Hình ảnh xuất hiện nhiều trên các trang báo, trên mạng xã hội là lễ tri ân tưởng niệm diễn ra khắp nơi. Những nghi lễ thiêng liêng, ấm cúng, trang trọng và gần gũi chung một thông điệp: Trong lòng nhân dân, những người anh hùng ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là bất tử.
Trên bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) là những cựu binh Gạc Ma khu vực Bắc Trung Bộ thắp nến và thả vòng hoa xuống biển. Ở đình Nại Nam (Đà Nẵng), nơi có bảy liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma, những đồng đội trở về đã làm mô hình con tàu HQ604 - con tàu đã tử chiến ngày 14-3-1988 - đặt trong lễ giỗ sau đó rồi cung thỉnh xuống sông Hàn xuôi ra cửa bể.
Những vòng hoa trôi trên sóng nước hay mô hình con tàu HQ604 xuôi dòng đều mang tâm vọng của lòng dân, nhờ những con sóng mang ra khơi xa nhắn nhủ với đồng đội đã nằm lại vào những ngày này 35 năm trước rằng: nhân dân, đồng đội muôn đời không quên!
Và hình ảnh được biết đến nhiều nhất là hàng vạn người dân đã đến với Khu tưởng niệm Gạc Ma - cụm tượng đài "Những người nằm lại chân trời" ở Cam Lâm (Khánh Hòa) trong những ngày qua. Đêm 13-3, lễ tưởng niệm trang trọng được tổ chức ở đây với sự có mặt của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa...
Nhiều năm trước, một nhà thơ đã viết về những liệt sĩ ngã xuống vì biển đảo Tổ quốc rằng: "Thay cho đất nâu là vô cùng biển thẳm/ Các anh chết rồi, tên tuổi cũng lênh đênh...". Sau gần 30 năm "lênh đênh" thì tháng 7-2017, anh linh của 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma cũng đã có nơi chốn này để không còn "lênh đênh" nữa.
Điều đặc biệt là cụm tượng đài Gạc Ma được xây lên từ đóng góp của hàng triệu người dân Việt góp cho Quỹ Tấm lòng vàng của báo Lao Động từ chín năm trước, ngày 10-3-2014. Tôi còn nhớ trong lá thư kêu gọi do ông Đặng Ngọc Tùng, bấy giờ là chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phát đi vào tháng 3-2014 viết rằng: "Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu".
Chỉ trong một thời gian ngắn sau lời kêu gọi đó, không chỉ có đủ nguồn lực để xây dựng quần thể tưởng niệm Gạc Ma mà chúng ta còn đủ kinh phí để xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa với cụm tượng đài ở đảo Lý Sơn mang tên "Người Mẹ thắp lửa".
Quần thể tưởng niệm Gạc Ma được khởi công vào tháng 3-2015 thì chỉ chưa đầy một năm sau, tháng 1-2016, lễ đặt đá xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn cũng được tiến hành. Và Khu tưởng niệm Gạc Ma hoàn thành sau hơn hai năm (tháng 7-2017) thì Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa ở Lý Sơn cho đến nay sau hơn bảy năm kể từ lễ khởi công đáng tiếc vẫn giậm chân tại chỗ.
Những anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 là sự tiếp nối của những người Việt đã ra đi từ đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ nhiều thế kỷ trước, họ đi dù biết "Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về".
Những người ra đi không về ấy, những người ngã xuống vì chủ quyền Tổ quốc ấy xứng đáng được tưởng niệm. Vì thế, nhớ về những người hy sinh cho chủ quyền Tổ quốc, bảo vệ biển đảo thiêng liêng nước Việt không chỉ có một ngày hay một sự kiện. Đó là một lịch sử xuyên suốt và tiếp nối.
Tôi nhớ dòng tên cuối cùng trên tấm bia ghi danh các liệt sĩ Trường Sa ở Nhà văn hóa huyện đảo Trường Sa là tên của một người lính sinh năm 1988, nghĩa là khi anh sinh ra thì Gạc Ma súng nổ. 22 năm sau đó, cậu bé sinh 1988 ấy lại nằm xuống giữa quần đảo Trường Sa. Đó là liệt sĩ Lê Văn Tuấn, chuẩn úy, nhân viên máy nổ của đảo Trường Sa, hy sinh ngày 26-10-2010, khi mới 22 tuổi.
Gạc Ma, Trường Sa, Hoàng Sa... Đó không chỉ là những địa danh giữa trùng dương, nó là ngọn sóng yêu nước thương nòi cứ rì rào nối nhau vỗ mãi ngàn đời trong lòng con dân nước Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận