16/03/2019 09:27 GMT+7

Friend Zone: Điện ảnh Thái lại gây ngạc nhiên

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Vì sao một bộ phim tình cảm hài với môtip cũ, lại nhiều quảng cáo như Friend Zone lại 'giữ chân' người xem đến phút cuối với những cảm giác rất dễ chịu?

Friend Zone: Điện ảnh Thái lại gây ngạc nhiên - Ảnh 1.

Gink (vai Pimchanok Leuwisetpaiboon, phải,) và Palm (Naphat Siangsomboon) trong phim - Ảnh: IMDb

Friend Zone là bộ phim điện ảnh mới nhất đã làm mưa làm gió tại thị trường nội địa Thái trong dịp ngày tình nhân vừa qua. Phim nay ra mắt tại rạp chiếu Việt từ ngày 15-3 với cái tên Yêu nhầm bạn thân.

10 năm "chuyển hóa" từ bạn sang yêu!

Friend Zone xoay quanh mối tình đơn phương của Palm - một chàng điển trai, hài hước, là tiếp viên hàng không.

Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã thầm yêu Gink - cô bạn gái thân nhất của mình, nhưng sau đó anh quyết định giữ tình bạn thân thiết.

Trailer FRIEND ZONE

Trong mười năm thanh xuân của tình bạn kỳ lạ ấy, Palm luôn có mặt bên Gink trong những lúc khó khăn nhất của cô: khi cả hai phát hiện bố Gink ngoại tình và cuộc hôn nhân của bố mẹ Gink tan vỡ, khi người yêu đầu của Gink phản bội khiến cô suy sụp, hay ngay cả khi Gink nghĩ đã tìm được một nửa hoàn hảo của đời mình...

Cả hai trưởng thành, đi bên cạnh nhau thầm lặng như một cái "phao cứu sinh" mà mỗi khi "chết chìm" trong cuộc sống hỗn loạn, nửa kia hoàn toàn có thể "bấu víu" vào bất cứ lúc nào.

Nhưng rồi một ngày Palm nhận ra cậu không muốn kìm nén tình cảm của mình nữa, và "vùng an toàn - friend zone" rất khó chịu trong mười năm qua đã đến lúc cần phải xóa bỏ!

Nói về môtip của câu chuyện, có thể khẳng định: chuyện hai người bạn khác giới chơi thân với nhau và mãi mãi chỉ nằm trong vùng "an toàn" của tình bạn mà không thể nhích sang tình yêu là chủ đề cũ kỹ mà một bộ phim rom-com (phim tình cảm hài) có thể khai thác.

Hơn nữa, Friend Zone còn "sở hữu" một trong những điều mà khán giả xem phim dễ "ác cảm" nhất, đó là lồng ghép quảng cáo trên mọi "mặt trận"!

Thế nhưng, vì sao Friend Zone ngay trong ngày công chiếu đầu tiên đã thu về 24 triệu baht tại Thái Lan, vượt xa một bộ phim từng được đánh giá là một "ngạc nhiên" lớn của điện ảnh Thái là Bad Genius trước đó?

Friend Zone: Điện ảnh Thái lại gây ngạc nhiên - Ảnh 3.

Một cảnh của Friend Zone

Cách người Thái quảng bá du lịch bằng điện ảnh

Khán giả xem phim không khó nhận ra những khung hình quảng cáo cho điện thoại, nước suối, hãng hàng không, khu nghỉ dưỡng... nhưng có lẽ không mấy ai có cảm giác khó chịu?

Bởi có lẽ các nhà làm phim Thái đã "bù trừ" bằng một ngôn ngữ kể chuyện mới: độc đáo, duyên dáng, hợp lý và sáng tạo hơn.

Nhịp điệu của bộ phim không bị nhàm chán, một màu, dù có đôi lúc hơi dài dòng một chút.

Hành trình lạc nhau rồi "tìm thấy" nhau của cặp đôi trong phim trải dài đến... 9 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, với những bối cảnh tại Kuala Lumpur (Malaysia), những ngôi đền linh thiêng ở Yangon (Myanmar), những khu phố bán dimsum nổi tiếng ở Hong Kong (Trung Quốc), những bãi biển đón hoàng hôn màu hồng tuyệt đẹp ở đảo Karbi, Thái Lan hay chỉ là những con đường bình yên ở Chiang Mai (Thái Lan).

Cảm giác đầu tiên mà khán giả xem Friend Zone nghĩ tới là tại sao mùa hè này mình không thử một lần đến Krabi hay làm một chuyến "hành hương" đến đất Phật Myanmar.

Hiệu quả quảng bá du lịch của điện ảnh chính là ở điều này: làm cho người xem ao ước được đặt chân đến những vùng đất mới.

Một bộ phim thành công là bộ phim khiến khán giả ngồi trong rạp hoàn toàn tin: những diễn biến của câu chuyện trong phim là thật, cảm xúc của diễn viên là thật, tiếng cười kia là thật, giọt nước mắt kia rơi ra đúng lúc phải rơi, và Friend Zone - một bộ phim tươi mới, trẻ trung, đầy năng lượng sáng tạo - xứng đáng được chọn để giải trí (với khán giả) và để học hỏi (đối với những nhà làm phim Việt).

Chi Pu hát cùng giọng ca 8 quốc gia, vùng lãnh thổ khác

Ngày nay việc hợp tác quảng bá giữa các quốc gia, hay nói thẳng ra là việc "lấy thêm" thị phần khán giả nước ngoài thông qua những hình ảnh, chi tiết về quốc gia đó đã rất phổ biến và được xem là một chiến lược rất thông minh của các nhà làm phim.

Ngay từ giai đoạn quảng bá hình ảnh, Friend Zone đã gây ấn tượng nhờ phần nhạc phim độc đáo.

a4

Phần lời nhạc phim không chỉ được viết bằng tiếng Thái, mà còn lồng ghép ngôn ngữ của nhiều quốc gia như Lào, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc) và tất nhiên cả Việt Nam...

Có đến 9 giọng ca ở các quốc gia trên, trong đó có Chi Pu của Việt Nam, thể hiện bài hát chủ đề mang tên Kit Mak (Mộng mơ)và sự xuất hiện của những ca sĩ này trong phim khá tự nhiên.

Ca khúc Kit Mak cũng là một "mạch chuyện" dẫn dắt cảm xúc của nhân vật nữ chính Gink trong phim.

Một số hình ảnh của Friend Zone:

Friend Zone: Điện ảnh Thái lại gây ngạc nhiên - Ảnh 6.
Friend Zone: Điện ảnh Thái lại gây ngạc nhiên - Ảnh 7.
Friend Zone: Điện ảnh Thái lại gây ngạc nhiên - Ảnh 8.
Friend Zone: Điện ảnh Thái lại gây ngạc nhiên - Ảnh 9.
Điện ảnh Thái Lan: Có một thời tưởng như đã chết…

TT- Từ điêu tàn, điện ảnh Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ năm trong nền điện ảnh châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và Trung Quốc.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên