Ông Trần Minh Lợi bị Công an Đắk Nông dẫn giải lên xe chiều 22-3 - Ảnh: Tr.Tân |
Việc ông , chủ trang Facebook “Diệt giặc nội xâm” bị Công an tỉnh Đắk Nông bắt vì hành vi đưa hối lộ, đang được các cơ quan điều tra và sẽ đưa ra kết luận chính thức.
Nhân sự việc này, một số chuyên gia đã có ý kiến để người dân không vi phạm pháp luật khi đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
* Một giảng viên ĐH Luật TP.HCM:
Cần trang bị kiến thức pháp luật
Để chống tham nhũng, người tố cáo cần trang bị kiến thức về pháp luật. Tất cả các hành vi đều phải tuân theo quy định của pháp luật, không thể lấy lý do có ý tốt mà làm trái luật.
Nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, người này không nên xúi giục, gợi ý cho người khác đưa hối lộ để thu thập bằng chứng vì đó hành vi phạm pháp.
Có nhiều cách chuẩn bị bằng chứng để tố cáo tham nhũng, nhận hối lộ mà không nhất thiết phải đưa tiền. Ví dụ như người bị vòi vĩnh có thể tự ghi âm, ghi hình hành vi vòi vĩnh, sau đó gửi các bằng chứng này tới các cơ quan chức năng để xử lý đối với người có hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ.
* Thẩm phán Trương Văn Hiền (chánh án TAND Q.4, TP.HCM):
Gài bẫy có thể phạm tội
Theo quy định, bất cứ người dân nào cũng có quyền tố giác tội phạm, hành vi có dấu hiệu phạm tội đến cơ quan hữu quan. Tuy nhiên hành vi có dấu hiệu phạm tội đó phải là hành vi được thực hiện chủ động, tự thân bởi đối tượng. Hành vi đó có thể là đã diễn ra, đang hoặc sẽ diễn ra.
Người dân có quyền thu thập, ghi nhận một cách khách quan hành vi đó để làm bằng chứng tố giác: ghi hình, ghi âm.
Lưu ý, việc thu thập bằng chứng phải khách quan, đúng với trình tự, diễn biến thực tế của hành vi. Người thu thập không bóp méo, cắt cúp, xáo trộn, ngụy tạo chứng cứ...
Nếu người dân, doanh nghiệp bị đối tượng có hành vi tiêu cực vòi vĩnh, nhũng nhiễu, tham ô, o ép, gợi ý chung chi... thì hoàn toàn có thể trình báo cơ quan chức năng để lên kế hoạch bắt quả tang việc phạm tội của đối tượng.
Ngoài ra, hành vi gài bẫy, tác động, thúc đẩy để việc tiêu cực, phạm tội diễn ra hoặc diễn ra nhanh hơn đều là không đúng quy định. Thậm chí người gài bẫy còn có thể bị vướng vòng lao lý cùng với người bị gài với các tội danh tương ứng hành vi (như đưa hối lộ, môi giới hối lộ...).
* Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):
Nên chủ động báo cáo cơ quan có thẩm quyền
Căn cứ theo quy định tại điều 6 Luật phòng chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007, năm 2012, công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng.
Trong trường hợp công dân biết về hành vi đưa hối lộ nhưng không tiến hành tố giác trước khi sự việc xảy ra là chưa phù hợp, có thể bị xử lý theo tội là đồng phạm hoặc không tố giác tội phạm.
Người dân không nên tạo ra tình huống tương tự để tránh trường hợp bị xử lý và cũng để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của mình.
Khi phát giác hành vi tội phạm, người dân nên tiến hành báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Đối với người đang phạm tội thì có thể tiến hành bắt quả tang và giải ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thực tế, xã hội đang ngày càng ý thức hơn về vấn đề tội phạm liên quan đến tham nhũng, nhưng phần lớn người dân chưa thật sự có sự hiểu biết về pháp luật, các hành động đều xuất phát từ suy nghĩ cá nhân.
Để tố giác tội phạm tham nhũng có hiệu quả, mỗi người dân phải có niềm tin vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phòng chống tham nhũng, khi phát hiện phải báo ngay và không nên tự tiện thực hiện các hành vi thu thập chứng cứ, thực hiện chống tham nhũng trên pháp luật.
Chống tham nhũng là ý định tốt, nhưng chống tham nhũng là một công cuộc bền bỉ cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nếu vi phạm vẫn phải bị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Do pháp luật có tính chế tài cao và mang tính chất bắt buộc thi hành.
* Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):
Tố giác mà bị truy tố sẽ tạo tâm lý e dè
Trong trường hợp người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc hối lộ nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Tức là người đưa hối lộ tùy vào từng trường hợp mà được xem xét miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự.
Hối lộ là chuyện trong gầm bàn chỉ có hai người đưa và nhận biết nên khó có bằng chứng chứng minh tội phạm trừ khi một trong hai bên tố giác. Tuy nhiên, nếu việc tố giác khiến mình có thể bị truy tố, hoặc mất tiền sẽ tạo cho người tố giác tâm lý e dè.
Sẽ họp báo khi có kết luận điều tra Liên quan đến vụ ông Trần Minh Lợi, ngày 24-3, đại tá Lương Ngọc Lếp - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông - khẳng định sẽ tổ chức họp báo công khai việc ông Trần Minh Lợi bị bắt sau khi có kết luận điều tra. “Với những vụ án nóng, có dư luận trái chiều và được báo chí quan tâm như vụ bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi thì công an tỉnh sẽ tổ chức họp báo công khai” - đại tá Lếp thông tin. Ông Lếp cũng cho biết ông Lợi bị bắt về hành vi “đưa hối lộ” với vai trò đồng phạm, giúp sức với nhóm bị can đã bị bắt về hành vi đưa hối lộ trước đó. Khi có kết luận điều tra mọi việc sẽ sáng tỏ, vụ án đang trong quá trình điều tra chưa thể công bố. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận