Trụ sở tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia Fitch Ratings - Ảnh: TL
Trong thông cáo phát đi chiều 9-5, Bộ Tài chính cho biết việc cải thiện triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Tích cực thể hiện ghi nhận của Fitch đối với thành quả của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện chất lượng và hiệu quả điều hành kinh tế.
Theo đánh giá của Fitch, Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt thực hiện cam kết củng cố tài khóa và kiềm chế nợ công.
Cụ thể, Việt Nam đã thành công trong việc đưa nợ Chính phủ từ mức 53% GDP năm 2016 xuống khoảng 50,5% GDP vào cuối năm 2018 và được dự báo tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% GDP vào năm 2020.
Nợ công của Việt Nam, theo tính toán của Fitch, cũng giảm xuống còn khoảng 58% GDP vào cuối năm 2018.
Đây là kết quả được Fitch đánh giá cao trong bối cảnh chỉ tiêu nợ công tiệm cận mức trần 65% GDP được Quốc hội cho phép vào cuối năm 2016.
Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 sẽ khoảng 6,7%, tức trong mục tiêu từ 6,6-6,8% do Quốc hội đề ra.
Tổ chức này nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như so với nhóm các nước đồng hạng BB, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do lợi thế chi phí thấp.
Hơn nữa, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong thời gian qua từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.
Ngoài Fitch Ratings, đầu tháng 4 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) nâng hệ số tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức BB- lên mức BB với triển vọng "Ổn định".
Đây là lần đầu tiên tổ chức này cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam kể từ tháng 12-2010.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận