Sáng 21-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay với sự phát triển của công nghệ và xã hội, nhiều rối loạn tâm thần mới hình thành, đặt ra nhiều thách thức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng và chăm sóc sức khỏe người dân nói chung.
Tại Hội nghị Tâm thần học toàn quốc với chủ đề “Sức khỏe tâm thần: tiếp cận chuyên khoa hóa” diễn ra ngày 19 và 20-8, các báo cáo viện dẫn số liệu của Bộ Y tế về tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (nghĩa là có gần 15 triệu người), tuy nhiên đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt.
Theo đó, tỉ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số. Trong đó trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác…
Đối với trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ cần chăm sóc sức khỏe tâm thần. Đáng chú ý, trầm cảm là căn bệnh thứ 2 gây hại đến sức khỏe và làm suy giảm sức lao động của con người chỉ sau tim mạch.
Ở Việt Nam, số bệnh nhân trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, nữ giới nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn nam giới. Đại dịch COVID-19 vừa qua cũng đã khắc họa rõ nét hơn về vai trò của chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khỏe người dân.
Tại TP.HCM, đường dây cấp cứu trầm cảm ra đời cũng từ sự cấp thiết chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân sau đại dịch COVID-19 và vẫn tiếp tục hoạt động cho đến thời điểm hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ CKII Vũ Kim Hoàn - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa tâm thần - nội khoa tổng quát Bệnh viện Tâm thần TP.HCM - chia sẻ trong cuộc sống hằng ngày, khó ai tránh khỏi áp lực, đối diện các chuyện buồn không như ý. Biết cách giải tỏa căng thẳng, suy nghĩ tích cực thì sức khỏe thể chất và tinh thần được cân bằng trở lại.
Tuy nhiên với những người có bệnh lý trầm cảm, các rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ thì quy trình cân bằng này bị phá vỡ. Chẳng hạn với giấc ngủ chập chờn, không sâu, thì sự phục hồi của cơ thể không được tái tạo bình thường nên sau khi thức giấc bệnh nhân vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chán nản, không có sinh lực để bắt đầu làm việc, học tập.
Dấu hiệu nhận biết trầm cảm, rối loạn tâm thần
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn cho biết trầm cảm có 3 triệu chứng chính gồm: buồn chán, dễ mệt mỏi, mất thích thú gần như suốt ngày và kéo dài trên 2 tuần.
Bên cạnh đó còn có 7 triệu chứng phổ biến là: ăn không được, ngủ không yên, không muốn tiếp xúc với ai, mất tự tin, cảm thấy bi quan, mặc cảm, tội lỗi, nghĩ đến cái chết.
Thời gian xác định trầm cảm phải là ít nhất 2 tuần khi bệnh nhân có đầy đủ triệu chứng nêu trên. Khi bệnh nhân trầm cảm nặng sẽ được chỉ định điều trị nội trú và được theo dõi sát 24/24 giờ (hộ lý cấp 1).
"Người nhà phải là cơ quan phòng vệ rất đặc biệt để giúp nâng đỡ, hỗ trợ bệnh nhân và luôn bên cạnh người bệnh 24/24 giờ, tránh tối đa trường hợp xấu xảy ra, đặc biệt là buổi tối - thời điểm bệnh nhân dễ có hành vi tự tử", bác sĩ Hoàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận