10/04/2025 21:47 GMT+7

G-Dragon đưa âm nhạc vào vũ trụ

Theo Yonhap, âm nhạc và giọng nói của G-Dragon mới đây đã được phát vào vũ trụ, trong khuôn khổ một dự án nghệ thuật thử nghiệm kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và công nghệ.

G-dragon - Ảnh 1.

G-Dragon - Ảnh: @candyinuheart

Theo thông báo từ Galaxy Corp. - doanh nghiệp công nghệ metaverse ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời là đơn vị đại diện cho G-Dragon, đoạn lời chào ngắn của nghệ sĩ cùng ca khúc mới nhất Home Sweet Home đã được truyền từ Trái đất ra không gian vào ngày 9-4.

Dự án là kết quả hợp tác giữa Galaxy Corp., G-Dragon và Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST).

Khoa học đã giúp cả thế giới chia sẻ âm nhạc, điều đó vốn đã tuyệt vời. Tuy nhiên, việc một trong những ca khúc tôi yêu thích được phát vào không gian vẫn khiến tôi cảm thấy như mơ vậy. Tôi rất phấn khích và hy vọng bài hát đã 'tìm được đúng Home Sweet Home (mái nhà) của mình'.
G-Dragon bày tỏ sự bất ngờ và phấn khích

Tín hiệu phát đi không chỉ truyền tải giọng nói của G-Dragon và giai điệu Home Sweet Home, mà còn vang lên tiếng chuông Emile, một trong những quả chuông đồng cổ nhất Hàn Quốc, với lịch sử hơn 1.000 năm.

Cùng thời điểm phát sóng, bài hát Home Sweet Home được kết hợp trình chiếu với một tác phẩm nghệ thuật do AI hỗ trợ tạo dựng, lấy cảm hứng từ chính con ngươi trong ánh mắt của G-Dragon.

Tác phẩm mang tên Iris, do nghệ sĩ đương đại kiêm pphó giáo sư KAIST, ông Lee Jin Joon, thực hiện. G-Dragon hiện cũng đang giữ vai trò giáo sư thỉnh giảng tại khoa cơ khí của trường.

G-DRAGON - HOME SWEET HOME (Official Audio) (feat. TAEYANG & DAESUNG)

Để đưa dự án nghệ thuật kết hợp này ra không gian, các nhà khoa học đã sử dụng một ăng ten cao 13m, đặt tại trung tâm vệ tinh của KAIST ở thành phố Daejeon, cách thủ đô Seoul khoảng 150km về phía nam.

Đồng thời, artwork cũng được trình chiếu bằng kỹ thuật chiếu ánh xạ (projection mapping) - công nghệ tạo hiệu ứng hình ảnh động sống động trên các bề mặt vật lý, mang lại trải nghiệm thị giác giàu chiều sâu và tính biểu cảm.

Sau khi được truyền đi, toàn bộ tín hiệu từ Trái đất đã được tiếp nhận bởi một vệ tinh thế hệ mới, phóng thành công vào tháng 5-2023 bằng tên lửa Nuri, và được phát tiếp vào không gian. KAIST cho biết Trung tâm Nghiên cứu công nghệ vệ tinh của trường sẽ tiếp tục phát lại dự án này mỗi ngày trong thời gian tới.

Chia sẻ sâu hơn về ý nghĩa của tác phẩm này, nghệ sĩ Lee Jin Joon cho biết con ngươi là biểu tượng phản chiếu cảm xúc và bản ngã, còn được gọi là "tấm gương của tâm hồn". Qua tác phẩm này, nghệ sĩ Lee mong muốn khắc họa "vũ trụ vô tận nhìn từ nội tâm con người" qua góc nhìn của G-Dragon.

Tên thật là Kwon Ji-yong, G-Dragon ra mắt năm 2006 với vai trò thủ lĩnh nhóm nhạc nam Big Bang, một trong những nhóm K-pop có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Á.

Anh được biết đến như một nghệ sĩ toàn diện với khả năng sáng tác, trình diễn và định hình phong cách nghệ thuật cá nhân độc đáo. G-Dragon cũng là một trong số ít nghệ sĩ Hàn Quốc tạo dấu ấn mạnh mẽ trong các hoạt động sáng tạo đa ngành.

Mới đây, anh chính thức trở lại với album phòng thu thứ 3 mang tên Übermensch, sản phẩm solo đầu tiên sau 8 năm kể từ album EP Kwon Ji Yong (2017), đồng thời đánh dấu lần tái xuất chính thức kể từ khi Big Bang phát hành ca khúc Still Life vào năm 2022.

G-Dragon đưa âm nhạc vào vũ trụ - Ảnh 2.'Siêu nhân' G-Dragon

Übermensch của G-Dragon, hay siêu nhân, là một ý niệm xuất hiện trong những trước tác triết học của Friedrich Nietzsche.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên