Phóng to |
Diện mạo mới
Giải thích về sự xuất hiện của kịch ngắn trong chương trình Gala cười 2005, đạo diễn Đỗ Thanh Tuấn (VTV3) cho biết đó là một hướng đi mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả về sự đa dạng trong tiếng cười, không chỉ giải trí đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục. Nếu tấu hài chỉ với thời lượng 10 đến 15 phút sẽ tạo được tiếng cười với những kiểu châm chọc nhờ vào tài ứng biến của diễn viên, thì kịch ngắn đòi hỏi sự đầu tư tổng hợp của nhiều khâu: kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, cảnh trí...
Với những tình huống kịch được đan xen khéo léo, cộng với việc dàn dựng được chăm chút , hài kịch ngắn từ lâu đã có vị trí trong lòng khán giả TPHCM. Sẽ có hai bảng điểm dành cho tấu hài và hài kịch ngắn. Lần này, với sự xuất hiện của hài kịch ngắn, Gala cười 2005 trên VTV sẽ giới thiệu với khán giả cả nước về một mô hình dàn dựng hài kịch ngắn đang phát triển tại các sân khấu kịch TPHCM.
Nhóm hài Thúy Nga hy vọng sẽ tạo ấn tượng với tiểu phẩm hài mới Lành đùm rách. Nhóm hài Hữu Lộc với tiểu phẩm Thần bài đã diễn thử nghiệm ở các sân khấu và được khán giả ủng hộ. Nhóm hài Hồng Vân - Bảo Quốc với câu chuyện Nàng sen, nhóm hài Khánh Nam – Vũ Thanh với hình tượng Ngọc Hoàng hạ giới... được xem là những tiểu phẩm hiếm hoi hứa hẹn mang lại tiếng cười duyên dáng. Số còn lại có tuổi thọ từ 2 đến 4 năm, do vậy khó tạo bất ngờ.
Hài kịch ngắn sẽ thắng đậm?
Trong khi đó, 7/9 vở hài kịch ngắn sẽ tranh tài tại Gala cười 2005 đề cập đời sống đương đại với nhiều vấn đề trăn trở như: Chế tạo ca sĩ (phê phán một số bạn trẻ mơ ước làm ca sĩ bằng mọi giá nhưng lại kém tài), Cha nào con nấy (gia đình chính là môi trường giáo dục quan trọng), Lửa và rơm (vất vả trên đường mưu sinh của các nữ công nhân lao động), Học giả (mua bằng cấp, thuê “phao” thi), Tỉ phú (làm giàu bất chính dẫn đến tan nát hạnh phúc gia đình)...
Đặc biệt, có 2 vở hài kịch ngắn dân gian: Quan – phê phán bọn quan tham ngày xưa, dùng tiếng cười đả phá nạn tham nhũng ngày nay (do các nghệ sĩ: Thương Tín, Hữu Phước, Lê Giang, Văn Ruy, Minh Dũng... thể hiện) và vở Chuyện cái bồ – kể về đời sống nghèo khổ nhưng lương thiện, trong sáng, khát vọng vươn tới hạnh phúc của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến.
Ưu điểm của hài kịch ngắn là có sự hỗ trợ đắc lực của cảnh trí, âm nhạc và cả bàn tay của đạo diễn. Hai đạo diễn trẻ Thái Hòa, Đức Thịnh đã dàn dựng vở Chuyện cái bồ thật duyên dáng, sinh động.
Đạo diễn trẻ Minh Béo cũng cố gắng giới thiệu đến khán giả vở Chế tạo ca sĩ thật vui nhộn... Giới chuyên môn cho rằng, 9 vở hài kịch ngắn với thời lượng từ 45 đến 60 phút giới thiệu lần này có khả năng sẽ thắng đậm tiểu phẩm hài vốn đã nhàm chán đối với khán giả trước đây.
Gala cười sinh viên: Món khai vị
Bắt đầu từ 10 giờ ngày 23-7, VTV3 sẽ phát sóng chương trình Gala cười sinh viên. Có 12 tiểu phẩm hài của 10 trường đại học tại Hà Nội tham dự. Bốn chương trình sẽ được lần lượt giới thiệu với khán giả cả nước, nhằm chọn lọc các tiểu phẩm hài và gương mặt hài, bổ sung cho chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3.
Ba tiểu phẩm được đạo diễn Đỗ Thanh Hải đánh giá cao: Hồi sinh (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), phản ánh những góc tối tệ nạn trong học đường mà đời sống sinh viên đang phải đương đầu như: ma túy, thuốc lắc, đua xe, hôn nhân “thử”...; Bầu sô (Đại học Sư phạm Hà Nội) kể về những bất hòa giữa bầu sô và ca sĩ dưới cái nhìn của sinh viên; Tình ngay lý gian (Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) phản ánh những rạn nứt trong quan hệ nhà trường với gia đình, giáo viên với phụ huynh...
Gala cười sinh viên là một bước thể nghiệm để tạo tiền đề cho các sinh viên tích cực tham gia sáng tác tiểu phẩm hài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận