Câu chuyện chủ quyền biển đảo của Việt trên sân khấu vở diễn Văn hiến kinh kỳ - Ảnh: Thượng Hiển
"Văn hiến kinh kỳ" được xây dựng bằng chất liệu 9 bài thơ trên di tích cố đô Huế; 12 bài bản âm nhạc và 12 điệu múa bao gồm nguyên bản, phát triển và sáng tác mới trên nền tảng truyền thống, huy động diễn xuất của hơn 380 diễn viên với hơn 100 loại đạo cụ, hơn 60 loại phục trang.
Suất diễn thứ hai sẽ diễn ra lúc 19h15 đêm 30-4.
Nền cũ của điện Cần Chánh trong Tử Cấm thành (Hoàng cung Huế) trở thành sân khấu hoành tráng, với phông sân khấu là một màn hình LED tạo hình chiếc bình phong cùng hai cổng miếu môn ở hai bên.
Kể lịch sử bằng văn hóa - nghệ thuật
Trên sân khấu đó, câu chuyện lịch sử hào hùng của nước Việt thế kỷ 19 được tái hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật cung đình và nghệ thuật truyền thống Huế, để làm nổi bật chủ đề của "Văn hiến kinh kỳ" - chương trình đinh của 2018.
Đó là công cuộc xây dựng đất nước, thực thi chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống thanh bình cho muôn dân.
Chương mở đầu “Thống nhất giang sơn”, kể về quá trình thống nhất giang sơn, mở mang bờ cõi của triều đình và nhân dân Việt Nam dưới thời các hoàng đế triều Nguyễn - Ảnh: Thượng Hiển
Câu chuyện được kể bằng cách xâu chuỗi các sự kiện lịch sử để làm nổi bật năm di sản văn hóa của Huế được công nhận là di sản nhân loại, đó là quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình, mộc bản, châu bản triều Nguyễn và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.
Với 90 phút, kịch bản được cấu trúc thành ba chương, mỗi chương có nhiều cảnh diễn đan xen, tương ứng 14 hồi.
Tái hiện hình ảnh bảo vệ chủ quyền đất nước - Ảnh: Thượng Hiển
Xem vở diễn, khán giả không chỉ hiểu được câu chuyện lịch sử nước Việt thế kỷ 19, mà còn cảm nhận vẻ đẹp của văn hóa Việt thông qua sự phô diễn của âm nhạc, vũ đạo, trang phục, đạo cụ, ánh sáng, bằng sự hòa quyện của nghệ thuật hát - múa - diễn xướng - ngâm thơ...
Đây là tác phẩm được đầu tư công phu, do Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện.
Tái hiện hình ảnh đúc chín chiếc đỉnh đồng - biểu tượng của nền thịnh trị - Ảnh: Thượng Hiển
Sẽ có nhà hát cho "Văn hiến kinh kỳ"
Sau suất diễn đầu tiên, chúng tôi đã phỏng vấn nhà nghiên cứu HẢI TRUNG - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, là đồng tác giả kịch bản (cùng với Phan Thanh Hải) và đồng đạo diễn (cùng với NSND Bạch Hạc), người theo đuổi tác phẩm này từ khi tượng hình ý tưởng.
* Thưa ông, chuyển từ ngôn ngữ văn học, lịch sử sang ngôn ngữ sân khấu với ngồn ngộn sự kiện lịch sử quả là một việc không dễ?
- Một vở diễn tôn vinh 5 di sản là đầu bài cực khó. Trước đây, tôi từng viết các kịch bản Huyền thoại sông Hương, Hành trình mở cõi, Thiên hạ thái bình nên lo ngại kịch bản mới rất dễ trùng lắp.
Những di sản múa cung đình như Phụng vũ, Lục triệt hoa mã đăng, Lục cúng hoa đăng, những bài bản nhã nhạc khi đưa vào chương trình thì gắn cho chúng với những chủ đề gì, chẳng lẽ giới thiệu từng tiết mục rồi biểu diễn?
Có rất nhiều vấn đề được đặt ra như thế. Cuối cùng, tôi tìm được cách làm là "lẩy" từ những nội dung, hình thức đặc sắc nhất của di sản cộng hưởng với lịch sử để hình thành nên lối kể vừa lịch đại vừa đồng đại, đan xen nhau. Phải mất đến nửa năm kịch bản mới thành hình.
Văn hóa lúa nước của Việt Nam và cuộc phát triển nông nghiệp dưới thời Nguyễn- Ảnh: Thượng Hiển
* Huế là một trung tâm du lịch, nhưng hầu như không có sô nghệ thuật nào đầu tư công phu để kể câu chuyện lịch sử xứ Huế. Có phải sô "Văn hiến kinh kỳ" ra đời là để đáp ứng nhu cầu đó của du khách?
- Đúng vậy, vở diễn này xuất phát từ thực tế đó. Diễn tại festival chỉ là khởi động bước đầu, để vở diễn "trải nghiệm" cùng thực tế, xem xét sự đánh giá của công chúng, cộng đồng, dư luận.
Trên nền tảng này, chúng tôi sẽ nghiên cứu, gọt giũa, lựa chọn cách dựng phù hợp với loại hình sân khấu có tính ổn định để thực hiện lâu dài. Hiện chúng tôi đã hoàn thiện đề án xây dựng nhà hát Văn hiến kinh kỳ để biểu diễn sô nghệ thuật này.
Thái bình cho muôn dân- Ảnh: Thượng Hiển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận