Từng là một phần không thể thiếu trên sóng truyền hình song vài năm trở lại đây, các game show hài kịch đang giảm sút đáng kể, nhường chỗ cho các game show ngoại nhập.
Game show hài đi vào lối mòn
Thời ấy, Hoài Linh, Việt Hương, Xuân Bắc, Tự Long, Chí Tài, Trấn Thành, Trường Giang… "làm mưa làm gió" trên sóng truyền hình. Chỉ cần ngồi ở nhà, khán giả cũng có thể thưởng thức màn tung hứng của các nghệ sĩ hài từ Nam ra Bắc.
Những gương mặt mới như Ngọc Phước, Mạc Văn Khoa, Lê Dương Bảo Lâm, Võ Tấn Phát… đều trưởng thành từ các chương trình như Cười xuyên Việt, Thách thức danh hài…
Trailer Tuyệt kỹ tiếu lâm
Nhưng sau COVID-19, số lượng các game show hài "rụng" đi nhiều. Loạt chương trình từng gây bão một thời như Ơn giời cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Hội ngộ danh hài… chưa thấy trở lại.
Số còn lại phải thay đổi format và mời các gương mặt mới nổi tham gia.
Điển hình là Cười xuyên Việt (2024) bày thêm một số tập kéo dài phần chọn đội để tăng tương tác, chèn thêm trò chơi thổi nến, bịt mắt bắt gà nhưng không đủ sức thu hút người xem, vô tình biến thành show tạp kỹ.
Hay Tuyệt kỹ tiếu lâm (2024) đang phát sóng cũng không nhận được nhiều sự chú ý khi kịch bản thí sinh đem đến gượng gạo, không đủ sức gây cười.
Hài không mất đi
Tuy nhiên "chất hài" không mất đi mà chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Hài len lỏi hoặc được cài cắm vào các game show ca hát (Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai), game show khám phá (2 ngày 1 đêm).
Cụ thể trong Anh trai say hi, Anh Tú Atus nhảy ở mức tạm, hát không hay như mấy anh trai khác nhưng vẫn hút khán giả bởi "đẹp trai" và cả chất hài mà anh mang lại.
Khán giả cười vui với những tiểu phẩm hài Anh Tú và Quang Trung diễn trong tập 1. Thậm chí nghe Anh Tú Atus "nổ banh chành" về nhóm mình cũng thấy vui vui.
Còn trong Anh trai vượt ngàn chông gai, Tự Long và Tiến Luật mang đến bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Tự Long vốn là diễn viên hài nhưng không ngờ hài thế, được khán giả gọi là "cây hài nhân dân". Nghe anh hát, phất cờ, khán giả khen ngầu "kịch trần". Còn Tiến Luật thì hát cũng không quên hài, viral khắp cõi mạng.
"Các game show thuần về hài ngày càng ít thật ra là xu hướng. Chương trình hài hiện không còn đánh đúng vào tâm lý số đông khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ", một người làm truyền thông chia sẻ.
Chưa kể hiện nghệ sĩ hài quanh đi quẩn lại chỉ có từng đó gương mặt khiến khán giả trẻ cảm thấy nhàm chán, có những cái tên từng nổi tiếng nay cũng không hợp với họ.
ThS Nguyễn Hoàng Vũ - một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông - cho rằng "khán giả khắt khe hơn khi lựa chọn nội dung giải trí, có xu hướng thích những chương trình có tính tương tác cao, hài hước, kết hợp các yếu tố giải trí khác như âm nhạc, vũ đạo, thử thách, thậm chí là cả câu chuyện nhân văn".
Hai game show ngoại nhập nổi bật hiện nay là Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi có sự góp mặt của hơn 60 người chơi nam.
Những chương trình này thường có luật chơi kịch tính, buộc nghệ sĩ phải liên tục làm mới hình ảnh, đấu trí và kết hợp với nhau nhằm tạo ra một tiết mục chất lượng để thăng hạng.
Chuyện hậu trường cũng được khai thác như một yếu tố giữ chân khán giả. Qua đó công chúng hiểu rõ hơn về những khía cạnh khác của các nghệ sĩ mà họ yêu mến.
Hài hước luôn là nhu cầu trong cuộc sống. Các game show lồng ghép chất hài vào để dung hòa các yếu tố thu hút khán giả. Nhưng dù hài có sự thay đổi như thế nào thì điều khán giả mong chờ nhất đó là tiếng cười giải trí đến nhẹ nhàng, theo cách chữa lành, không lố.
Cuộc sống càng khó khăn, mệt mỏi, khán giả lại càng có nhu cầu thích hài hước.
Nhưng các game show hài vừa qua từ kịch bản, diễn viên đến người chơi đều yếu khiến chương trình vừa nhạt vừa lố.
Đó là nguyên nhân chính làm các chương trình hài ngày càng mất lòng công chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận