Chủ tịch Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Donald Trump tại Đại Lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh) hồi 9-11-2017 - Ảnh: AFP
Lần đầu tiên sau khi bắt đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có buổi đối thoại cùng Chủ tịch Tập Cận Bình. Buổi gặp này dự kiến diễn ra trong bữa ăn tối bàn công việc giữa hai người ở Hội nghị tổ chức tại Buenos Aires, Argentina.
Cho tới trước hội nghị, các rào cản thương mại của Mỹ đã ảnh hưởng đến 369 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm nay. Con số này cao hơn hẳn 278 tỉ USD hàng hóa chịu đòn từ các mức áp thuế tính riêng, theo một báo cáo được công bố ngày 29-11 của G20.
Sau khi ông Trump tiếp tục nhắc lại lời đe dọa sẽ tiếp tục với các loại thuế quan của mình, FT nhận định cơ hội đạt được một giải pháp toàn diện cho cả hai bên gần như không tưởng.
Một "lệnh hoãn binh", theo cách gọi của FT, có thể giúp thị trường toàn cầu phấn chấn hơn, cũng như củng cố thị trường chứng khoán và đồng CNY của Trung Quốc. Tuy nhiên, bất cứ lợi ích nào quốc gia này nhận được cũng chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Tăng trưởng tín dụng yếu trong nhiều tháng đang đe dọa sự hồi phục bền vững hơn của nền kinh tế thứ hai toàn cầu.
Chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích tăng trưởng, trong đó bao gồm bốn lần lược bớt quy định về dự trữ của ngân hàng, giảm thuế và tăng đầu tư xây dựng. Mặc cho những nỗ lực này, các ngân hàng tại Trung Quốc vẫn chỉ cho vay nhỏ giọt và nguồn cung tiền duy trì ở mức thấp kỷ lục.
Tăng trưởng GDP cũng vì tình trạng trên mà ảm đạm theo. Trong quý III, GDP của Trung Quốc giảm còn 6,5%, chỉ số tăng trưởng theo quý thấp nhất kể từ đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Nếu soi kĩ hơn, sự chững lại của kinh tế Trung Quốc càng thêm rõ ràng.
Lợi nhuận từ các ngành công nghiệp vẫn không tăng, tuy nhiều khoản thuế quan đối với nhiều mặt hàng như máy móc và thiết bị điện đã được miễn giảm từ đầu tháng 11. Chỉ 13 trong số 41 lĩnh vực sản xuất có lợi nhuận hàng tháng tăng trong tháng 10.
Tháng 11, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc giảm từ 50,2 điểm xuống chỉ còn 50 điểm sau một đêm.
Chính vì vậy, số phận của kinh tế Trung Quốc được đánh giá phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chính quyền của họ xoay chuyển thế mất cân đối tại thị trường nội địa. Với mức nợ tăng từ 140% GDP năm 2008 lên hơn 260% GDP hiện tại, FT cho rằng chính quyền của ông Tập đang phải giữ thăng bằng giữa hai bên. Một là mục tiêu tăng trưởng và hai là giải quyết bong bóng tín dụng, thứ đang đe dọa sẽ gây họa cho hệ thống tài chính nước này.
Điều đó đồng nghĩa rằng một thỏa thuận hòa bình cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không phải không có hậu quả xấu.
Bề ngoài, hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ dường như vẫn đang trụ vững trước hàng loạt loại thuế quan. Thế nhưng, số liệu xuất khẩu của danh sách hàng hóa thiết yếu trị giá 50 tỉ USD đã cho thấy phần nào sự sa sút. Những mặt hàng khác được cho là sẽ sớm chịu ảnh hưởng trong thời gian sắp tới.
FT dự đoán hiệu ứng này đến từ việc các công ty tranh thủ đặt hàng sớm, trước khi thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng Trung Quốc tăng từ 10% lên 25%. Mức tăng này sẽ được thi hành vào tháng 1-2019 nếu không có bất cứ thỏa thuận nào được ký kết.
Nhiều người cho rằng chính quyền Trump có thể gây ra nhiều tổn thương hơn nữa nếu như họ muốn. Thực tế là nhiều biện pháp leo thang chiến tranh thương mại đã được chuẩn bị sẵn.
Điển hình là, gần đây, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã công bố một báo cáo về việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Trong đó, USTR kết luận bằng cảnh báo sau: "USTR dự tính tiếp tục những nỗ lực nhằm điều chỉnh bất kỳ hành động và tiến triển mới trong lĩnh vực này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận