24/06/2014 07:09 GMT+7

Gần 1 triệu thuê bao di động bị chiếm đoạt hơn chục tỉ đồng

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Để chiếm đoạt được tiền của các thuê bao di động, các cá nhân lừa đảo đã đứng ra thuê lại đầu số và thực hiện các thủ thuật cài đặt ứng dụng có phần mềm gián điệp lên điện thoại của khách hàng, sau đó dùng máy tính điều khiển các phần mềm này để chỉ định nhắn tin đến đầu số nhằm thu tiền bất chính...

Cài phần mềm tự nhắn tin, chiếm đoạt trên chục tỉ đồng

Tháng 6-2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ án “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Anh (29 tuổi), trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần IMMC (trụ sở tại Hà Nội), về hành vi trên.

Tuấn Anh đã chỉ đạo cài phần mềm gián điệp có chức năng tự động gửi tin nhắn ẩn đến các đầu số dịch vụ đã định sẵn mà người sử dụng điện thoại hoàn toàn không biết vào các ứng dụng được đưa lên chợ nội dung số mmoney.vn.

Đáng chú ý, Tuấn Anh còn chỉ đạo nhân viên lập trình thiết kế các chế độ bật/tắt thông báo trước khi gửi tin nhắn, chế độ chọn số lượng tin nhắn gửi đi, chế độ lựa chọn thay đổi đầu số mặc định để thường xuyên thay đổi, điều khiển từ xa nhằm trừ tiền từ người sử dụng.

Sau khi hàng trăm nghìn người bị cài đặt phần mềm gián điệp, Nguyễn Tuấn Anh đã sử dụng máy tính điều khiển từ xa để điều khiển phần mềm gửi tin nhắn từ điện thoại, mỗi tin nhắn các nạn nhân bị trừ 15.000 đồng.

Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội xác định đã có khoảng 800.000 thuê bao điện thoại bị Tuấn Anh sử dụng phương thức trên để chiếm đoạt tài sản với số tiền khoảng 9 tỉ đồng.

Trước đó tháng 4-2014, PC50 cũng bắt Trần Ngọc Hải và các đồng phạm gồm Hà Xuân Tiến, Nguyễn Đức Lực, Nguyễn Văn Tú với hành vi tương tự. Cơ quan công an xác định nhóm này đã chiếm đoạt khoảng 2,1 tỉ đồng của khoảng 100.000 thuê bao di động.

Nhà mạng “phủi tay”

Theo xác minh của cơ quan công an qua hai vụ việc trên, các nghi can bị bắt giữ chỉ được hưởng một phần nhỏ trong số tiền đã chiếm đoạt của khách hàng, phần lớn nhà mạng cùng các công ty sở hữu và kinh doanh đầu số được hưởng nhưng không phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể, theo hợp đồng ký kết, bên thuê lại đầu số phải chịu trách nhiệm về nội dung dịch vụ cung cấp trên đầu số theo đúng kịch bản cam kết và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm pháp lý. Chính vì vậy nên khi có những vụ việc lừa đảo như trên, các nhà mạng đều “phủi tay” vì họ đã trao toàn bộ trách nhiệm cho đối tác.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, các nhà mạng đều cho rằng trong hợp đồng đã nói rõ đơn vị kinh doanh phải chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung, phương án kinh doanh. Do đó nhà mạng cho rằng nếu có thì họ cũng chỉ là đơn vị bị liên đới. Trong khi đó, nhà mạng là đơn vị thu lợi nhiều nhất từ những tin nhắn này.

Theo thỏa thuận tại hợp đồng của đơn vị có đầu số với các nhà mạng thì khi một tin nhắn hoàn thành, nhà mạng được hưởng 55% cước và đơn vị sở hữu đầu số hưởng 45%.

Đơn vị sở hữu đầu số do không thực hiện kinh doanh nên đã cho công ty khác thuê đầu số để kinh doanh và hưởng phần trăm. Người kinh doanh cuối cùng chỉ được hưởng một phần nhỏ trong số 45% mà đối tác có đầu số thu về.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về thủ đoạn lừa đảo trên, đại diện Vinaphone cho biết khi phát hiện đối tác vi phạm, Vinaphone sẽ khóa cú pháp, đầu số; không thực hiện phân chia doanh thu; thực hiện phạt giảm trừ doanh thu; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Đặc biệt, khi xác định khách hàng có phát sinh cước do sử dụng các ứng dụng, đầu số vi phạm thì Vinaphone thực hiện hoàn trả cước cho khách hàng.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên