Các nhà lãnh đạo tham dự G7 kêu gọi người dân Anh ủng hộ việc Anh ở lại EU - Ảnh: AP |
Theo Reuters, mặc dù không là vấn đề chính thức trong chương trình nghị sự tại G7, nhưng thủ tướng Anh David Cameron cũng muốn tranh thủ hội nghị này để góp một ảnh hưởng nào đó với những cử tri còn đang dao động trước cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh sẽ đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) ngày 23-6 tới đây.
Ông David Cameron kêu gọi người dân trong nước hãy “lắng nghe bạn bè của chúng ta” nói về những tác động có thể xảy ra với tình huống Brexit (Anh rời khỏi EU).
Nhìn chung, lãnh đạo các nước G7 đều mong muốn người dân Anh sẽ theo quan điểm “ở lại” khi nêu ra những nguy cơ tiêu cực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế không chỉ với Anh, mà với cả châu Âu nếu Brexit thành hiện thực.
Vì lẽ ấy, một phần của bản tuyên bố chung dài 32 trang của hội nghị G7 viết: “Việc Vương quốc Anh rời khỏi EU sẽ làm đảo lộn xu thế thương mại và đầu tư toàn cầu cũng như số việc làm do xu thế ấy tạo ra, và là nguy cơ nghiêm trọng hơn với sự phát triển”.
Vấn đề Brexit được liệt chung với các xung đột địa chính trị, khủng bố và làn sóng người tị nạn trong nội dung tuyên bố chung của G7.
Tuyên bố của G7 cũng phù hợp với những quan điểm bình luận của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng không có những điểm lạc quan nào về kinh tế đối với việc Anh rời khỏi EU.
Cùng lúc, Ngân hàng Anh cũng nói nền kinh tế Anh sẽ lao dốc mạnh và thậm chí còn có thể rơi vào một giai đoạn suy thoái ngắn.
Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển kinh tế (OECD) cũng cảnh báo, những người ủng hộ xu thế Brexit sẽ phải đối mặt với việc đóng thuế tương đương với một tháng lương vào năm 2020 nếu họ rời bỏ EU.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận