Tàu chở dầu neo tại cảng Nakhodka của Nga vào tháng 6-2022 - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi mời tất cả các nước cùng chí hướng cân nhắc tham gia hành động cùng chúng tôi", Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố chung ngày 28-6 của lãnh đạo Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Mục đích của động thái này là nhằm gắn các dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển dầu đường biển với giá dầu của Nga. Theo đó, các công ty vận chuyển muốn tiếp cận các dịch vụ này từ các công ty thuộc G7 phải cam kết việc giá dầu từ Nga không được bán trên mức giá trần.
Các quan chức G7 cho biết sẽ cần thêm thời gian để xây dựng cơ chế chính xác cũng như mức giá trần cụ thể. Ngoài ra, G7 cũng cần sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế để thực hiện biện pháp này.
Theo tờ Politico, ý tưởng ban đầu do Pháp đề xuất nhằm áp giá trần dầu mỏ trên toàn cầu nhưng đã bị Mỹ và Đức phản đối. Trong khi đó, Ý, quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng Nga, thúc đẩy mở rộng áp mức giá trần đối với mặt hàng khí đốt.
Đáp lại, Điện Kremlin cảnh báo Công ty năng lượng Gazprom của nước này có thể điều chỉnh hợp đồng để đối phó với mức giá trần của phương Tây.
"Nó phụ thuộc vào hướng đi, quyết định của Gazprom. Có thể, họ sẽ đặt vấn đề về thay đổi các điều khoản của hợp đồng hiện tại, thay đổi giá", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết khi được hỏi về ý tưởng nắp khí đốt.
Ngoài ra, G7 cũng nhất trí áp lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga nhằm siết doanh thu của Matxcơva.
Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn thu về khoảng 20 tỉ USD từ dầu mỏ trong tháng 5-2022, tăng 1,7 tỉ USD, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế. Dù không bán được năng lượng cho phương Tây, Nga lại bán được thêm cho thị trường châu Á nhờ chính sách giảm giá.
Nếu Mỹ trừng phạt các nước làm ăn với Nga, buộc Trung Quốc hay Ấn Độ phải tìm nguồn cung khác ngoài Nga, thị trường có thể rơi vào hỗn loạn và đẩy giá dầu lên mốc 200 USD/thùng.
Nhưng với mức giá trần, phương Tây vẫn đảm bảo nguồn chảy của dầu mỏ Nga nhưng siết chặt lợi nhuận mà Matxcơva thu được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận