC LẬP

Ông Dương Văn Minh, ở thôn Thuận Hòa (xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song), đóng tiền nước 1,3 triệu đồng nhưng chờ mãi chưa thấy nước từ công trình nước tập trung của xã cấp tới gia đình - Ảnh: ĐỨC LẬP

Tương tự, công trình cấp nước tập trung thôn Tân Thịnh, phường Quảng Thành, TP Gia Nghĩa được đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 2,8 tỉ đồng, dự kiến phục vụ cho hơn 200 hộ dân. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn sử dụng, công trình đã xuống cấp rồi bỏ hoang từ đó đến nay.

Nhà ông Phạm Văn Dương (thôn Tân Thịnh, phường Quảng Thành, TP Gia Nghĩa) cách công trình nước tập trung 6m. Ông Dương cho biết công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2010, nhưng sau khi sử dụng được một thời gian thì hư hỏng, dừng hoạt động.

Đây là tình trạng chung của 188 công trình cấp nước tập trung đã ngừng hoạt động tại Đắk Nông. Các công trình trở nên hoang phế, cỏ cây mọc um tùm, phủ cả bồn chứa nước, hầu hết các hạng mục của công trình đều hư hỏng, xuống cấp.

"Bỏ thì thương, vương thì tội"

Theo rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, hiện chỉ có 40 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh hoạt động, 25 công trình hoạt động trung bình, 9 công trình hoạt động kém hiệu quả. 188 công trình cấp nước tập trung đã ngưng hoạt động như nêu trên.

Nguyên nhân việc các công trình cấp nước tập trung ngưng hoạt động được các địa phương nêu: một số công trình khi xây dựng vị trí không phù hợp như khu vực đồi cao nên nguồn nước khan hiếm, khu vực không đông dân cư nên nhu cầu dùng nước từ công trình không cao.

Bên cạnh đó, nhiều công trình khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư chưa xác định rõ ràng đơn vị quản lý khai thác, số hộ gia đình dùng nước.

Một số công trình thực hiện trên cơ sở giả định số hộ dùng nước lớn làm tăng quy mô, nhưng khi đưa vào khai thác số hộ đấu nối lại ít hơn so với thiết kế ban đầu.

Theo ông Nguyễn Đăng Ánh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô, phần lớn công trình cấp nước trên địa bàn đều có nguồn nước đầu vào là từ nước ngầm, tức là các giếng khoan. Việc khoan thăm dò, xác định nguồn nước về trữ lượng và chất lượng chưa tốt, dẫn đến nguồn nước bị hụt sau thời gian sử dụng không lâu.

Đó là chưa kể các nguyên nhân khác như khô hạn, hỏng hóc thiết bị khiến nhiều công trình không thể sử dụng. Bên cạnh đó, việc quản lý, vận hành giao về cho các trưởng thôn, hầu hết không có chuyên môn thực hiện công tác vận hành, thu tiền điện.

Ông Vũ Văn Bàn, bon Bu Nơ B (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức), có nhà sát công trình nước tập trung nhưng phải đầu tư giếng khoan để chủ động nước sinh hoạt cho gia đình - Ảnh: ĐỨC LẬP

Ông Vũ Văn Bàn, bon Bu Nơ B (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức), có nhà sát công trình nước tập trung nhưng phải đầu tư giếng khoan để chủ động nước sinh hoạt cho gia đình - Ảnh: ĐỨC LẬP

Ông Hoàng Văn Nghĩa - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông - nói thêm nguyên nhân là các chủ đầu tư chưa xây dựng, định hình được mô hình quản lý, vận hành phù hợp sau khi công trình được bàn giao, khi hư hỏng thì không có kinh phí sửa chữa, tài sản chung nên trách nhiệm của người quản lý, vận hành chưa cao.

Theo ông Nghĩa, trước thực trạng trên, các đơn vị, địa phương đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Nông thanh lý 133 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã ngưng hoạt động, không có nhu cầu sử dụng nước hoặc đã có công trình cấp nước khác.

Hiện tỉnh Đắk Nông đã chấp thuận thanh lý 48 công trình, 85 công trình khác đang làm thủ tục thanh lý.

Bàn giao công trình cấp nước ngọt miễn phí “giải khát” cho người dân Cà MauBàn giao công trình cấp nước ngọt miễn phí “giải khát” cho người dân Cà Mau

TTO - Một công trình cấp nước ngọt công suất 400-500m3/ngày đêm đã được bàn giao kịp thời để "giải khát" cho người dân vùng hạn, mặn Cà Mau.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên