Nhìn anh sôi nổi nói cười, ít ai biết một năm trước người thanh niên nặng 140kg này phải trải qua 84 ngày thở ECMO để điều trị COVID-19, chiến đấu với tử thần.
Việc cứu sống bệnh nhân có thời gian duy trì ECMO (tim phổi nhân tạo) lâu nhất nhì cả nước này được đánh giá là kỳ tích khi anh hôn mê suốt hai tháng, tiên lượng tử vong lên đến 90%.
"Giấc ngủ" chiến đấu với tử thần dài... 2 tháng
Sau một năm xuất viện, dù sức khỏe đã hồi phục, song "dấu vết" nằm viện suốt ba tháng điều trị COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16 vẫn hiện rõ trên cơ thể anh Dũng. Kéo cổ áo xuống, anh chỉ chúng tôi xem vùng da bên cổ phải và yết hầu mình chi chít những vết sẹo lồi.
"Những vết sẹo này là do mổ sẹo hẹp thanh khí quản, đặt dây lọc máu khi chạy ECMO và ống thở nội khí quản. Đây là kết quả thường thấy ở những bệnh nhân nằm thở máy lâu ngày. Hiện tại nó không gây ngứa hay đau nhức gì nên tôi chấp nhận để như thế suốt đời, không cần đi thẩm mỹ cho đẹp lại đâu", người đàn ông 30 tuổi cười nói.
Anh tâm sự những đốm sẹo ấy nhắc nhớ khoảng thời gian cận kề sinh tử thế nào và nó giúp anh biết quý trọng sức khỏe, sinh mạng ra sao.
Anh Dũng nhập viện ngày 10-11-2021 sau một tuần tự cách ly ở nhà. Anh nhớ rõ như in: "Tôi vào viện buổi sáng thì chiều hôm đó mệt lắm nên nói bác sĩ cho ngủ một chút. Vậy mà lúc mở mắt tỉnh dậy, bác sĩ Nhật (ThS BS Giang Minh Nhật - trưởng khoa hồi sức tích cực 1, Bệnh viện dã chiến số 16 lúc bấy giờ) nói với tôi: "Biết gì chưa? Đã qua năm mới rồi đó!".
Mất một lúc tôi mới cảm nhận được xung quanh. Tôi định ngủ một chút nhưng không ngờ đã hôn mê suốt hai tháng, bước sang năm mới luôn", anh kể.
Tỉnh dậy, anh Dũng nhớ đến gia đình đầu tiên, rồi bất chợt anh nghĩ mình... tiêu rồi, bởi khi đó anh gần như liệt hoàn toàn, không cử động được gì ngoài mỗi cái đầu xoay được nhè nhẹ. Không ít lần, anh nghĩ mình khó qua khỏi bởi cảm nhận sức khỏe đang xấu đi.
Hiểu tâm lý người bệnh, bên cạnh việc túc trực 24/24 theo dõi tình hình bệnh nhân, bác sĩ Nhật và các nhân viên y tế thay nhau động viên, có khi gọi video cho anh được thấy mặt người thân.
"Các bác sĩ, y tá thức canh chừng tôi vì sợ đầu tôi cử động sẽ làm những vị trí gắn các thiết bị y tế chảy máu. Có những lúc 2h-3h sáng đang ngủ thì chị điều dưỡng gọi tôi dậy để nói chuyện. Sau này tôi mới hiểu họ làm như thế vì nếu để tôi ngủ say quá, mặt tôi sẽ tím tái do bị tuột oxy, nguy hiểm tính mạng", anh cho biết.
Thở máy quá lâu, nhiều khi anh cảm giác mình cần máy thở như bị nghiện, thiếu là không chịu được. Thế nhưng các bác sĩ vẫn nhẫn nại, tắt máy thở dần để anh tự tập thở.
Cận Tết Nguyên đán 2022, anh Dũng được rút nội khí quản, đến mùng 2 Tết thì rút ECMO hoàn toàn. Sau bao nỗ lực không ngơi nghỉ của đội ngũ y bác sĩ cùng với ý chí sinh tồn của "anh béo", ca bệnh được đánh giá là kỳ tích này xuất viện vào mùng 10 Tết, tức tròn ba tháng nằm viện. Lúc mắc COVID-19, anh Dũng nặng 140kg, thuộc dạng béo phì độ 3, ngày rời Bệnh viện dã chiến, anh giảm được khoảng 30kg.
Do thời gian điều trị kéo dài với nhiều kỹ thuật chuyên sâu, viện phí của anh Dũng lên đến 1,6 tỉ đồng, phần lớn số tiền này được ngân sách nhà nước chi trả.
Ngày xuất viện, anh Dũng mới gặp lại được người thân của mình sau ba tháng, đặc biệt là đứa con gái bé bỏng của anh khi đó đã 6 tháng tuổi. Thiên thần yêu thương hay xuất hiện trong giấc mơ của anh.
Nói là xuất viện song anh không được về nhà mà phải chuyển qua Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh lý nghề nghiệp để tập phục hồi chức năng hô hấp - vận động và dinh dưỡng tăng cường. Khi ở đây, anh được cha vào chăm sóc.
Rồi bỗng một ngày, anh bước thử thì thấy mình đã đi được khoảng hơn 2m dù còn chậm nhưng không cần trợ giúp.
"Tự dưng tôi bật khóc vì mấy tháng qua ngồi được mà có người đỡ đã rất sung sướng rồi. Trước đó, bác sĩ nói để tôi tự ngồi, tự đi lại được thì cũng phải mất ba tháng, nhưng kỳ diệu là tôi chỉ mất một tháng", anh nói. Sau đó, anh được cho về quê ở Đồng Nai để tập luyện thoải mái hơn, cũng tránh bị tái nhiễm khi nằm viện.
Trân trọng sức khỏe hơn sau lần sinh tử
Đến tháng 6-2022, anh Dũng lại vào Bệnh viện Chợ Rẫy để mổ do vết sẹo hẹp ảnh hưởng đường thở. Đến tháng 7, khi sức khỏe hồi phục dần, anh đi làm trở lại sau tám tháng nghỉ chữa bệnh.
May mắn, chỗ làm vẫn tạo điều kiện cho anh trở lại với công việc của một IT (ngành công nghệ thông tin), anh cười bảo chuyên môn của mình cũng hên chưa bị "lụt nghề". Trước đó, phía công ty cũng thường xuyên động viên tinh thần và hỗ trợ bảo hiểm hằng tháng cho anh.
Thời gian đầu mới về nhà, anh mất ngủ triền miên, nhiều lúc hay quên nhưng hiện đã hồi phục hơn 90%. "Cả nhà tôi lúc đó chuẩn bị tiền bạc các thứ, nghĩ là tôi sẽ phải ở trong bệnh viện cả năm nay (2022). Mà may tôi chỉ mất tám tháng là khỏe hẳn, đi làm, sinh hoạt bình thường trở lại", anh Dũng nói những vết sẹo đã thành kỷ niệm.
Giờ mỗi ngày anh Dũng ăn uống điều độ hơn, anh cũng duy trì thường xuyên tập thể dục, đi bộ, hiện chưa tập được những bài nặng. Biết là khó, anh Dũng vẫn nỗ lực giảm cân từng chút. Hiện anh nặng 105kg, giảm khoảng 25kg so với lúc xuất viện cách đây một năm.
Anh cho biết trong cuộc sống thực tại, đôi lúc ngủ vẫn mơ thấy cảnh mình nằm ở bệnh viện điều trị, xung quanh là máy móc, dây nhợ khắp người. Hay có khi đang nằm ở nhà, anh cũng nhớ lại khoảng thời gian nằm viện bất động một chỗ, mắt luôn hướng lên trần nhà.
Anh tâm sự: "Những tháng ngày ở bệnh viện, tôi nghiệm ra những điều hằng ngày trong lúc khỏe mạnh mình xem là bình thường nhất, thì đó là thứ quý nhất khi bệnh tật. Như người ta hay nói có liệt mới biết được đi đứng bình thường quý giá thế nào. Đây là trải nghiệm đáng giá nhất cuộc đời tôi và càng thêm trân trọng cuộc sống cùng những người thân bên cạnh mình".
Đến nay anh vẫn giữ liên lạc với ê kíp bác sĩ, điều dưỡng từng chăm sóc, điều trị cho anh, nhất là bác sĩ Nhật.
Anh bảo mình rất biết ơn những ân nhân áo blouse trắng đã cố hết sức giúp anh được sống, thoát khỏi tử thần.
Gắn bó với nghề y tròn 10 năm và là bác sĩ hồi sức tim mạch, ThS.BS Giang Minh Nhật (hiện là trưởng đơn vị hồi sức tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định) nhận định ca bệnh của anh Vũ Quốc Dũng rất đặc biệt tính đến thời điểm hiện tại.
Trong thời gian dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân nặng và trẻ khá nhiều, anh Dũng trong số đó nhưng mức độ nặng hiếm thấy.
Có những giai đoạn điều trị cho anh, ê kíp cảm thấy khá tuyệt vọng khi không có tín hiệu nào để chứng minh sự cải thiện, hồi phục. Nhưng sau đó, bằng sự may mắn của bệnh nhân và phác đồ điều trị bài bản của ê kíp bệnh viện, anh đã hồi phục khá kỳ diệu, thoát khỏi tử thần.
"Tôi và Dũng hiện vẫn nhắn tin hỏi thăm nhưng tần suất ít hơn vì ai cũng có cuộc sống và công việc riêng. Cũng 7 - 8 tháng rồi chúng tôi chưa gặp nhau nhưng vẫn gọi điện hỏi thăm qua lại. Biết Dũng đã hòa nhập cuộc sống thường ngày, đi làm, chăm sóc con, tôi rất vui", bác sĩ Nhật chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận