Công nhân trong một xưởng may tại Việt Nam - Ảnh: TL
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, nói rằng mỗi một FTA ra đời chắc chắn xuất hiện nhiều điều kiện kèm theo buộc các doanh nghiệp phải đáp ứng như quy định về chất lượng sản phẩm, nhà máy chế biến...
FTA Việt Nam - EU cũng vậy, nếu hiệp định này được ký kết và thực thi sẽ giúp doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu ở những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép... với thuế suất về 0%.
Theo ông Vượng, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu tuy nhiên để tận dụng cần phải chuẩn bị, tính toán và nắm rõ các quy định mà FTA này yêu cầu như tiêu chuẩn sản phẩm, nhu cầu của người tiêu dùng từng thị trường.
"EU là thị trường rất khó tính, điều kiện ngày càng chặt chẽ, muốn nắm bắt doanh nghiệp phải tập trung đầu tư nếu không chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh ngay cả khi có FTA", ông Vượng nói.
Theo ông Vượng, các nghiệp mong muốn cơ quan quản lý tiếp tục rà soát cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, giấy phép con không cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng ngành dệt may kỳ vọng xuất khẩu sang EU tăng trưởng 15%/năm với hiệp định này.
Ông Hồng nói rằng EU là thị trường lớn thứ 2 của ngành dệt may Việt Nam, nếu FTA Việt Nam - EU được ký kết và triển khai sẽ là một thuận lợi khá lớn cho ngành dệt may và "rõ ràng là cơ hội cho các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường".
Ông Hồng cho biết hiện nay, hàng dệt may Việt Nam đang phải chịu mức thuế từ 7-17%, FTA này được ký kết mức thuế suất giảm xuống còn 0%, tốc độ tăng trưởng ở thị trường này chắc chắn sẽ tăng trung bình 15% mỗi năm (hiện tăng trưởng khoảng 10%).
"Việc thuế suất giảm xuống 0% là cơ hội để dệt may Việt có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ cùng xuất khẩu sang EU như Banglades, Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc...", ông Hồng nói.
Tuy nhiên doanh nghiệp có khai thác được 100% cơ hội này hay không lại là vấn đề.
Hiện nay thách thức của ngành dệt may là xuất xứ nguyên phụ liệu, dù FTA Việt Nam - EU chỉ yêu cầu đảm bảo nguồn gốc xuất xứ từ vải chứ không phải từ sợi như hiệp định CPTPP.
Đến nay ngành dệt may Việt Nam mới chỉ cung cấp được khoảng 30% nguyên liệu vải nội địa, vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nhiều thị trường ngoài EU.
Vì vậy, để khai thác và chiếm lĩnh thị trường tốt hơn, Nhà nước cần có chính sách thu hút hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu.
Doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm, mẫu mã, bao bì như quy định mà FTA này đưa ra.
"Chúng ta phải làm triệt để, triển khai nhiều giải pháp chứ không trôi qua cơ hội sẽ rất uổng, mình được cắt thuế mà thua các nước khác thì rất buồn", ông Hồng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận