Người biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar hôm 22-2 - Ảnh: REUTERS
Ngày 23-2, các ngoại trưởng nhóm nước giàu G7 đã ra tuyên bố nói rằng việc sử dụng đạn thật nhắm vào người biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar là không thể chấp nhận được và rằng thủ phạm phải chịu trách nhiệm, theo Hãng tin Reuters.
"Bất kỳ ai dùng bạo lực để phản ứng với các cuộc biểu tình ôn hòa đều phải chịu trách nhiệm", các ngoại trưởng nhóm G7 nêu trong tuyên bố chung.
Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi lên án hành vi dọa dẫm và đàn áp những người phản đối đảo chính. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người bị bắt giữ tùy tiện, gồm cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint".
Các nước G7 nói rằng họ "kiên quyết lên án" việc các lực lượng an ninh sử dụng bạo lực nhắm vào người biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar và thúc giục họ "kiềm chế tối đa và tôn trọng quyền con người cùng luật pháp quốc tế".
Đồng thời họ thúc giục quân đội Myanmar cho phép tiếp cận nhân đạo đầy đủ để hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất.
Theo Hãng tin AFP, các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar đang đối diện với sức ép từ trong nước lẫn quốc tế. Trong bối cảnh Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) gia tăng áp lực bằng các kế hoạch trừng phạt, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính vẫn tăng nhiệt tại nước này.
Đến nay đã có 3 người biểu tình phản đối đảo chính thiệt mạng và 1 người bị bắn chết cuối tuần trước khi đi tuần tra để ngăn các vụ bắt giữ vào ban đêm trong khu phố của ông ở Yangon.
Malaysia tạm ngừng trục xuất 1.200 người Myanmar
Trong diễn biến khác, ngày 23-2, tòa án Malaysia đã ra quyết định tạm ngưng kế hoạch trục xuất 1.200 người Myanmar (gồm nhiều người xin tị nạn và trẻ em) về nước của họ, sau khi các nhóm nhân quyền cho biết những người này sẽ gặp rủi ro nếu bị đưa về Myanmar.
Theo kế hoạch ban đầu, 1.200 người này dự kiến rời Malaysia vào chiều 23-2 bằng 3 tàu hải quân do quân đội Myanmar đưa tới. Mỹ và Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích kế hoạch trục xuất gây tranh cãi trên, theo Hãng tin AFP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận