15/06/2021 07:39 GMT+7

G7 muốn điều tra nguồn gốc COVID-19

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các nước G7 kêu gọi tiếp tục điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc COVID-19, riêng Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu Trung Quốc phải minh bạch và cho phép tiếp cận các phòng thí nghiệm của nước này để điều tra.

G7 muốn điều tra nguồn gốc COVID-19 - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Shi Zhengli làm việc bên trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán - Ảnh: AFP

Trong tuyên bố chung sau khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 13-6, các nước thành viên đồng lòng kêu gọi tiếp tục điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19, sau khi cho rằng Bắc Kinh không hợp tác trong cuộc điều tra đầu tiên.

Riêng Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu Trung Quốc phải minh bạch và cho phép tiếp cận các phòng thí nghiệm của nước này để điều tra.

Sức ép gia tăng

"Chúng tôi kêu gọi tiến hành một cuộc nghiên cứu giai đoạn 2 kịp thời, minh bạch, dựa trên cơ sở khoa học và do các chuyên gia lãnh đạo, bao gồm khuyến nghị trong báo cáo của các chuyên gia ở Trung Quốc" - Hãng tin Reuters dẫn thông cáo của G7.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng hối thúc điều tra thêm về nguồn gốc của đại dịch. Ông Johnson nói rằng dù đến hiện tại không có vẻ gì virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19 là sản phẩm từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc nhưng thế giới vẫn nên để ngỏ khả năng đó.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp với G7, Tổng thống Biden nói rằng ông hài lòng với thông điệp của G7. Theo ông, vẫn chưa có kết luận về nguồn gốc dịch COVID-19 và Trung Quốc cần phải minh bạch, cho phép phương Tây tiếp cận các phòng thí nghiệm để điều tra.

"Chúng ta chưa được tiếp cận các phòng thí nghiệm (Trung Quốc) để xác định rằng dịch là... từ khu chợ nơi có con dơi tiếp xúc với động vật và môi trường đã gây ra bệnh COVID-19 này, hay đó là một thử nghiệm thất bại trong phòng thí nghiệm" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Biden nói ngày 13-6.

Ông Biden tháng trước đã yêu cầu các phụ tá điều tra nguồn gốc của COVID-19 trong vòng 90 ngày sau khi giới tình báo Mỹ vẫn để ngỏ khả năng virus gây bệnh không có nguồn gốc từ tự nhiên.

Trước đó một ngày, lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus hôm 12-6 cho rằng Trung Quốc phải hợp tác. "Chúng ta cần hiểu, biết hoặc tìm được nguồn gốc của virus... sau khi đã có nhiều khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu thô" - ông Tedros nói.

Cuộc điều tra đầu tiên do WHO tại Trung Quốc hồi đầu năm nay đã kết luận rằng virus có thể đã lây từ động vật sang người, trực tiếp từ dơi hoặc có thể thông qua các loài động vật có vú bán tại chợ hải sản, đồ tươi sống ở Vũ Hán.

Trung Quốc phản ứng

Trung Quốc ngày 14-6 đã lập tức phản bác, chỉ trích G7 "thao túng chính trị" khi đề cập đến các vấn đề từ Tân Cương, Đài Loan, phong trào biểu tình dân chủ ở Hong Kong cho đến nguồn gốc dịch COVID-19.

"Nhóm G7 lợi dụng các vấn đề liên quan đến Tân Cương để thao túng chính trị và can thiệp vấn đề nội bộ Trung Quốc, điều mà chúng tôi mạnh mẽ phản đối" - đại sứ quán Trung Quốc tại Anh lên tiếng về "những lời dối trá, đồn đại và cáo buộc vô căn cứ" của G7.

Về nguồn gốc của dịch COVID-19, đại sứ quán Trung Quốc lặp lại những tuyên bố trước đó rằng việc truy dấu dịch phải thực hiện trên cơ sở khoa học và không bị chính trị hóa. Trung Quốc đến nay vẫn bác bỏ giả thuyết rằng phòng thí nghiệm ở nước này tạo ra virus corona chủng mới.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhóm, đặc biệt là truyền thông, tiếp tục tìm kiếm thông tin về nguồn gốc trận đại dịch. Đài Sky News ngày 14-6 phát đi đoạn clip độc quyền xâm nhập vào Viện virus học Vũ Hán, đặt ra nhiều vấn đề về nghiên cứu của phòng thí nghiệm này như dữ liệu về virus tại đây đã bị xóa khỏi Internet vào đầu năm 2019.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Peter Daszak trong đội điều tra của WHO, từng bác bỏ thông tin Viện virus học Vũ Hán nghiên cứu dơi, này đã thừa nhận ông đã không hỏi viện này có nghiên cứu dơi hay không. Sky News dẫn các hình ảnh tại viện nghiên cứu ở Vũ Hán khẳng định rằng thực ra nơi đây đã thu thập khoảng 15.000 mẫu nghiên cứu từ dơi.

Các nghi vấn liên quan đến Viện virus học Vũ Hán đến nay xoay quanh 2 giả thuyết: virus lây từ dơi sang các nhà nghiên cứu hoặc virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Tình báo Mỹ cho rằng ít nhất 3 nhà nghiên cứu tại đây có triệu chứng giống COVID-19 từ tháng 11-2019. Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi liệu cấu trúc gene của chủng virus mới có phải bị chỉnh sửa hay không.

Ngăn ngừa đại dịch tương lai

Không chỉ cam kết tài trợ 1 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 cho 92 quốc gia nghèo và thu nhập thấp, G7 cũng đưa ra nhiều biện pháp ứng phó để tránh những nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai, bao gồm thành lập Trung tâm Giám sát dịch bệnh toàn cầu (GPR) để theo dõi các biến chủng mới nhằm đưa ra các biện pháp đối phó kịp thời trước khi kịp bùng phát ra diện rộng. G7 cũng thống nhất thành lập Trung tâm Giải mã trình tự gene toàn cầu, nhằm cung cấp nền tảng công nghệ tốt nhất để nghiên cứu, giải mã sớm các biến chủng mới.

Trong tuyên bố chung, G7 cũng thông qua "Sứ mệnh 100 ngày", theo đó thời gian phát triển vắc xin, điều trị và xét nghiệm khi xảy ra đại dịch sắp tới sẽ được giảm xuống còn 100 ngày so với 300 ngày khi đối phó với dịch COVID-19.

G7 thống nhất lập trường về Trung Quốc, Trung Quốc lập tức đả kích G7 G7 thống nhất lập trường về Trung Quốc, Trung Quốc lập tức đả kích G7

TTO - Thông cáo của hội nghị thượng đỉnh G7 nêu lập trường thống nhất về Trung Quốc, gồm điều tra về nguồn gốc COVID-19, Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương. Đại sứ quán Trung Quốc ở London (Anh) lập tức đả kích hội nghị G7.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên