19/05/2023 11:12 GMT+7

G7 họp tại Nhật, bàn hợp tác toàn cầu

Lãnh đạo các cường quốc tập trung về Hiroshima (Nhật Bản) để khởi động Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển G7 từ ngày 19 tới 21-5.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 18-5  - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 18-5 - Ảnh: Reuters

Đây là dịp để Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ tìm tiếng nói chung trong cách tiếp cận với các vấn đề toàn cầu. 

Giới quan sát đánh giá nội dung thảo luận của các lãnh đạo G7 tập trung vào hai quốc gia không được mời: Nga và Trung Quốc.

Cạnh tranh nước lớn

Hiroshima là chứng nhân lịch sử của bom nguyên tử từ Thế chiến 2. Một số ý kiến cho rằng việc chọn Hiroshima làm địa điểm họp phản ánh nội dung quan trọng đầu tiên của G7. Đây có thể là lời kêu gọi kiềm chế ở Ukraine cũng như chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Trong khi đó, về chính trị và an ninh, các nước G7 phải thúc đẩy sự đoàn kết trong phản ứng với cuộc xung đột tại Ukraine, căng thẳng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. 

Hai điểm nóng ở châu Á trực tiếp liên quan tới Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cũng đóng vai trò quan trọng đối với cục diện Nga - Ukraine.

Về an ninh kinh tế, nhiều quốc gia G7 đang phải vật lộn với cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Một mặt, họ gặp áp lực giảm bớt lệ thuộc vào ảnh hưởng kinh tế và chuỗi cung ứng liên quan tới Trung Quốc. 

Mặt khác, cả bảy thành viên G7 đều có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng vai trò then chốt trong thị trường và sản xuất.

Ví dụ điển hình cho mối lo ngại kinh tế trên là lĩnh vực bán dẫn. Mỹ đã ra chính sách cạnh tranh rõ ràng khi khuyến khích các nước cắt giảm đầu tư chip điện tử tiên tiến tại Trung Quốc. Việc này lại khiến bản thân vài thành viên G7 thực sự gặp khó.

Ông Michishita Narushige - giáo sư tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia (GRIPS) có trụ sở ở Tokyo (Nhật Bản) - nhận định cách thức G7 ứng phó với cạnh tranh giữa các siêu cường sẽ là vấn đề quan trọng tại thượng đỉnh lần này. 

Ông nói với Hãng tin Reuters: "Họ phải xử lý vấn đề an ninh kinh tế và cách ứng phó với công nghệ nhạy cảm. Mọi thứ đều là một phần trong cuộc cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Nga, và Mỹ với Trung Quốc".

Thực tế, ứng phó với cạnh tranh Mỹ - Trung, các nước có dấu hiệu muốn tự chủ hơn trong sản xuất chip. Bộ trưởng Công nghiệp Nishimura Yasutoshi cho biết Tokyo sẽ chi 9,63 tỉ USD vào ngành công nghiệp chip. 

Dấu hiệu này càng được củng cố hơn khi Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hôm 18-5 đã có cuộc gặp để tăng cường hợp tác với giám đốc điều hành các công ty sản xuất chip lớn, bao gồm Micron Technology, Intel và TSMC, trước thềm thượng đỉnh.

Tự giải quyết vấn đề nội bộ

So với các lần họp trước đây của G7, bức tranh địa chính trị toàn cầu đã thay đổi rất nhiều. Giải pháp trở nên phức tạp hơn khi G7 thậm chí bị đánh giá đang chia rẽ về nhiều điểm. Và mấu chốt của mọi chuyện vẫn sẽ chỉ tập trung vào cách tiếp cận với Trung Quốc.

Theo lời nhiều quan chức nói với Reuters, sự chia rẽ trong G7 có vẻ diễn ra sâu sắc nhất khi đề cập tới Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Trung Quốc hồi tháng 4, khi ông kêu gọi Liên minh châu Âu giảm lệ thuộc vào Mỹ, không để bị cả Washington lẫn Bắc Kinh chi phối chính sách đối ngoại.

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden cũng sẽ tìm cách thể hiện khả năng dẫn dắt của nước Mỹ trong bối cảnh địa chính trị mới. Ngoài câu chuyện về "chủ nghĩa bảo hộ" trong chính sách cạnh tranh với Trung Quốc, ông Biden cũng đối diện áp lực từ nguy cơ Mỹ vỡ nợ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, nếu không kịp nâng trần nợ, Mỹ sẽ không còn khả năng thanh toán hóa đơn vào ngày 1-6 tới. Việc Mỹ vỡ nợ về mặt kỹ thuật được cho sẽ càng khiến kinh tế toàn cầu chịu nhiều hậu quả khó lường.

Ông Biden đã đáp chuyến bay tới Nhật Bản vào hôm 18-5 mà không đạt thỏa thuận nào về nâng trần nợ với Đảng Cộng hòa và Quốc hội Mỹ.

Việc nền kinh tế Mỹ gặp sóng gió và nguy cơ vỡ nợ cũng được cho ảnh hưởng lớn tới khả năng lãnh đạo toàn cầu của nước này. Trước cuộc họp hôm 16-5 về nâng trần nợ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy (Đảng Cộng hòa) "nhắc nhở" ông Biden rằng một tổng thống Mỹ sẽ cần tìm giải pháp cho người Mỹ và đó là nơi thể hiện giá trị và sự ưu tiên của tổng thống ấy.

Câu chuyện của ông Biden vô tình diễn tả bầu không khí bao trùm G7 năm nay. Trong khi chưa tìm ra cách tiếp cận chung với Nga và Trung Quốc, các nước G7 đang phải giải quyết "chuyện nhà".

Việt Nam dự họp G7 mở rộng

Hãng tin Bloomberg lưu ý năm nay Nhật Bản đã mời lãnh đạo Việt Nam, Brazil, Ấn Độ và Liên minh châu Phi (khu vực Nam bán cầu) dự cuộc họp mở rộng của G7. Họ cho rằng một trong các thách thức lớn nhất của G7 là không để bị gắn liền với hình ảnh "một nhóm đóng".

Trong đó, thông điệp mà G7 cần truyền tải cho khu vực Nam bán cầu là các thành viên nhóm này có thể hành động nhiều hơn, thay vì chỉ "lắng nghe" các nước.

Sáng nay (19-5), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ lên đường dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21-5.

Dự kiến ngay sau khi đến Nhật Bản, Thủ tướng sẽ gặp đại diện tiêu biểu của cộng đồng và trí thức Việt Nam. Ngày mai (20-5), Thủ tướng sẽ tham dự lễ đón chính thức các trưởng đoàn và dự các phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.

N.Đ. - D.LINH

Thượng đỉnh G7 và tầm nhìn Nhật BảnThượng đỉnh G7 và tầm nhìn Nhật Bản

Sự xuất hiện của những khách mời đặc biệt cho thấy tham vọng của nước Nhật trong việc biến thượng đỉnh G7 thành một diễn đàn có tiếng nói trọng lượng trong các vấn đề toàn cầu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên