TTCT - Môi trường tiền rẻ có thể sắp chấm dứt, và nền kinh tế Việt Nam cần chuẩn bị trước cho xu thế lãi suất tăng. Không còn là những cuộc thảo luận nữa, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức hành động bằng quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm trong tháng 3. Bước đi này nhằm đối phó với lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ, nhưng các chuyên gia lo ngại việc Fed tăng lãi suất quá nhanh có thể khiến cho chặng đường phục hồi của thế giới bị trật đường ray khi dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn qua đi và nền kinh tế thế giới còn rất nhạy cảm với những biến động lớn như cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hay cú sốc giá xăng dầu. Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: ft.comKết thúc chu kỳ tiền rẻHành động của Fed là sự kiện đánh dấu chu kỳ tiền rẻ và môi trường lãi suất gần như bằng 0%, kéo dài từ 2018, đến hồi kết thúc. Trong năm nay, giới phân tích nhận định Fed sẽ còn tới 6 đợt nâng lãi suất nữa và thu hẹp dần chương trình nới lỏng định lượng. Biểu đồ Dot Plot của Fed dự báo lãi suất sẽ tăng lên mức khoảng 1,9% vào cuối năm 2022, còn mức lãi suất 2023 dự kiến là 2,8%.Quyết định khởi động tiến trình nâng lãi suất của Fed khá tương đồng với kỳ vọng và không gây bất ngờ cho thị trường, đặc biệt trong bối cảnh số liệu lạm phát Mỹ vẫn đang ở mức cao. Nhưng nước lên thì thuyền lên, hành động của Fed buộc các ngân hàng trung ương khác phải hành động theo. Hiện các quốc gia châu Âu và châu Mỹ đều đang rục rịch tăng lãi suất, trong khi các nước châu Á, trừ Hàn Quốc, có chậm hơn.Xu thế thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ gây rủi ro và gây áp lực cho thị trường tài chính, nhất là các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam. Thống kê cho thấy trong nửa đầu tháng 3-2022, khối ngoại bán ròng 6.500 tỉ đồng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF trên thị trường tài chính Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng 9.843 tỉ đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại.Nền kinh tế đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy các chỉ số kinh tế tháng 2 vẫn tương đối tốt nhưng Việt Nam không thể nằm ngoài ảnh hưởng của giá cả hàng hóa tăng phi mã. Những tác động của lạm phát sẽ phản ánh rõ ràng hơn vào các con số vĩ mô từ tháng 3. Trước tình hình trên, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ phải hành động trong việc thu hẹp các chính sách tiền tệ nới lỏng vốn đang là một trong những yếu tố chủ yếu hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.Theo theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, thực tế biên lợi nhuận của doanh nghiệp đang suy giảm rất nhanh vì chi phí đầu vào tăng mạnh nhưng giá bán đầu ra khó có thể tăng tương xứng do sức cầu còn yếu ớt.Lãi suất huy động có thể tăng ở một số thời điểm. Lãi suất đầu vào, ngay cả với đồng USD, đều đã tăng gần 1%. Dòng vốn nhà đầu tư cũng sẽ được dự báo sẽ chuyển vào các tài sản và khu vực an toàn hơn, thay vì bỏ vào sản xuất. Tổng dư nợ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khoảng 110 tỉ USD, bao gồm cả gốc và lãi. Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, một khi khi lãi suất tăng lên, nghĩa vụ trả nợ của khối doanh nghiệp sẽ tương đối nặng nề. Đáng chú ý trong số đó có tới 75% nợ doanh nghiệp hiện nay là từ FDI.Nợ công cũng có thể sẽ tăng nếu lãi suất tăng lên. Thâm hụt ngân sách sẽ giãn rộng. Việc cơ cấu lại khối doanh nghiệp nhà nước hiện còn gặp nhiều thách thức sẽ càng khó khăn. Bên cạnh đó, xu thế lãi suất tăng lên trong khi sức khỏe của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực mũi nhọn của kinh tế Việt Nam như du lịch, hàng không... vốn đang rất yếu ớt khiến nợ xấu ngân hàng có thể tăng lên. Ảnh: Klawe RzeczyNguy cơ tiền đồng mất giáNỗi lo lắng khác là tiền đồng có thể mất giá nhiều hơn so với kỳ vọng, mặc dù năm 2021, tỉ giá USD/VND trên thị trường tự do có thời điểm đã lên mức 23.500 đồng/USD.Chứng khoán VCBS cho rằng trong điều kiện Fed trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng nhanh hơn các ngân hàng trung ương lớn khác như ECB của châu Âu, BOJ của Nhật Bản..., khả năng cao là USD sẽ lên giá tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác, từ đó tạo ra áp lực giảm giá VND so với USD. “Chúng tôi duy trì quan điểm VND có thể giảm giá tương đối so với USD trong năm 2022, mức biến động được dự báo không quá 2% cho cả năm”, VCBS nhận định.Điều thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước để giữ tiền đồng cơ bản không bị mất giá quá lớn là kho dự trữ ngoại hối đang tương đối dồi dào, sẵn sàng được sử dụng để can thiệp vào thị trường ngoại hối mỗi khi có biến động lớn. Quỹ đầu tư Vina Capital đánh giá dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ đạt 122,5 tỉ USD vào cuối năm 2022 (tương đương 4 tháng nhập khẩu), từ mức hiện tại là 105 tỉ USD. Do đó, tỉ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng sẽ ổn định ở mức 22.600 - 23.050 vào năm 2022 và đồng Việt Nam có thể dao động trong biên độ tương đối hẹp so với USD.VCBS cho rằng việc giá cả nguyên nhiên vật liệu hàng hóa trên thế giới tăng nóng cũng hạn chế phần nào khả năng can thiệp của nhà điều hành, khiến dự báo các mục tiêu điều hành gặp nhiều thách thức khi nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Nhưng trong giai đoạn này, ưu tiên hàng đầu về chính sách của Việt Nam nên là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh các yếu tố bất định gia tăng.Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ có thể sẽ phải chấp nhận mức lạm phát cao hơn, ở mức 4,5% hoặc cao hơn nữa, để hài hòa với chính sách thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. “Đây là câu chuyện chúng ta muốn phục hồi. Nếu lo lắng quá, dẫn đến bóp nghẹt, thắt chặt mọi thứ thì kinh tế không thể phục hồi. Như thế sẽ tắc rất nhiều thứ. Vì thế nếu lạm phát trên 4,5% vẫn chấp nhận vui vẻ”, ông Lực nói.Việt Nam cũng có một số điều kiện thuận lợi để có thể chủ động vượt qua giai đoạn gian khó trong năm nay. Đó là xuất khẩu tăng trưởng tốt, dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước cơ bản vẫn giữ ổn định. Bên cạnh đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh. Cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách được thúc đẩy. Các hiệp định kinh tế lớn như RCEP bắt đầu có hiệu lực cũng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.Theo giới phân tích, tác động lớn chính của việc Fed tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu thuộc thị trường tài chính. Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và chừng nào lạm phát còn được duy trì ở mức dưới 4%, sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất.Nhìn xa hơn, Vina Capital cho rằng ngày càng nhiều những công ty đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc vì những lý do khác nhau bao gồm cả động thái của Mỹ trong việc duy trì thuế bảo hộ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong lúc căng thẳng giữa hai quốc gia đang leo thang. Mặt khác, việc Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận chung vào năm ngoái để tháo gỡ một số hàng rào thuế quan đặt ra cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến Mỹ cũng là một tín hiệu rất tích cực khác để giúp những nhà điều hành kinh tế trong nước đứng vững trước lựa chọn khó khăn giữa kiềm chế lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoáiTrả lời Đài truyền hình CNBC, kinh tế gia Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng của Tập đoàn tài chính Allianz kiêm chủ tịch Đại học Queen’s Cambridge, cảnh báo nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái một khi Fed tăng lãi suất - lần đầu tiên cơ quan này làm vậy sau 3 năm để chống lạm phát.Ông El-Erian nói một chỉ dấu về việc kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại là một số trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn (3 năm) lại đang có lãi suất cao hơn so với dài hạn (10 và 30 năm). Ông nói người tiêu dùng Mỹ sẽ còn gặp khó khăn vì lạm phát trong những tháng tới: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trong hai tới ba quý nữa, người tiêu dùng sẽ còn chịu nhiều tổn thất vì lạm phát cũng như mức cầu tiêu dùng thấp hơn”. Lạm phát ở Mỹ hiện vào khoảng 7,9%, cao nhất trong 40 năm qua. Tags: Lạm phátFedLãi suấtTiền rẻChống lạm phát
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.