Một ngày sau khi chấp nhận đơn từ chức thủ tướng Pháp của bà Elisabeth Borne, Tổng thống Pháp Macron đã chọn ông Attal. Sự kiện này khiến chính trường Pháp càng trở nên sôi động hơn, giữa bối cảnh các cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra.
Attal là ai, hiện có nhiệm vụ chủ yếu nào, và liệu ngôi sao đang lên này có thể bứt phá trong những năm tiếp theo hay không?
Làn gió mới
Tổng thống trẻ nhất lịch sử bổ nhiệm thủ tướng trẻ nhất lịch sử. Attal, sinh năm 1989, trở thành vị thủ tướng trẻ nhất Đệ ngũ Cộng hòa Pháp. Ông đã phá kỷ lục cũ của Laurent Fabius, người được bổ nhiệm lúc 37 tuổi vào năm 1984, theo Hãng tin AFP.
Là gương mặt nổi bật trên chính trường Pháp với sự nghiệp thăng tiến nhanh chóng, Attal đại diện cho thế hệ lãnh đạo trẻ kiểu mẫu, đặc biệt ở châu Âu - nơi có xu hướng phá bỏ sự phân biệt và tư duy "truyền thống" bằng cách đa dạng hóa độ tuổi lẫn giới tính trong cơ quan công quyền. Ngoài tuổi trẻ, Attal cũng là thủ tướng đầu tiên của Pháp công khai là người đồng tính.
Tham gia chính trường từ đầu độ tuổi 20, ông Attal đã thăng tiến nhanh chóng. Năm 2017, ông đã được bầu vào Hạ viện, sau đó làm phát ngôn viên chính phủ kiêm bộ trưởng ngân sách.
Tháng 7-2023, ông Attal làm bộ trưởng giáo dục, một trong những vị trí cao cấp và nhạy cảm nhất về chính trị ở Pháp.
Theo AFP, ông Attal đã ưu tiên giải quyết vấn đề tự tử vì bạo lực học đường, vốn là chuyện nhận sự quan tâm lớn của Đệ nhất phu nhân Pháp Brigitte Macron, người từng là giáo viên.
Attal đấu với chính trị gia trẻ của Le Pen
Theo Politico, ông Attal đã vạch ra những ưu tiên khi làm thủ tướng: giáo dục, thúc đẩy tầng lớp trung lưu, khôi phục quyền lực và kiểm soát nhập cư.
Nhiệm vụ đầu tiên của ông Attal sẽ là giúp Tổng thống Macron khôi phục danh tiếng. Là gương mặt trẻ trung và sáng sủa, ông Attal là thông điệp tươi mới của ông Macron trong nỗ lực sửa chữa những bất ổn xã hội trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai đầy thách thức này.
Chính quyền ông Macron đang lo lắng sau hàng loạt vụ nổi loạn ở ngoại ô từng gây sốc nước Pháp năm ngoái, cũng như liên tiếp các vụ giết người tàn khốc và tấn công liên quan tới đạo Hồi.
Theo Reuters, chưa rõ làm thế nào ông Attal có thể đảo ngược tình hình hiện nay, vốn là kết quả của bất ổn lâu dài và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân phức tạp.
Ngoài ra, vì còn rất trẻ, ông Attal sẽ cần được trao quyền lực lớn và tự trang bị một ý chí mạnh mẽ để quản lý các bộ trưởng già đời hơn. Vai trò thủ tướng bị ví như một cốc rượu độc, có thể rớt chức khi tổng thống mất lòng dân.
Đây cũng chính là lời đe dọa mà Jordan Bardella, ngôi sao đang lên bên phía đảng đối lập của bà Marine Le Pen, gửi tới đối thủ tiềm năng.
Trên mạng xã hội X, Bardella nhắn nhủ: "Bằng việc bổ nhiệm Gabriel Attal, ông Emmanuel Macron muốn tiếp tục phát huy sự ủng hộ của mình, xoa dịu nỗi đau về sự cai trị không hồi kết này".
Bardella cũng chính là nhiệm vụ thứ hai của ông Attal: vực dậy các lực lượng trung dung của ông Macron để phá thế đang lên của phe cực hữu bên phía bà Le Pen.
Bardella (sinh năm 1995) mới 28 tuổi nhưng đã được bà Le Pen bảo trợ. Nhân vật này được cho là cách bà Le Pen củng cố sức hấp dẫn của Đảng National Rally, vốn đang dẫn trước phe Macron 10 điểm trong các cuộc thăm dò.
Thủ tướng Pháp trẻ tuổi là người kế thừa hay chỉ "phát ngôn viên"?
Thủ tướng trẻ tuổi nhất hay thủ tướng công khai đồng tính đầu tiên đều là những yếu tố giúp ông Attal thu hút dư luận. Attal được cho là "người kế thừa" chính sách của ông Macron và có thể mang tham vọng làm tổng thống tương lai.
Một mặt, đây là sự lựa chọn hữu dụng để thổi làn gió mới vào chính trường. Mặt khác, đây là quyết định gây tranh cãi.
Không có gì lạ khi các đảng đối lập tấn công ông Attal, cho đây chẳng qua chỉ là một nhân vật được ông Macron cất nhắc, "tạo ra".
Chính trị gia cánh tả Jean-Luc Mélenchon tuyên bố thủ tướng trẻ tuổi Attal chẳng làm được gì hơn ngoài vai trò "phát ngôn viên" cho Tổng thống Macron. "Thật đáng nguyền rủa cho những dân tộc có hoàng tử là trẻ con", vị này viết trên X.
Tương tự, Aurélien Pradié, nhân vật đang lên của đảng bảo thủ Pháp Les Républicains (Những người Cộng hòa) thận trọng nói: "Thành công sớm là một chuyện. Chứng tỏ bản thân là chuyện khác".
Nhưng quan trọng hơn, việc bổ nhiệm ông Attal cũng bị cho là động tác khiến chính trường Pháp nói chung đứng ngồi không yên, có thể gây hại cho phe ông Macron.
Ông Attal được chọn có thể khiến ứng viên sáng giá khác như cựu bộ trưởng nông nghiệp Julien Denormandie không vui, dù đây là đồng minh lâu năm. Theo Politico, một số ứng viên nặng ký khác hướng tới cuộc đua ghế tổng thống như Gérald Darmanin (Bộ trưởng Nội vụ) hay Bruno Le Maire (Bộ trưởng Kinh tế) cũng không mấy hào hứng.
Một số nguồn tin khác của Politico cũng lưu ý thời gian từ lúc bà Borne từ chức tới lúc công bố bổ nhiệm ông Attal dài bất thường, và cho rằng điều này phản ánh sự bất bình trong các đối tác liên minh của ông Macron như François Bayrou và Edouard Philippe.
Tổng thống Macron đã luôn chứng minh sự sắt đá trong những quyết sách quan trọng. Việc bổ nhiệm ông Attal lần này có vẻ cũng là một canh bạc tất tay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận