Phóng to |
Đầu máy cổ ở ga Đà Lạt - Ảnh: Internet |
Ga Đà Lạt được gắn liền với tên tuổi một kiến trúc sư người Pháp tên là Moncet. Năm 1932, kiến trúc sư Moncet cùng đồng nghiệp của mình là Reveron đã thiết kế và thi công ga hỏa xa Đà Lạt. Sau 5 năm thi công (vào năm 1936), nhà ga hoàn thành.
Tuy vậy, theo một tư liệu lịch sử cho biết dự án xây dựng tuyến đường sắt từ Tháp Chàm đi Đà Lạt được toàn quyền Paul Doumer phê duyệt và khởi công xây dựng từ năm 1908, đến năm 1922, Công ty thầu khoán Á Châu được ủy nhiệm nghiên cứu làm đoạn đường xe lửa răng cưa Kroongpha - Dran theo kiểu Thụy Sỹ, với đoạn đường sắt răng cưa dài khoảng 10km, vượt độ cao 1.000m của đèo Sông Pha với độ dốc 12% để đến đất Dran của Lâm Đồng.
Kể từ khi có nhà ga Đà Lạt thì số lượng khách du lịch đến với thành phố du lịch và nghỉ dưỡng ngày càng nhiều. Theo tư liệu, mỗi ngày có ba đôi tàu thường xuyên hoạt động trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm. Khi đó, trên mỗi chuyến tàu, ngoài toa vận chuyển hàng hóa còn có 3 toa chở khách, và những toa chở khách này cũng được phân ra theo 3 hạng khác nhau.
Sau khi người Pháp rời Việt Nam, việc chạy tàu từ Đà Lạt đi Tháp Chàm vẫn được duy trì. Đến thời Mỹ chiếm đóng, tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ việc vận chuyển thiết bị cho chiến tranh nên đã bị quân giải phóng cắt đứt và nhà ga này ngừng hoạt động năm 1972. Sau giải phóng, tuyến đường sắt này được khôi phục và chính thức kéo còi vào ngày 19-5-1975, nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác.
Ga Đà Lạt có thể coi là đặc biệt bởi nó không hề giống với bất cứ một dinh thự hay công sở nào lúc bấy giờ, và cũng không giống với bất cứ lối kiến trúc của một nhà ga nào khác ở Việt Nam. Nhà ga có chiều dài 66,5m, rộng 11,4 m, cao 11m. Ga Đà Lạt là nhà ga có độ cao cao nhất Việt Nam vì nó nằm ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, và lúc bấy giờ nó cũng được xem là nhà ga đẹp nhất Đông Dương và cả nước Pháp. Hiện nay ở nước ta ngoài ga Hải Phòng thì ga Đà Lạt là nhà ga cổ kính nhất còn lại ở Việt Nam.
Ở Việt Nam hiện nay, loại tàu hỏa chạy bằng hơi nước chỉ còn lại vài chiếc, chủ yếu là ở Hà Nội. Ở miền Nam chỉ duy nhất có ở Đà Lạt. Chiếc đầu máy chạy bằng hơi nước này được sản xuất tại Nhật vào năm 1932. Theo tính toán của các kỹ sư thì để chiếc đầu máy này chạy được phải cần đến một nhiệt độ 3.000C, đun 12m3 nước để tạo ra một sức kéo 700 tấn. Tuyến đường ray mà con tàu này chạy cũng độc đáo không kém: đường sắt răng cưa, một đường sắt độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Vào năm 1960, dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, khối tài liệu mộc bản với hơn 35.000 tấm được chứa trong 3 toa mỗi toa nặng khoảng 25 tấn, nên đã phải dùng đến toa tàu hỏa có răng cưa để vận chuyển khối mộc bản lên cao nguyên này. Khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn được hình thành dưới triều Nguyễn bao gồm những tác phẩm chính văn, chính sử; những áng văn ngự chế của các vị hoàng đế triều Nguyễn... Sau khi nhà Nguyễn sụp đổ thì toàn bộ những ván khắc in mộc bản này được chuyển về Đà Lạt.
Ngày nay, tuyến đường sắt này chỉ còn 17 km đi từ ga Đà Lạt đến ga Trại Mát, và được đưa vào tuyến du lịch trên những toa tàu và đầu tàu cổ kính. Khi một cột khói đen bốc lên, những bánh răng cưa bắt đầu chuyển bánh. Những du khách hiếu kỳ có dịp ngắm phong cảnh Đà Lạt bên ngoài những ô cửa sổ với ngút ngàn đồi thông chập chùng và khung cảnh bầu trời Đà Lạt trong veo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận