25/06/2017 14:14 GMT+7

Gà cùng một mẹ… cớ gì đá nhau

HOÀNG LY
HOÀNG LY

TTO - Chuyện xung khắc giữa anh chị em trong một nhà không phải hiếm gặp ở nhiều gia đình hiện nay dù biểu hiện có khi âm thầm, có khi ra mặt.

Những xích mích nhỏ giữa trẻ con thường sẽ trôi qua nhẹ nhàng nếu người lớn biết cách ứng xử khéo léo - Ảnh minh họa: T.T.D.
Những xích mích nhỏ giữa trẻ con thường sẽ trôi qua nhẹ nhàng nếu người lớn biết cách ứng xử khéo léo - Ảnh minh họa: T.T.D.

Trước tình cảnh con trẻ xích mích và ganh tị nhau, nhiều bậc cha mẹ lại tức tối, giận dữ.

Cha mẹ cũng bùng lên theo con

Chị Khánh Thi, ngụ Q. Gò Vấp, TP.HCM, không giấu nổi nỗi bực dọc khi nhắc đến những xung đột của hai đứa con trai cách nhau 3 tuổi của mình:

“Anh em trong nhà mà như chó với mèo, lúc nào cũng gấu ó. Hết ba xử đến mẹ xử mà đâu vẫn vào đó. Cuối cùng là giải tán cho mỗi đứa vô mỗi phòng mới hết ồn ào, ầm ĩ”.

Cùng cảnh ngộ, anh Thế Phong (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) tâm sự: “Nhà tôi có hai cô con gái đứa học lớp 5, đứa học lớp 2.

Hồi đầu, hai vợ chồng tôi cứ nghĩ con gái chắc sẽ quan tâm, chia sẻ với nhau. Vậy mà đi học thì thôi, về nhà là so đo, tị nạnh.

Chị lớn không biết nhường cho em, hay chọc ghẹo em nhỏ. Con gái út thì cậy thế nhỏ hơn, ăn hiếp chị, mè nheo đòi thứ này, thứ kia”.

Dù cùng một nhà nhưng mỗi trẻ mỗi tính cách, sở thích, xu hướng sống khác nhau nên giữa anh chị em ruột thịt có những vấn đề như ganh tị, hiềm khích, thậm chị có khi xung đột tay chân là điều không thể tránh khỏi.

Lý do có khi cũng rất vặt vãnh: ai được dùng máy iPad, ai sẽ đi tắm trước, ai sẽ quét nhà, ai dọn bữa ăn... Nếu cha mẹ không khéo léo xử lý các cuộc cãi vã, châm chọc nhau của các con, không khí gia đình lại trở nên căng thẳng.

Đáng lưu ý là cha mẹ không nên nổi giận.

Thay vào đó, cha mẹ cần chấp nhận một điều rằng không phải lúc nào cũng có sự hòa thuận giữa anh chị em với nhau, vì việc gây gổ giữa các trẻ là chuyện thường thấy, những cuộc đụng độ chớp nhoáng cả ngày lẫn đêm giữa anh chị em ruột không bao giờ hết nếu bọn trẻ còn sống chung dưới một mái nhà.

Tất nhiên, những hành động này ban đầu chỉ ở mức độ “cảm tính, nhất thời”, qua đi rồi lại lành ngay. Song, nếu để mâu thuẫn này lớn dần đến lúc con trẻ trưởng thành thì lại là vấn đề nghiêm trọng trong gia đình và nhân cách mỗi người.

Quan trọng là ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần có cách tác động phù hợp, giúp con trẻ kiềm chế sự ganh tị, xung khắc và giúp các con biết tôn trọng nhau, hòa thuận với nhau.

Lỗi tại... cha mẹ?

Mọi sự gây gổ, ghen tị nhau đều có căn nguyên của nó. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cách ứng xử của chính cha mẹ.

Có thể do cha mẹ quá kỳ vọng vào đứa con đầu của gia đình.

Khi những đứa em nhìn thấy sự mong đợi nhiều hơn của cha mẹ dành cho anh, chị của mình, sẽ thấy mình bị bỏ rơi, dẫn đến có những phản ứng từ nhẹ nhàng đến mạnh mẽ tùy theo tính cách, suy nghĩ, độ tuổi.

Vì thế cách cư xử thiếu khéo léo, tế nhị của cha mẹ sẽ làm ranh giới giữa các anh chị em càng xa ra (có khi chính cha mẹ không nhận thấy).

Tương tự, chỉ cần một đứa trẻ nào đó trong gia đình được bênh vực, quan tâm, chăm sóc nhiều hơn sẽ làm nảy sinh tính đố kỵ ở những đứa trẻ khác.

Cha mẹ đừng vội trách con ích kỷ, so đo với anh em trong nhà, mà cần thay đổi cách tác động với các con để đừng gieo vào đầu trẻ thơ ý nghĩ và thái độ nhỏ nhen khi bọn trẻ còn nhỏ.

Việc nuông chiều con út, hoặc so sánh các con, đề cao đứa này trước mặt đứa khác, hoặc sự phân chia việc nhà, phần thưởng giữa các trẻ thiếu công bằng... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ xung đột.

Tinh tế dành riêng thời gian cho từng đứa cũng là cách cha mẹ làm cho con trẻ thấy mình quan trọng và luôn được cha mẹ yêu thương.

Nói với con một cách chân thành rằng dù cha mẹ có cách cư xử với từng đứa có lúc khác nhau nhưng tình yêu thương cha mẹ dành cho các con là không có sự phân biệt.

Để gà con bớt đá nhau

Cha mẹ có thể dùng vài "chiêu" như sau:

- Đánh lạc hướng: Nếu trẻ có xích mích, cha mẹ cần can thiệp trước khi cuộc cãi vã leo thang. Nếu cần, tách các trẻ ra cho tới khi chúng bình tĩnh và có thể giảng hòa.

- Để trẻ được nói ra vấn đề của mình: Sau khi trẻ đã dịu đi, gọi trẻ đến kể về những gì đã xảy ra.

Dạy các con tuân thủ nguyên tắc “người nói phải có người nghe, không ai được phép ngắt lời”. Cha mẹ giữ vai trò là trọng tài, cố vấn để làm sáng tỏ các vấn đề.

Việc làm này sẽ giảm bớt cảm xúc giận hờn nhau giữa các anh chị em, cũng là cơ sở để xử lý vấn đề một cách công bằng.

- Đồng cảm với mỗi đứa: Có thể xung đột vì do trẻ muốn được cha mẹ quan tâm mình nhiều hơn anh chị em, nên cha mẹ cần bộc lộ thái độ cảm thông với điều đã làm tổn thương đến tâm hồn trẻ, như “mẹ biết con bực mình vì con chưa được đi học tiếng Anh lần nào.

Từ từ, đến tuổi con sẽ đi học”. Tuyệt đối không so sánh kiểu “Tại sao con không bơi giỏi như anh Hai của con?”. So sánh giữa các con chỉ khiến chúng càng “xa” nhau hơn.

HOÀNG LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên