Dù nhà vẫn còn ngập, nhưng gia đình bé Thảo My đã xin rời điểm trú ngụ chiều 11-8 để chuẩn bị cho buổi tựu trường - Ảnh: S.LÂM
Sáng sớm 12-8, căn nhà mà gia đình ông Danh Bình được một người cho ở tạm cạnh khu vực bãi rác An Thới vẫn còn lềnh bềnh giữa nước ngập. Nhưng khi thấy ông Bình vừa dắt xe máy lội qua chỗ ngập để ra đường, hai cháu Danh Khang, Danh Thị Thảo My - con ông - đã nhanh nhảu xắn quần lội theo cha.
Nay là buổi tựu trường đầu tiên, cả Khang và My đều đang rất nôn nóng được đến trường.
Trong trận ngập lụt vừa qua, gần 50 hộ dân khu vực này đều được di tản đến trú trong Đồn biên phòng An Thới. Đây là một trong những khu vực bị ngập nặng nhất ở đảo Phú Quốc. Cũng là nơi tá túc của những hộ gia đình nhiều nơi đổ về ở tạm, không có việc làm ổn định. Đa số đều đi làm thuê, nhặt rác trong bãi rác An Thới kiếm sống.
Từ chiều trước, nhiều phụ huynh đã đòi về để lo cho mấy đứa nhỏ sáng 12-8 được tựu trường đông đủ. Trước đó, ngay khi di tản vì ngập nước, bé Khang "còi" quơ luôn theo mấy cuốn sách giáo khoa mà Khang xem như tài sản quý nhất của mình.
16 tuổi, nhưng phải đến khi theo cha mẹ từ Bạc Liêu sang đây sống nương nhờ vào việc nhặt rác trong bãi rác An Thới, Khang mới được đi học lớp 1. Ngày đến trường, Khang áo quần chỉnh tề trong bộ đồ tiểu học để vào lớp 4.
Bé My cũng nôn nóng không kém gì anh. Năm rồi My học lớp 1, nhưng chữ vẫn chưa đọc thông, năm nay My lại phải học tiếp lớp 1. Học chậm, nhưng My là đứa thích đi học nhất khu này.
"Chỉ có 5 em mất sách giáo khoa trong đợt ngập vừa qua, còn một số em sách bị ngâm nước nhưng vẫn cứ đem theo, thương lắm" - cô Lê Thị Thu Vân, tổng phụ trách Đội Trường tiểu học An Thới, chia sẻ.
Danh Toại được cô Vân thay bộ trang phục mới trong ngày đầu tiên đi học - Ảnh: D.K.
Buổi tựu trường hôm qua, cô Vân cũng đã chuẩn bị sẵn chục bộ đồng phục được hỗ trợ từ các nhà hảo tâm trên đảo Phú Quốc. Điều cô Vân vui nhất là không em nào vắng trong buổi học đầu tiên.
Cô Vân cũng đã chuẩn bị sẵn đồng phục cho các em học sinh vào học lớp 1. Cô còn làm thêm một nhiệm vụ kiểm tra, ghi nhận các trường hợp cần được giúp đỡ. Kiểm tra xong, thấy em nào cũng... thiếu thốn.
"Đợt ngập vừa qua khu bãi rác ngập ghê lắm, nên hầu như áo quần, sách và dụng cụ học tập của các em hư hại hết" - cô Vân cho biết. Thế là, sau khi mặc đồng phục cho các em học sinh mới vào lớp 1, cô Vân thống kê luôn cỡ đồng phục của 15 em học sinh khác sống trong vùng ngập cạnh bãi rác An Thới.
"Mỗi em thực sự cần thêm một bộ đồng phục. Trước buổi tựu trường đã huy động được một số tập vở mới cho các em. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng vận động thêm đồng phục, sách giáo khoa cho các em" - cô Vân nói thêm.
Ngày đầu tiên, chỉ các em lớp 1 là bước luôn vào việc học. Các lớp trên chỉ tựu trường xong rồi về, hôm sau mới bắt đầu việc ôn tập lại kiến thức cũ. Danh Toại, đứa bé còn sợ khóc thét lên khi thấy chúng tôi giơ máy ảnh ra chụp tại điểm di tản ở Đồn biên phòng An Thới hôm trước, nay được cô Vân mặc cho bộ đồ thì rạng rỡ hẳn lên. Từ đó đến giờ, chưa bao giờ Toại có một bộ đồ mới đẹp như vậy.
Đa số trẻ em quanh khu vực bãi rác An Thới chỉ thường dùng lại những bộ quần áo được tặng từ các đoàn từ thiện. Buổi học đầu tiên, Danh Toại không tập trung nghe cô giáo dạy cho lắm bởi hương thơm từ tập vở trắng tinh trước mặt vẫn còn chiếm hết tâm trí của em.
Ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho biết tất cả trường học từ mầm non tới THPT ở Phú Quốc đều không bị ảnh hưởng gì nhiều từ đợt ngập lụt vừa qua. Chỉ có Trường mầm non An Thới sập 1 đoạn tường rào phía sau và 1 điểm trường tiểu học ở Gành Dầu bị ngập nhẹ.
Ngày 12-8, các trường tiểu học ở Phú Quốc đã nhận học sinh lớp 1. Lớp 2 trở lên nhận học trò từ hôm nay, 13-8. "Các trường hợp khó khăn sẽ được huyện xem xét hỗ trợ nhằm đảm bảo không học sinh nào không được đến trường" - ông Nghiệp cho biết. (KHOA NAM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận