02/08/2016 18:55 GMT+7

Formosa vi phạm xả thải cả trên đất liền: xử lý nghiêm

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TTO -  Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ đang diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời họp báo - Ảnh: VIỆT DŨNG
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trả lời họp báo - Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước thực tế môi trường, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng công nhận trong khâu kiểm tra giám sát có biểu hiện buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Ông khẳng định VN sẽ nghiên cứu và có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường cao hơn, tương đương các nước tiên tiến trên thế giới…

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc không chỉ vi phạm quy định, xả thải xuống biển gây hải sản chết hàng loạt, gần đây phát hiện thêm Formosa chôn lấp chất thải trái quy định cả trên đất liền, nhiều doanh nghiệp khác cũng vi phạm nghiêm trọng môi trường, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ như thế nào, ông Mai Tiến Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ về môi trường là rõ ràng: mọi vi phạm về môi trường đều phải được xử lý nghiêm, đúng quy định.

Gần đây, nhiều vụ việc ảnh hưởng xấu tới môi trường được phát hiện, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo tổng thể với Thủ tướng về tình trạng ô nhiễm môi trường, việc chấp hành pháp luật về môi trường cũng như công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường của các cơ quan nhà nước để đề xuất giải pháp tập trung chỉ đạo trong thời gian tới.

Ông Mai Tiến Dũng thông tin Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng vừa phê duyệt kế hoạch thanh tra trên phạm vi cả nước việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước  tại các dự án có xả thải…

Nhiều chuyên gia cho rằng quy định và việc giám sát xử lý nước thải của VN thiếu chặt chẽ, khiến doanh nghiệp có thể lách. Trong khi đó, cùng các hiệp định thương mại tự do, tới đây vốn đầu tư vào các ngành có ô nhiễm như dệt nhuộm, giấy… sẽ tăng lên. Chính phủ sẽ xử lý như thế nào?

Quản lý nước thải là nội dung quan trọng trong pháp luật bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường hiện hành cũng như các quy định đã quy định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân cũng như các quy trình, thủ tục, yêu cầu trong thu gom, xử lý nước thải, trách nhiệm giám sát… Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát thực thi còn nhiều hạn chế, thậm chí có biểu hiện buông lỏng, thiếu trách nhiệm.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên Môi trường và các địa phương tăng cường quản lý, hoàn thiện thể chế, chính sách để không tạo kẽ hở để ai đó có thể lợi dụng, lách luật như báo chí nêu.

Trong các hiệp định thương mại tự do tới đây, không loại trừ có sự dịch chuyển đầu tư những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao vào VN. Quan điểm của Chính phủ là thu hút đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Các dự án dù ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, dù được trong danh mục khuyến khích đầu tư cũng phải chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, sẽ kiên quyết không cấp phép cho dự án không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Như đã báo cáo Quốc hội, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ nghiên cứu, lựa chọn và có lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn môi trường cao hơn, tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) vừa gặp sự cố vỡ ống chứa trong quá trình vận hành thử, tràn hóa chất ra suối Đăk Yao, gay cá chết và một số người dân bị bệnh ngoài da?... Đang có lo ngại về việc xảy ra sự cố môi trường do chất lượng công trình. Chính phủ có chỉ đạo gì không?

Các văn bản trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản là khá đầy đủ. Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo liên quan quản lý hoạt động khoáng sản, trong đó tập trung vào xây dựng quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược… Nên hoạt động về khoáng sản đã được quản lý chặt hơn. 

Vừa qua xảy ra sự cố ở nhà máy Alumin Nhân Cơ, là do vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm dẫn đến kiềm bị chảy ra ngoài và vào suối Đăk Yao. Ngay sau khi xảy ra, sự cố đã được khống chế hoàn toàn, sau 24 giờ các cơ quan giám sát môi trường đã quan trắc trên dòng suối và xác định nồng độ pH ở mức cho phép. Tuy vậy, cũng đã có làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội.

Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có…

Ông Mai Tiến Dũng cũng khẳng định việc Bộ Tài nguyên Môi trường vừa quyết định thanh tra toàn diện dự án Núi Pháo (Thái Nguyên) cũng một phần vì người dân xã Hà Thượng, Đại Từ, Thái Nguyên có khiếu kiện, phản đối tình trạng ô nhiễm.

Chất thải Formosa đốt là hiệu quả nhất

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nói như vậy sau khi phân tích sai phạm của Formosa cũng như những đơn vị liên quan. 

Ông Hà tái khẳng định kết quả phân tích từ chất thải Formosa được đem đi chôn lấp trái phép, một số mẫu có nồng độ xyanua vượt quy chuẩn của chất thải nguy hại. Trong khi quy định hiện tại, chất thải công nghiệp thông thường nhưng nếu có lẫn, chứa chất nguy hại, thì việc quản lý phải chất thải phải được thực hiện như với chất thải nguy hại.

Về việc xử lý chất thải được chôn lấp của Formosa như thế nào, ông Hà nêu nếu xử lý mẫu nhỏ có nhiều cách. Trong trường hợp cụ thể này, có hàng trăm tấn, ông Hà nêu có thể dùng phương án đốt, thiêu đến khi bùn không còn ô nhiễm. “Đây là phương án hiệu quả nhất” - ông Hà khẳng định.

 

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên