Festival Huế được đánh giá là điểm hội tụ văn hóa Việt và năm châu lục, tuy nhiên dưới mắt chuyên gia thì vẫn còn nhiều điều cần chấn chỉnh - Ảnh: M.TỰ |
Báo cáo đề dẫn cuộc đối thoại cho biết Festival Huế ra đời từ năm 2000, đến nay đã qua chín kỳ lễ hội, trở thành một thương hiệu danh giá có sức thu hút và lan tỏa đối với các địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới.
Cùng với sáu kỳ Festival nghề truyền thống tổ chức từ năm 2005 xen kẽ giữa hai kỳ Festival Huế, đã đánh thức tiềm năng về văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch cho Huế.
Để Festival Huế tiếp tục hành trình của mình, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận thấy cần phải lắng nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia sử học cũng như các ý kiến góp ý khác, nhằm đánh giá lại chín kỳ lễ hội và xây dựng một mô hình hoàn chỉnh, hợp lý cho Festival Huế. Và mục tiêu lâu dài là xây dựng “Huế - thành phố festival đặc trưng của VN” như quyết định của Chính phủ.
Chu kỳ và thời lượng của Festival Huế là vấn đề được nhiều chuyên gia trao đổi. Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc Festival Huế nên tổ chức 2 năm một lần hay tổ chức theo chu kỳ 3-4 năm, thậm chí có ý kiến đề xuất mỗi năm tổ chức một lần.
Chu kỳ thế nào là vừa phải và hợp lý vẫn chưa có sự đồng tình của mọi người. Ngược lại với ý kiến rằng 2 năm là quá ngắn cho việc chuẩn bị, ý kiến phản biện cho rằng “3-4 năm mới tổ chức festival một lần thì còn gì là thành phố festival”.
Về thời lượng mỗi kỳ Festival Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin Thừa Thiên - Huế) không đồng tình với việc rút ngắn thời lượng mỗi kỳ Festival Huế từ 12 ngày xuống còn 9 ngày và hiện nay là 6 ngày.
Ông Hoa cho hay chương trình Festival Huế được xây dựng theo khung 3 ngày/tour theo công nghệ festival mà nước Pháp đã chuyển giao. Với công thức 3 ngày/tour có thể làm bao nhiêu tour cũng được mà không phải đầu tư thêm kinh phí, nhưng lại tăng thêm doanh thu do bán được nhiều vé xem và hàng hóa, dịch vụ cho du khách. Festival Avignon của Pháp còn kéo dài đến 30 ngày (với 10 tour).
TS Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) thì đề nghị một kỳ Festival Huế không nên dồn hết vào 9 ngày, mà nên phân ra thành 2 hoặc 3 đợt, mỗi đợt 3-4 ngày, gắn liền với từng chủ đề.
“Thành phố festival thì quanh năm lúc nào cũng có hội hè!” - TS Sơn nói.
Chủ trì diễn đàn đối thoại, PGS.TS Nguyễn Dung, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã tiếp thu các ý kiến tranh luận, đóng góp cho Festival Huế. Sắp tới, chính quyền tỉnh và các cơ quan chuyên môn liên quan đến Festival Huế sẽ có sự điều chỉnh hợp lý. Ông Dung mong muốn tiếp tục nhận ý kiến đóng góp của người dân qua cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của Trung tâm Festival Huế.
Chưa có kỷ vật nào cho Festival Huế Câu chuyện đẩy mạnh xã hội hóa Festival Huế tiếp tục được đặt ra. Nhiều ý kiến đồng tình rằng về mặt kinh tế, Festival Huế là của các doanh nghiệp, hãy để cho họ đầu tư và thu lợi từ hoạt động này, nếu Nhà nước đầu tư thì người dân vẫn còn đứng ngoài cuộc. Tại hội thảo, TS Đăng Văn Bài cho rằng quản lý Festival Huế vẫn nặng tính hành chính hơn là tính kinh tế. Ông đặt câu hỏi: du khách muốn mua một kỷ vật lưu niệm hay quà tặng mang dấu ấn Festival Huế thì mua cái gì? Câu trả lời là chưa có. “Tổ chức Festival Huế là để xây dựng Huế trở thành thành phố festival đặc trưng của VN, đó là mục tiêu lâu dài và quan trọng nhất!” - ông Nguyễn Xuân Hoa hai lần đăng đàn để nhấn mạnh vấn đề này. Và theo ông Hoa, mục tiêu này đã bị chính quyền tỉnh cũng như ban tổ chức Festival Huế bỏ quên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận