Tuyển futsal Nga dự Futsal World Cup 2012 với 5 cầu thủ gốc Brazil gồm: thủ môn Gustavo (12), Cirilo (11), Lima (8) (hàng trên từ phải qua), Robinho (10), Pula (7) (hàng dưới từ trái qua) - Ảnh: GETTY
Vài nét về futsal Nga
Giải vô địch futsal Nga được thành lập năm 1991 với mục đích để những cầu thủ có kỹ thuật tốt nhất rèn luyện trong mùa đông khắc nghiệt. Trùng hợp là thời điểm đó Liên Xô tan rã, kéo theo một loạt vấn đề như kinh tế xuống dốc, "chảy máu" tài năng của các đội bóng đá 11 người.
Nhưng nền futsal Nga không bị ảnh hưởng với những cơ sở vật chất sẵn có, không tốn nhiều công chăm sóc trong mùa giá lạnh, cũng như các phong trào chơi bóng nghiệp dư vẫn có đông đảo người dân tham gia. Chính vì những điều kiện thuận lợi trong hoàn cảnh khó khăn khi đó, nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đã chuyển sang chơi futsal.
Điển hình như Sasha Kutuev, người đã từng vô địch futsal châu Âu 2008 cùng đội MFK Sinara. Anh kể lại: "Hệ thống giải futsal Nga dần được hoàn thiện trong những năm 1990. Bộ môn này cũng giúp ích nhiều cho cầu thủ bóng đá.
Tôi không thấy xấu hổ khi chuyển sang chơi bóng trong nhà vì nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp khác cũng vậy. Và nhất là đã có những giáo án chuyên nghiệp được dân chơi phong trào áp dụng. Một số trận đấu futsal hay thường hết vé chỉ trong vài giờ. Ngoài ra, khi điều kiện thời tiết cho phép, tôi vẫn có thể chơi bóng đá ngoài sân cỏ cho các công ty".
Ivan Milovanov, tuyển thủ futsal Nga, giải thích thêm về lý do phong trào chơi futsal nở rộ trong cộng đồng tại Nga hồi năm 1999: "Futsal diễn biến nhanh, có nhiều pha đôi công liên tục, nhiều bàn thắng và cho đến những giây cuối cùng vẫn chưa rõ ai thắng".
Futsal được người dân Nga chấp nhận và được bổ sung thêm yếu tố: Giải vô địch futsal châu Âu lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1996, futsal Nga góp mặt cùng Bỉ, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ukraine. Đến năm 1999, tuyển futsal Nga giành chức vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này.
Từ những nền tảng trên, futsal Nga dần xây dựng được hệ thống futsal chuyên nghiệp với giải đấu cao nhất là Super League, xuống thấp hơn có 4 giải đấu khác và mỗi giải đấu duy trì với khoảng 15 đội.
Những cầu thủ gốc Brazil của tuyển futsal Nga, từ trái qua: Pula, Cirilo, Robinho và Lima (đứng) - Ảnh: GETTY
Nhập tịch để học hỏi, nâng tầm
HLV Marcos Sorato, người Brazil, một trong những HLV ngoại có sức ảnh hưởng lớn đến nền futsal Nga, từng đưa ra yêu cầu bắt buộc dành cho các cầu thủ.
Vị HLV từng vô địch thế giới 2012 nói: "Một cầu thủ futsal muốn thành công phải xử lý bóng tốt trong phạm vi hẹp. Anh ta phải liên tục suy nghĩ trong trận đấu và hoàn thiện kỹ năng phòng ngự lẫn tấn công".
Chính từ những triết lý của HLV Brazil như Marcos Sorato rồi Miltinho, cùng một vài HLV Tây Ban Nha như Beto Aranha, Tino Perez, Miguel Andres Moreno, đã thay đổi mô hình huấn luyện của futsal Nga. Và hầu hết chú trọng vào thể lực hơn là các bài tập chiến thuật.
Tuy vậy, chỉ khi những cầu thủ Brazil xuất hiện và "dần hòa nhập" thì cuộc cách mạng mới thực sự diễn ra đối với kỹ năng chơi futsal của các cầu thủ Nga.
Sở dĩ dùng từ "dần hòa nhập" là bởi ở Nga trước năm 2020 vẫn còn những quy định nhập tịch khắt khe lẫn vấn đề phân biệt chủng tộc vẫn âm ỉ trong cộng đồng. Thậm chí khi những cầu thủ gốc Brazil đã là trụ cột tại tuyển futsal Nga, vẫn diễn ra làn sóng "chỉ sử dụng nhân sự người Nga" ở các CLB futsal Nga mà đỉnh điểm là vào năm 2014.
Đây là một phần nguyên do khiến siêu sao Ferrao của tuyển Brazil hiện tại phải rời MFK Tyumen (Nga) sau 3 năm gắn bó để đầu quân cho Barcelona (Tây Ban Nha).
Huyền thoại trong thế kỷ 20 của futsal Nga, Konstantin Eremenko - Ảnh: FOOTBALL UNION OF RUSSIA
Gác lại vấn đề chính trị xã hội, Ivan Milovanov, tuyển thủ futsal Nga, nói về tác động của những nhân tố gốc Brazil: "Không chỉ tôi mà các HLV Nga đều đã học được rất nhiều điều từ những người Brazil.
Futsal Brazil mạnh hơn Nga và đó là lý do có sự xuất hiện của họ ở đội tuyển. Trong tập thể không có chia bè phái vì sòng phẳng mà nói, nếu những cầu thủ trẻ có thể tiến bộ hơn, họ sẽ thay thế bất cứ ai".
Thực tế sau giai đoạn của những huyền thoại vô địch châu Âu 1996 như Konstantin Eremenko, Alexander Verizhnikov..., tuyển futsal Nga luôn có phong độ phập phù.
Chỉ đến khi xuất hiện những trụ cột gốc Brazil như Cirilo (năm 2005), Pula (2008), Robinho (2009), Lima (2010) và Gustavo (2011), tuyển futsal Nga đã lọt vào 4/9 trận chung kết futsal châu Âu. Và ở 3 kỳ Futsal World Cup gần nhất, họ có một lần lọt vào chung kết và hiện là đương kim á quân.
Ở Futsal World Cup 2021, tuyển futsal Nga có 3 cầu thủ trụ cột gốc Brazil gồm Robinho, Eder Lima và Romulo. Dù vậy, nhìn rộng ra futsal châu Âu, Nga không nằm ngoài "làn sóng cầu thủ gốc Brazil".
Theo đó, ở giải futsal châu Âu 2014, 4/5 chân sút tốt nhất là cầu thủ gốc Brazil, gồm: Eder Lima (Nga) với 8 bàn thắng; Fernandão (Tây Ban Nha) - 5 bàn; Rodolfo Fortino, Gabriel Lima (Ý) - 4 bàn.
Thống kê ở giải futsal châu Âu 2018, có tới 20 cầu thủ gốc Brazil và Ý dẫn đầu với 6 cầu thủ, xếp sau là Azerbaijan (5), Nga (4), Kazakhstan (3) và Romania (2).
Eder Lima (8) từng nhiều lần từ chối lời mời trở lại tuyển Brazil - Ảnh: FIFA
Cầu thủ gốc Brazil nghĩ vì về futsal Nga?
Một trong những ngôi sao gốc Brazil được mến mộ nhất châu Âu là Sergio Luis Maciel Lucas "Serjão", từng thổ lộ: "Trải nghiệm mới và mức đãi ngộ tốt hơn là lý do tôi tới Nga chơi futsal. Tôi còn được ở trong tòa nhà chung với ban lãnh đạo.
Mọi thứ đều ổn từ cấp độ thi đấu, cơ sở vật chất cho đến không khí khán đài cũng là một trải nghiệm tuyệt vời. Rất bất ngờ khi tôi được biết đến nhiều hơn một số cầu thủ bóng đá.
Tôi tin rằng rất nhiều cầu thủ Brazil chất lượng tốt nhưng không có cơ hội trong nước vẫn có thể chơi cho một đội tuyển quốc gia khác".
Serjão sau vài năm chơi futsal ở Nga đã rong ruổi khắp châu Âu. Anh từng khoác áo tuyển Brazil ở một giải giao hữu năm 2003 nhưng cuối cùng quyết định đầu quân cho tuyển futsal Azerbaijan. Năm 2010, Serjão cùng những đồng hương Biro Jade, Thiago giúp Azerbaijan đạt thành tích tốt nhất lịch sử với vị trí thứ 4 châu Âu.
Tương tự Serjão là Eder Lima, cầu thủ gốc Brazil được futsal Nga ghi danh huyền thoại. Anh từng trả lời phỏng vấn của FIFA rằng, mình không bao giờ hối hận với quyết định nhập tịch. Thậm chí Lima đã vài lần từ chối lời mời trở về tuyển futsal Brazil.
"Ban đầu tôi chơi bóng đá 11 người nhưng một lần bị đuổi khỏi sân khiến tôi quyết định tập trung cho futsal. Vài tháng sau đó tôi nhận cuộc gọi từ Nga. Các HLV của đội futsal Ugra Yugorsk muốn có tôi. Không hề dễ để học tiếng Nga, vì thế tôi đến trường hằng ngày trong ba tháng và thế là gia đình tôi đã ở Nga hơn 11 năm. Tôi thích tuyết, mọi thứ trắng xóa trông rất đẹp", Lima trả lời trên trang chủ FIFA năm 2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận