Đặc sản, nông sản địa phương luôn được người tiêu dùng TP.HCM ưa thích - Ảnh: N.BÌNH
Ngày 24-9, hội nghị tổng kết Chương trình Hợp tác thương mại giai đoạn 2016 - 2020 và Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2020 đã diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ, Q.11.
Là sự kiện thường niên do UBND TP.HCM tổ chức, từ 8 năm qua, hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa đã trở thành nơi gặp gỡ giao thương giữa các hệ thống phân phối và nhiều nhà cung cấp uy tín với nhiều sản phẩm chất lượng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm của các hợp tác xã... trên cả nước.
Hàng ngàn sản phẩm đã được đem về TP.HCM, thị trường đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành phía Nam để giới thiệu đến người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng được thị trường đón nhận đã tự nâng cao chất lượng, ổn định sản lượng và tiến tới xuất khẩu.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết sau nhiều năm chương trình kết nối cung cầu hàng hóa có quy mô ngày càng mở rộng, chủng loại phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều.
Lũy kế đến nay có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỉ đồng/năm. Kết nối cung cầu hàng hóa đã trở thành sự kiện quan trọng, giải pháp thiết thực để triển khai hiệu quả chương trình hợp tác, khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan tỏa lớn đến các địa phương.
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến nay có 28 doanh nghiệp bình ổn thị trường TP đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỉ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỉ đồng/năm.
Riêng năm 2020, diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, hội nghị đã có các bước chuẩn bị từ sớm nên quy mô vẫn tương đương với các năm trước. Theo đó, hội nghị năm nay có 40 tỉnh, thành tham dự với 597 nhà cung ứng.
Các doanh nghiệp giới thiệu trực tiếp đến nhà phân phối, người tiêu dùng TP gần 2.000 mặt hàng, trưng bày tại 500 gian hàng. Bên cạnh hàng nông sản an toàn từ các tỉnh, thành lân cận còn có sản phẩm công nghiệp tiêu dùng thực phẩm chế biến, sản phẩm chủ lực của TP.HCM.
Nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ giữa các nhà cung ứng và phân phối được ký kết trong sáng khai mạc sự kiện - Ảnh: N.BÌNH
Một trong những điểm mới của hội nghị năm nay là bổ sung thêm phương thức kết nối theo chiều sâu. Khu vực kết nối được dựng riêng với 14 văn phòng giao dịch cho 14 đơn vị, gồm 10 hệ thống phân phối lớn nhất TP.HCM, một đơn vị phân phối của An Giang, một đơn vị logistic và hai đơn vị xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp cung ứng sẽ tiếp cận, đàm phán chi tiết, giao dịch trực tiếp tại đây.
Chỉ trong buổi sáng đã có gần 600 hợp đồng, biên bản ghi nhớ giữa các nhà cung ứng và phân phối được ký kết, mở ra cơ hội cho các sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần người tiêu dùng TP.HCM hơn nữa.
Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng thông qua kết nối, nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa đã được hình thành. Từ đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành, vùng miền. Các sản phẩm làm ra không chỉ thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường ngay tại các địa phương mà còn tự tin xuất khẩu và được nhiều nước đón nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận