Các bạn đã tìm về ngôi nhà - nơi người anh hùng tuổi trẻ cất tiếng khóc chào đời tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành (Bến Tre) - nay là đền thờ liệt sĩ Trần Văn Ơn. Chuyến đi ấy không chỉ có câu chuyện về quá khứ một thời hào hùng mà còn là chia sẻ của những sinh viên thành phố Bác với những mảnh đời khó khăn.
Ngòi pháo 9-1
Tại chính nơi anh Trần Văn Ơn ngã xuống 65 năm trước, để ngày 9-1 đi vào lịch sử trở thành Ngày truyền thống học sinh sinh viên VN, câu chuyện một thời tranh đấu lại được kể cho lớp sinh viên thế hệ hôm nay.
Không còn đủ sức khỏe đi theo hành trình về Bến Tre, ông Lê Trung Nghĩa (cựu học sinh Petrus Ký, nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong) và bà Huỳnh Ngọc Thanh (cựu nữ sinh Gia Long, nay là THPT Nguyễn Thị Minh Khai) - những nhân chứng của cuộc xuống đường ngày nào - đến trò chuyện với các bạn tại nơi đã trở thành di tích lịch sử của phong trào học sinh sinh viên đấu tranh giữa đô thị Sài Gòn năm xưa.
Ký ức của ngày xuống đường như còn nguyên vẹn với cậu học sinh Petrus Ký năm nào dù nay đã là ông lão ở tuổi 80.
“Thật ra tụi tui cũng không biết học sinh bị bắt là ai, chỉ biết là có nội gián địch cài vào trong đoàn học sinh học tập từ chiến khu về, nên bị bắt hết và chúng tôi kéo nhau đi yêu cầu phải thả người” - ông Lê Trung Nghĩa nói về nguyên nhân dẫn đến sự kiện 9-1-1950. Cả ngàn người xuống đường, đến sở giáo dục rồi qua dinh thủ hiến (nay là Bảo tàng TP.HCM tại đường Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM).
Trong khi đó, bà Huỳnh Ngọc Thanh nhớ rằng một trong những lý do để học sinh bãi khóa, xuống đường là để yêu cầu phải dạy tiếng Việt trong trường học (vì lúc đó toàn dạy bằng tiếng Pháp) và mở lại trường học (do các trường đều có lệnh đóng cửa trước đó, học sinh muốn đi học lại bị yêu cầu làm đơn).
Nhưng khi yêu cầu còn chưa được đáp ứng thì tiếng súng đã nổ, cuộc đàn áp đã diễn ra. Và cậu học trò Trần Văn Ơn của Trường Petrus Ký đã bị trúng đạn trong nỗ lực che chắn, đưa các nữ sinh rời dinh thủ hiến, thoát khỏi hiểm nguy của cuộc đàn áp dã man.
“Chính cái chết rồi đám tang của anh Ơn và khí thế của cuộc xuống đường hôm ấy đã tạo thành động lực để nhiều giới cùng đứng lên đấu tranh công khai giữa lòng đô thị Sài Gòn” - bà Ngọc Thanh nhớ lại.
Sự kiện 9-1-1950 được xem như một ngòi pháo vì sau đó nhiều giới cùng vào cuộc, học sinh sinh viên đấu tranh trực diện, phong trào đốt xe Mỹ những năm về sau... Các cuộc bãi khóa của học sinh diễn ra nhiều hơn, những cuộc đàn áp cũng dày đặc hơn mà đỉnh điểm là cuộc đàn áp học sinh người Hoa khu vực Chợ Lớn và lịch sử phong trào đã viết tên học sinh - liệt sĩ Trần Bội Cơ.
Viết tiếp câu chuyện hào hùng
Câu chuyện tại nơi diễn ra sự kiện 9-1 năm xưa (nay là công viên Bách Tùng Diệp) ngay trước tượng đài anh Trần Văn Ơn đầy bi tráng đã níu chân những sinh viên học sinh hôm nay.
Bạn Mai Thị Thu Diễm (Trường CÐ Sư phạm trung ương TP.HCM) chia sẻ: “Lắng nghe hai cô chú kể chuyện, tôi hiểu tuổi trẻ của mình phải sống như thế, phải bùng cháy đầy nhiệt huyết và hết mình”.
Bà Huỳnh Ngọc Thanh nói tương lai đất nước chính là trong tay các em hôm nay, như ngày xưa thế hệ của bà khi xuống đường đấu tranh cũng chỉ có mục tiêu duy nhất là giành lại đất nước từ tay giặc.
“Thanh niên phải là ngòi pháo, ngọn lửa trong mọi hoạt động xây dựng và bảo vệ đất nước. Chỉ có thanh niên mới đủ nhiệt huyết, tinh thần để làm được như thế” - bà Ngọc Thanh nhắn nhủ.
Mỗi bạn sẽ có cảm nhận riêng sau chuyến đi. Với Vũ Trung Ðông (Trường CÐ Công nghệ Thủ Ðức), đó là phải sống và làm việc tốt hơn để xứng đáng với biết bao xương máu hi sinh, mà anh Ơn và bạn bè đã ngã xuống.
“Là cán bộ hội sinh viên, tôi nguyện phát huy thế mạnh và năng lực bản thân, đóng góp phần mình vào hoạt động chung, đưa công tác Hội và phong trào sinh viên thành phố phát triển hơn” - Trung Ðông nói.
Chia sẻ sau chuyến đi, phó trưởng ban thanh niên trường học Thành đoàn TP.HCM Phạm Văn Linh nói: “Tôi tin mỗi bạn sẽ có cảm nhận riêng nhưng chắc chắn rằng các bạn đã được tiếp thêm động lực để phấn đấu, rèn luyện, góp phần xây dựng đất nước, mà trước hết là nâng cao trách nhiệm của bản thân để học tập, công tác tốt hơn”.
Còn bạn Mai Anh (ÐH Kiến trúc TP.HCM) nói: “Tôi thấy chuyến đi càng ý nghĩa hơn khi chúng tôi đã gửi tặng những phần quà, học bổng đến các gia đình, học sinh còn nhiều khó khăn. Và như thế là chúng tôi đang được chia sẻ một phần trách nhiệm với cộng đồng”.
Sẻ chia yêu thương Trong chuyến hành trình ấy, các bạn đã đến tận nhà thăm bốn mẹ VN anh hùng hiện còn sống tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành. Dù đã ở tuổi 87 nhưng mẹ Ðặng Thị Vốn - có chồng và hai con trai là liệt sĩ - vẫn còn minh mẫn lắm. Mẹ nhắc: “Các con học giỏi, làm việc tốt vẫn chưa đủ mà còn phải luôn ý thức góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước nữa nghe”. Ðoàn đã gửi tặng mỗi mẹ 2 triệu đồng. Ngoài ra 50 phần quà (500.000 đồng/phần) đã được trao cho các gia đình chính sách của xã. 50 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cũng được trao tận tay các học sinh nghèo trong xã. Bạn Nguyễn Trần Hồng Thy (Trường THPT Võ Trường Toản) - một trong những học sinh nhận học bổng - nói: “Lần đầu tiên em được nhận học bổng có số tiền lớn như vậy. Nó sẽ giúp mẹ bớt phần nào gánh nặng tiền học cho học kỳ 2 này”. Cầm trên tay món quà nghĩa tình, bà Năm Nguyên - gia đình chính sách nhận quà - cười tươi: “Cảm ơn các con, cảm ơn tấm lòng của sinh viên thành phố Bác Hồ vì vẫn luôn nhớ đến những người đi trước”. Tổng số tiền và quà tặng trong chuyến đi này do hội sinh viên các trường, Hội Sinh viên VN TP.HCM và Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP.HCM cùng chung tay đóng góp.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận