06/06/2014 08:28 GMT+7

G7 quan ngại về tình hình biển Đông

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển G7 cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông trong cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels kết thúc hôm qua.

fUa5dz6t.jpgPhóng to
Lãnh đạo các nước G7 cùng chủ tịch Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu trong cuộc họp bàn tròn tại Brussels - Ảnh: Reuters

AFP trích tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nói không được sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Trước đó Mỹ cũng cảnh báo Bắc Kinh về tình trạng ngày càng mạnh bạo hơn đối với các vấn đề lãnh thổ.

Thủ tướng Nga nóng mặt

Thủ tướng Dmitry Medvedev có vẻ không kiềm chế được ngôn từ khi mô tả sự ủng hộ của các lãnh đạo G7 với hoạt động quân sự của chính quyền Kiev tại miền đông Ukraine là “sự vô liêm sỉ không có giới hạn”. Trong cuộc họp nội các, ông Medvedev nhắc đến những làn sóng người dân ở vùng biên giới giáp Nga đã phải chạy trốn khỏi bom đạn của chính quyền tấn công lực lượng đòi ly khai. Ông Medvedev tuyên bố: “Vậy mà G7 còn gọi đó là những hành động có mức độ của quân đội Ukraine chống lại người dân mình”.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên biển Đông và biển Hoa Đông - tuyên bố của các nhà lãnh đạo nói - Chúng tôi phản đối hành động đơn phương của bất cứ bên nào nhằm khẳng định lãnh thổ hay tuyên bố trên biển bằng các biện pháp dọa dẫm, đe dọa hay sử dụng vũ lực”. Tuyên bố này cũng nói việc dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng là không thể chấp nhận được và kêu gọi các nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Một vấn đề cũng được quan tâm khác là những bất ổn ở Ukraine, đặc biệt là miền đông nước này. Lãnh đạo G7 đe dọa sẵn sàng áp dụng lệnh cấm vận nặng hơn đối với Nga nếu nước này không giúp ổn định lại tình hình ở miền đông Ukraine - nơi nhóm thân Nga đòi ly khai tiếp tục quấy rối. “Chúng tôi sẵn sàng tăng thêm các biện pháp trừng phạt và cân nhắc các biện pháp hạn chế thêm khiến Nga phải trả giá nếu tình hình đòi hỏi” - tuyên bố của G7 nêu rõ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng khẳng định các nước phương Tây sẽ “kiểm tra đi kiểm tra lại” để đảm bảo Nga phải ổn định tình hình ở Ukraine.

“Chúng tôi không thể chấp nhận việc làm bất ổn thêm ở Ukraine - bà Merkel nói với báo giới - Nếu không có tiến triển, sẽ có khả năng cấm vận, thậm chí là các biện pháp cấm vận nặng hơn của giai đoạn ba bao gồm các cấm vận thương mại, tài chính và năng lượng”.

Cho đến giờ, Mỹ và EU mới chỉ cấm đi lại và phong tỏa tài sản của vài chục quan chức Nga liên quan tới việc sáp nhập Crimea.

Việc cuộc bầu cử tổng thống Ukraine diễn ra suôn sẻ được cho là dấu hiệu Matxcơva đã tỏ ra hợp tác với phương Tây, một cách giúp giảm khả năng trừng phạt kinh tế. Hôm qua, Hãng thông tấn Itar-Tass của Nga đã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho biết đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov sẽ có mặt trong buổi lễ nhậm chức của tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tổ chức ngày 7-6.

Tuy vậy, tuyên bố của các lãnh đạo G7 cho thấy phương Tây vẫn chưa hài lòng và cho rằng Tổng thống Putin cần làm nhiều hơn để ổn định tình hình ở miền đông Ukraine.

Dù không có mặt tại cuộc họp thượng đỉnh G7, ông Putin sẽ có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Đức, Pháp và Anh bên lề lễ kỷ niệm 70 năm ngày đổ bộ lên Normandy tại Pháp hôm nay (6-6). Giới phân tích hi vọng có thể có đột phá từ các cuộc gặp này và coi đây như một cơ hội.

Các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp tục và các nhà lãnh đạo G7 nói vẫn hi vọng sẽ có các cuộc gặp “mang tính xây dựng” với nhà lãnh đạo Nga.

Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng sẽ có mặt tại Normandy trong ngày hôm nay và ông nói không loại trừ khả năng sẽ gặp gỡ tổng thống Nga tại đây.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên