Từ năm 2008, UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị di dời ga Sài Gòn (Q.3), ga Bình Triệu (Q.Thủ Đức) về ga Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Ông Phạm Duy Nghĩa - người dân cư ngụ ở Q.Gò Vấp cho rằng sau khi di dời ga Sài Gòn, cần tận dụng đoạn đường sắt này trở thành đường bộ. Bởi vì việc xây dựng đường sắt trên cao sẽ phải di dời giải tỏa nhà cửa, gây xáo trộn cuộc sống của người dân.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - chuyên gia quản lý đô thị - cũng đặt vấn "Tại sao có chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi trung tâm, các bệnh viện trong nội ô không được cấp giấy phép xây dựng mới, chợ đầu mối và bến xe phải dời đi... nhưng ga xe lửa Sài Gòn không di dời?"
Tuy nhiên, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến sau năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 8-4-2013 vẫn giữ ga Sài Gòn ở vị trí hiện nay. Trong đó, đường sắt quốc gia đoạn từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn sẽ được xây dựng trên cao và phía dưới là các đường bộ hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng việc xây dựng tuyến trên cao này khá tốn kém, phải đầu tư kỹ thuật phức tạp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân sống xung quanh, không gây tiếng ồn. Và hơn thế nữa là phải cắt xén hàng ngàn nhà dân dọc hai bên đường sắt để đảm bảo việc xây cầu bêtông làm bệ đỡ cho tàu chạy trên cao.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao này hiệu quả bởi khổ đường sắt quốc gia có cùng khổ đường sắt đô thị nên sử dụng chung. Theo đó, TP.HCM sẽ kết nối các tuyến đường sắt đô thị đi lại trên tuyến đường này.
Tại Hà Nội, thiếu tướng Phạm Xuân Bình, phó giám đốc Công an Hà Nội cho rằng nếu không thể di dời ga ra khỏi nội thành, việc cần phải làm là cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp nghiên cứu để đầu tư xây dựng hệ thống đường ray đi ngầm hoặc đi trên cao đối với tuyến từ ga trung tâm ra tới vùng ngoại thành.
Nếu không thể di dời ga ra khỏi nội thành, việc cần phải làm là nghiên cứu xây dựng hệ thống đường ray đi ngầm hoặc đi trên cao với tuyến từ ga trung tâm ra ngoại thành.
Thiếu tướng Phạm Xuân Bình
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, ga Hà Nội ở vị trí hiện tại vẫn là ga trung tâm trung chuyển của tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác. Ít nhất có 2 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội được quy hoạch kết nối trực tiếp với ga Hà Nội là tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội (đang thi công), tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.
Để giải quyết tình trạng giao cắt cùng mức giữa đường sắt với đường bộ trong nội thành Hà Nội, quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt đô thị số 1 xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi đi trên cao, chạy chung đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia. Tuyến số 1 hoàn thành thì tàu vào ra ga Hà Nội đi trên cao hoàn toàn, không giao cắt cùng mức với đường bộ nên giao thông đường bộ không bị gián đoạn khi chạy tàu.
Ga Hà Nội ở vị trí hiện tại vẫn là ga trung tâm trung chuyển của tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
Theo ông Đông, Thủ tướng cũng vừa cho phép tiếp tục triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 vốn bị tạm dừng sau khi xảy ra vụ Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ một số cán bộ đường sắt từ năm 2014. Phía Nhật Bản cũng cam kết tiếp tục cho vay vốn ODA để thực hiện dự án.
Ông Đông cho biết thêm theo quy hoạch, sau này tàu lửa đi vào thành phố chỉ là tàu chở khách. Tàu chở hàng sẽ đi theo các tuyến đường sắt vành đai. Hiện nay đã có tuyến vành đai phía tây từ Ngọc Hồi đi Hà Đông qua cầu Thăng Long sang Đông Anh. Trong tương lai, quy hoạch đề ra việc xây mới tuyến đường sắt vành đai phía đông Hà Nội từ Ngọc Hồi vượt sông Hồng sang Gia Lâm về ga Yên Viên đi Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, cần giải pháp nào cho ga xe lửa trong điều kiện hiện nay?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận