29/04/2016 09:15 GMT+7

Festival Huế khai mạc từ 29-4: Tinh gọn, mới lạ, đặc sắc

MINH TỰ - THÁI LỘC
MINH TỰ - THÁI LỘC

TT - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Dung - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trưởng ban tổ chức Festival Huế 2016.

Các tình nguyện viên của Huế giúp nghệ sĩ đoàn nghệ thuật L’Homme Debout của Pháp thực hiện 10 bông sen khổng lồ bằng mây tre cho chương trình biểu diễn của đoàn tại Festival Huế 2016 - Ảnh: Minh Tự
Các tình nguyện viên của Huế giúp nghệ sĩ đoàn nghệ thuật L’Homme Debout của Pháp thực hiện 10 bông sen khổng lồ bằng mây tre cho chương trình biểu diễn của đoàn tại Festival Huế 2016 - Ảnh: Minh Tự

“Chương trình Festival Huế lần 9-2016 tổ chức theo hướng tinh gọn, huy động lực lượng văn nghệ sĩ trên địa bàn làm nòng cốt, đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động lễ hội” - ông Dung nhấn mạnh.

Đại sứ quán các nước đều xác định với ban tổ chức rằng chương trình tham gia Festival Huế (FH) 2016 của họ là đại biểu đặc sắc để “ngoại giao văn hóa”. Chương trình nghệ thuật trong nước cũng là “của ngon vật lạ” tuyển chọn của các vùng miền.

“Tâm huyết của chúng tôi là làm cho bản sắc văn hóa Huế được đậm đà hơn, thể hiện đúng giá trị của nó. Nghệ sĩ Huế, người dân Huế được đặt đúng vị trí chủ thể của lễ hội

NSND Ngọc Bình (tổng đạo diễn chương trình khai mạc Festival Huế 2016)

Tinh gọn hơn

Rút kinh nghiệm của tám kỳ festival trước đó, FH 2016 đã có nhiều thay đổi, mà điểm nổi bật nhất là tinh gọn hơn. Từ 12 ngày, tiếp đó là 9 ngày, đến FH 2016 thì rút xuống còn 6 ngày, tương ứng với hai tour diễn (mỗi tour ba ngày đêm).

Không gian lễ hội cũng không dàn trải như mọi lần, mà tập trung ở hai khu vực chính: Hoàng cung Huế và hai bờ sông Hương. Chương trình chính (có bán vé, gọi là IN) cũng tinh gọn với 53 chương trình và chương trình hưởng ứng của cộng đồng (miễn phí, gọi là OFF) là 49.

Sẽ không còn tình trạng như mọi lần, “món ngon” dọn khắp nơi lại trùng lắp giờ giấc nhau, khiến “thực khách” chọn món này thì mất món kia, rất lãng phí. Đặc biệt là không gian Hoàng cung Huế (thường gọi là Đại Nội) sẽ không còn tình trạng hỗn loạn âm thanh, vì chỉ có bốn sân khấu ngoài trời.

“Gọn nhưng là tinh tuyển, chứ không phải chỉ đơn thuần là giảm bớt” - ông Chế Công Chung, phó thường trực ban tổ chức, cho biết. Ông Chung cho hay có nhiều nước đăng ký tham gia FH 2016 nhưng ban tổ chức chỉ chọn chương trình của 17 quốc gia, dựa trên tiêu chí: phải đặc sắc và mới lạ, không lặp lại chương trình mà họ đã đưa đến FH trước đây.

Gần như toàn bộ nghệ sĩ, nghệ nhân Huế tham gia

Nếu các kỳ festival trước, lực lượng chính làm nên FH là các đoàn nghệ thuật tinh nhuệ trong nước và rất đông các đoàn quốc tế thì với FH 2016, lực lượng chính là của Huế. Có thể nói, gần như toàn bộ lực lượng văn nghệ sĩ, nghệ nhân của toàn tỉnh đã tham gia sân chơi này.

Lực lượng nghệ sĩ nòng cốt để làm nên các chương trình nghệ thuật chính đã được huy động tối đa từ bốn đơn vị: Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát ca kịch Huế, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế và Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Huế. Tổng đạo diễn chương trình khai mạc và bế mạc là NSND Ngọc Bình - giám đốc Nhà hát ca kịch Huế (tám kỳ trước đều là người của trung ương đưa vào).

Hơn 20 cuộc triển lãm, trưng bày, sắp đặt, festival thơ và hàng chục sân chơi khác do các nghệ sĩ, nghệ nhân, sinh viên, thiếu nhi và dân chúng tổ chức hưởng ứng cho thấy lực lượng tại chỗ đã được huy động tối đa.

“Tâm huyết của chúng tôi là làm cho bản sắc văn hóa Huế được đậm đà hơn, thể hiện đúng giá trị của nó. Nghệ sĩ Huế, người dân Huế được đặt đúng vị trí chủ thể của lễ hội” - NSND Ngọc Bình cho biết.

Các nghệ sĩ trẻ Huế chuẩn bị cho chương trình khai mạc Festival Huế 2016 - Ảnh: Phan Thành
Các nghệ sĩ trẻ Huế chuẩn bị cho chương trình khai mạc Festival Huế 2016 - Ảnh: Phan Thành

Những “món ngon và mới lạ”

Các chương trình “mới toanh” của chủ nhà như: Về miền Hương Ngự (ca Huế kết hợp biểu diễn thời trang), lễ hội Quảng chiếu của Phật giáo, lễ hội rock “Lửa cố đô”, festival hip hop...

Trong khi đó, chương trình của các nước mang đến đều mới lạ, lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam. Chương trình của các quốc gia với đủ các loại hình (nhạc, múa, kịch, triển lãm, sắp đặt...) và đa dạng phong cách (dân gian, truyền thống, bác học, đương đại).

Nếu các đoàn nghệ thuật đến từ các nước châu Mỹ Latin mang đậm phong cách dân gian, các đoàn châu Á đậm tính truyền thống thì các ban nhạc châu Âu mang đến phong cách hiện đại.

Có thể điểm qua một vài “món ngon và mới lạ” mà ban tổ chức hi vọng sẽ hài lòng khán giả. Đó là nhóm nhạc đa phong cách Fuzeta - quán quân giải Ricard S.A, Live Music 2015; vở rối Những vì sao rực sáng trong đêm tối của đoàn nghệ thuật rối L’Homme Debout (Pháp), đoàn cũng sẽ đưa một chú rối khổng lồ cao 7,5m dạo chơi trên đường phố Huế; vở kịch To see or not to see của nghệ sĩ kịch câm Jean - Louis Danvoye lừng danh nước Bỉ; chương trình Tinh hoa Israel của vũ đoàn Halleluya đến từ Israel; loại hình nghệ thuật “Khöömii” - hát đồng song thanh của Cung văn hóa trung ương Mông Cổ; chương trình của Della Mae - ban nhạc đồng quê nổi tiếng của năm cô gái đến từ Mỹ với album nhạc đồng quê hay nhất năm 2015.

“Chúng tôi đã tìm hiểu về Festival Huế và rất vui khi được biểu diễn cùng các nghệ sĩ tài ba khác. Chúng tôi rất mong chờ được gặp khán giả và người dân Huế” - nữ nghệ sĩ chơi đàn violon Kimber Ludiker, trưởng ban nhạc, cho biết.

Trực tiếp chương trình khai mạc trên VTV1

Festival Huế diễn ra trong sáu ngày đêm (từ ngày 29-4 đến 4-5) với sự tham gia của hơn 2.000 nghệ sĩ, nghệ nhân trong 53 chương trình chính và 49 chương trình hưởng ứng. Trước đó, đã có hơn 20 cuộc triển lãm, trưng bày, sắp đặt mở màn tại cố đô Huế. Chương trình khai mạc sẽ diễn ra lúc 20g đêm nay 29-4 với chủ đề Huế đẹp và thơ, truyền hình trực tiếp trên VTV1.

*Tham quan di tích văn hóa Huế với ​xích lô “5 không”

*

*Nhiều triển lãm chào mừng Festival Huế 2016 

MINH TỰ - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên