Thương người thương binh, chính quyền và bà con xóm làng đã giúp anh tìm vợ rồi tổ chức một lễ cưới ấm áp, linh đình.
Người tự dỡ bàn thờ mình
Căn nhà nằm sát bên con đường dẫn vào thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) càng gần đến dịp 14-3 càng thêm chộn rộn. Những chuyến viếng thăm liên tục của anh em cựu binh làm ấm mái nhà ông Nguyễn Văn Thống - nhân chứng thời khắc cuối cùng trước khi mất đảo Gạc Ma.
Ông Thống có vẻ già hơn so với tuổi. Mỗi ngày trôi qua là thêm những đớn đau từ các vết thương tái phát. Người cựu binh Gạc Ma này từng mang một cơ thể khỏe mạnh, nhưng chỉ trong buổi sáng 14-3, một phần thân thể của ông đã mãi nằm lại dưới đáy biển chủ quyền của Tổ quốc.
Một loạt đạn của Trung Quốc đã xé nát con mắt bên trái, bàn tay ông cũng bị đứt gần hết ngón. Khi ông kéo ống quần lên, chúng tôi thấy một phần thịt đã bị xẻo đứt, sẹo mọc chi chít như vỏ hến xếp cạnh nhau.
Bà Phạm Thị Thuyết, vợ cựu binh Nguyễn Văn Thống, ngồi liên tục xoa bàn tay lên lưng chồng để làm dịu cơn đau.
"Hơn 30 năm theo ổng là chừng ấy thời gian tôi chăm ổng từng li từng tí. Ai đã làm vợ một thương binh hạng nhất mới hiểu hết sự cơ cực. Nếu không vì thương, vì duyên phận thì sẽ không đi tới ngày hôm nay", bà Thuyết tâm tình.
Nhân Nam là một làng biển của Quảng Bình. Gia đình cựu binh Nguyễn Văn Thống gần như được tất cả bà con, chính quyền và các đoàn hội biết đến bởi ông là một trong những người lính may mắn sống sót, bị bắt làm tù binh tại Trung Quốc và trao trả vào năm 1991 sau sự kiện đẫm máu trên đảo Gạc Ma năm 1988.
Ông Thống kể ông nhận lệnh nhập ngũ rồi vào Đà Nẵng huấn luyện vào đầu năm 1985. Tháng 3-1988, con tàu hải quân đưa ông và những người lính trẻ ra làm nhiệm vụ ở Gạc Ma. Buổi sáng 14-3, loạt đạn từ tàu chiến Trung Quốc đã biến tàu HQ604 thành ngọn đuốc.
Ông Thống bị thương, máu loang đổ trên sóng nước nhưng may mắn sống sót khi bám được vào một cột gỗ. Sau thời gian bị giam cầm ở Trung Quốc, đầu năm 1991 ông được trả về nước.
Cùng đi Trường Sa vào tháng 3-1988 ở Quảng Bình còn có hàng chục thanh niên khác. Nhưng câu chuyện của ông Thống nhận được nhiều sự quan tâm khi ông về trong hoàn cảnh bi thương: thân thể chi chít các vết thương từ đạn, một mắt mù hẳn.
Không những vậy, sau ngày xảy ra sự kiện bi tráng Gạc Ma 14-3-1988, gia đình ông Thống đã nhận được giấy báo tử. Gia đình đã nuốt nước mắt lập gian bàn thờ cho ông.
Ông Thống kể rằng ngày được Trung Quốc trao trả về, ông phải nằm ở Bệnh viện 108 Quân đội thêm 3 tháng. Chứng kiến con trai tiều tụy và đầy sẹo, mẹ ông đã bật khóc rồi dẫn con trai tới gian bàn thờ nơi đặt di ảnh ông.
Người lính trở về từ Gạc Ma phải tự tay dỡ bàn thờ của mình để mẹ tin rằng con trai vẫn còn sống và nay trở về bằng da bằng thịt.
Làm vợ anh thương binh
Ông Thống giờ đã yên bề gia thất ở làng biển. Người phụ nữ đang đứng bên ông dáng cao, nét mặt phúc hậu chính là cô gái ngày nào đã chấp nhận thiệt thòi để lấy một thương binh mất gần như toàn bộ sức khỏe.
Bà Thuyết trải lòng dù nhà gần nhau nhưng bà không hề biết ông Thống cho tới ngày thấy người chiến sĩ trở về với đầy thương tật súng đạn. Thống lớn lên rồi lặng lẽ lên đường làm nhiệm vụ như bao người trai khác. Những ngày đầu của năm 1992, cả thôn Nhân Nam xáo động bởi câu chuyện một người lính hải quân đã được lập bàn thờ nhưng lại sống sót trở về.
"Nghe chuyện người thương binh đã chết rồi nay bỗng trở về thì cả làng kéo nhau đi xem. Tui vì tò mò nên cũng bu theo. Tới nơi thấy ổng nằm dặt dẹo, mặt lõm một hố to bằng quả trứng chỗ hốc mắt trái thì tự nhiên trong lòng thấy thương, tui rớt nước mắt", bà Thuyết nhớ lại.
Ra đi trai tráng, ngày về gửi lại một phần máu thịt ở Gạc Ma nhưng ông Thống nói rằng dù sao ông vẫn thấy may mắn vì còn về được. Có những đồng đội của ông mãi nằm lại biển khơi. Thấy mình yếu hẳn, chân tay không vững, ông Thống nói rằng đã xác định sẽ ở với mẹ cho tới lúc chết đi, có lẽ sẽ không một cô gái nào chịu lấy người thương binh tàn tạ như ông làm chồng.
Bà Thuyết kể rằng những ngày hàng xóm lui tới đông nghẹt tại nhà ông Thống, thấy bà nhà gần kế bên thì nhiều người bông đùa bảo "hay là gả con Thuyết cho thằng Thống". Bà không nghĩ rằng lời đùa đó sau này lại trở thành sự thật.
Một đêm cuối tuần, đoàn cán bộ xã Nhân Trạch gõ cửa tìm đến nhà bà Thuyết. Sau vài câu chào hỏi, vị "trưởng đoàn" và cũng là chủ tịch xã Nhân Trạch lúc đó là ông Phạm Mạnh Hiệp bất ngờ đặt vấn đề rằng xã rất muốn giới thiệu thương binh Thống cho cô Thuyết.
"Tôi ngồi trong góc giường nghe tới câu đó thì giật cả mình. Lúc đó tui cũng cao ráo, xinh xắn. Mấy cán bộ xã bảo vì thấy tui xinh xắn nên mới tới dạm hỏi để anh Thống có một người vợ đàng hoàng", bà Thuyết kể.
Mấy ngày sau, bà Thuyết được người thân liên tục thủ thỉ khuyên bà đồng ý lấy anh thương binh. "Cả cha mẹ và chủ tịch xã, người bà con của tui đều bảo rằng nếu đồng ý lấy anh Thống thương binh thì sau này có gì khó khăn xã sẽ đứng ra giúp đỡ. Ban đầu thì tui cũng hơi nghĩ, nhưng lâu dần qua lại thấy tội nghiệp anh Thống nên tui gật đầu, rồi yêu thương", bà Thuyết nói và đưa ánh mắt âu yếm nhìn ông chồng thương binh của mình.
Đám cưới đặc biệt trên làng biển
Năm 1992, một đám cưới đình đám và "to nhất lịch sử xã Nhân Trạch" được tổ chức ngay trong khuôn viên trụ sở UBND xã. Ngồi trên bục sân khấu giữa ngàn ánh mắt đổ dồn về là cô dâu Thuyết và anh thương binh Nguyễn Văn Thống.
Câu chuyện gán ghép rồi thành hiện thực giữa cô gái xinh xắn kết duyên với anh thương binh đã làm mát lòng quan khách, bà con có mặt.
Đám cưới diễn ra linh đình ngay trong trụ sở UBND xã và đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất cho tới nay một người dân được cả xã lo liệu cho một lễ cưới. "Lúc đó nghèo lắm, tui với vợ mặc quần áo bình thường, chân tui thì đi tập tễnh, mặt méo xẹo vì thương tích.
Bà con ngồi dưới cứ nhìn chằm chằm rồi lần lượt chúc phúc. Bạn bè tui trăm đứa nghe tin ở xa cũng góp tiền mua pháo về dự đám cưới rồi đốt nổ linh đình. Lúc đó tui mới tin chắc rằng mình lấy được người vợ yêu thương này", ông Thống xúc động trải lòng.
Tấm lòng đồng bào với anh thương binh
Ông Thống xúc động kể rằng hồi cưới vợ, nhà ông nghèo quá nên chẳng có gì làm sính lễ. Những ngày trước lễ cưới, chính quyền xã tìm xuống tận nhà rồi bảo xã sẽ cho mượn hội trường, kêu thanh niên trong làng dựng phông bạt, góp tiền trang trí...
Trong lễ cưới, chủ tịch xã đứng ra làm chủ hôn và tuyên bố chính quyền mừng hạnh phúc cho anh Thống - chị Thuyết một mảnh đất nằm sát chợ để lấy vốn làm ăn.
***************
Đại lộ Trường Sa ở Đà Nẵng hiện nay nối liền một dải trục ven biển, là điểm nhấn cho du lịch và nhắc nhớ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
>> Kỳ tới: Đại lộ Trường Sa và chủ quyền Tổ quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận