Fed cắt lãi suất: Dư địa bao nhiêu cho các nước khác?

HỒ QUỐC TUẤN 28/09/2024 09:48 GMT+7

TTCT - Quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là nhằm trấn an thị trường và giải tỏa nỗi lo suy thoái kinh tế, không chỉ cho nền kinh tế Mỹ.

Fed cắt lãi suất: Dư địa bao nhiêu cho các nước khác? - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Axios

Câu chuyện điều chỉnh lãi suất đồng đô la Mỹ đã trở thành chủ đề tranh cãi suốt từ quý 3-2023 tới nay. "Fed sẽ hạ lãi suất" là quan điểm gần như chắc ăn từ đầu năm với dự báo cắt 5 hoặc 7 lần, và lần đầu là sẽ ngay trong quý 2. 

Thế rồi bỗng nhiên gió đổi chiều thành "Fed có thể không hạ lãi suất trong năm 2024", hoặc chỉ cắt lãi suất một lần khi lạm phát Mỹ có dấu hiệu "lì lợm" vào đầu quý 2. 

Chúng ta có lẽ còn nhớ tình hình đó dẫn đến tỉ giá VND so với USD chịu nhiều sức ép và đi vào trạng thái "gồng" căng thẳng trong tháng 5.

Tranh luận

Nhắc lại như vậy để thấy câu chuyện lãi suất của Fed đã là chủ đề thường trực từ năm ngoái tới nay. Và khi Fed hạ lãi suất 0,5% ngày 18-9 vừa qua, quyết định đó đã làm giảm đi rất nhiều bất định và khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm.

Trước đó vài tuần, những câu chuyện về suy thoái kinh tế Mỹ và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu vẫn thường xuyên xuất hiện. Những bài viết về quy tắc Sahm ("Sahm rule") kèm lời khẳng định chắc nịch rằng kinh tế Mỹ đi vào suy thoái xuất hiện với tần suất cao trên các trang tin trực tuyến và mạng xã hội.

Nói một chút về quy tắc Sahm, đặt theo tên kinh tế gia của Fed Claudia Sahm: Quy tắc này cho rằng chỉ dấu đáng tin cậy để dự báo kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái hay không là khi tỉ lệ thất nghiệp trung bình cao hơn 0,5 điểm phần trăm trở lên so với tỉ lệ thất nghiệp trung bình ba tháng thấp nhất trong 12 tháng trước đó. 

Thêm nữa, số liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ không như kỳ vọng (dù vẫn tăng) cũng gây lo ngại về suy thoái.

Trên hết, vì lãi suất Mỹ neo cao trên 5%, những nền kinh tế đang chật vật đối mặt với tăng trưởng sụt giảm trên bình diện toàn cầu và quốc gia mình không thể cắt lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng vì lo sợ đồng nội tệ mất giá mạnh (điều đã diễn ra trong sáu tháng đầu năm ở nhiều nước, bao gồm cả Việt Nam).

Lãi suất đồng đô la Mỹ neo cao lâu hơn dự kiến, kinh tế Mỹ giảm tốc, thị trường việc làm suy yếu, trong khi nền kinh tế lớn thứ hai Trung Quốc có khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 5% dẫn tới lo lắng suy thoái với không chỉ Mỹ, mà cả thế giới. 

Trước khi Fed cắt lãi suất mấy ngày, những báo cáo kinh tế của châu Âu cũng không mấy khả quan. Thị trường tài chính và các nền kinh tế vì vậy cần sự đảm bảo từ Fed hơn bao giờ hết là họ phải giảm lãi suất, 0,25% hay 0,5% cũng được, nhưng cần giảm.

Fed cắt lãi suất: Dư địa bao nhiêu cho các nước khác? - Ảnh 2.

Ảnh: The Hill

Phần lớn thành viên hội đồng thống đốc của Fed đã chọn 0,5%, trừ bà Michelle Bowman - người duy nhất bỏ phiếu ủng hộ chỉ giảm 0,25%. 

Bà cho rằng quyết định giảm lãi suất sâu hơn có thể khiến thị trường "hiểu sai rằng Fed đã kiểm soát được lạm phát" và cảnh báo quyết định có thể làm giảm uy tín của Fed trong duy trì ổn định giá cả.

Trong khi đó, nhóm ủng hộ cắt 0,5%, như kinh tế gia và thành viên hội đồng thống đốc Fed Christopher Waller, tin rằng dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến - cho phép Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ thị trường lao động đang suy yếu. 

Vì Fed phải cân bằng cả hai mục tiêu ổn định giá cả và duy trì thị trường lao động tối ưu nhất có thể (gọi là nhiệm vụ kép: "dual mandate"), họ phải tính toán và cân bằng rủi ro với tầm nhìn rất dài hạn. Lần này Fed cắt mạnh tay thì những lần sau họ sẽ ít có áp lực cắt mạnh hơn.

Cùng với quyết định về lãi suất, hội đồng chính sách tiền tệ của Fed cũng công bố dự báo kinh tế mới và đồ thị về quan điểm lãi suất của các thành viên. 

Điểm đáng chú ý là khi trả lời câu hỏi "vì sao cắt lãi suất 0,5% trong khi đánh giá thị trường lao động vẫn ổn định", "liệu ông có thấy rủi ro suy thoái" thì Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định là ông không thấy rủi ro suy thoái kinh tế. Khẳng định đó trở thành tít bài của nhiều hãng tin ngay sau khi Fed cắt lãi suất.

Đừng quá kỳ vọng

Ngay sau khi tin tức loan đi, một loạt ngân hàng trung ương lớn gồm Nhật, Anh và Trung Quốc cũng đã có động thái. Trái với kỳ vọng của nhiều người về một đợt "tát nước theo mưa", ngân hàng trung ương Anh chọn giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh kinh tế nước này bắt đầu phục hồi và có dấu hiệu lạm phát tăng trở lại.

Trung Quốc cũng chỉ hạ nhẹ lãi suất repo ngược kỳ hạn 14 ngày từ 1,95% xuống 1,85% và bơm 74,5 tỉ nhân dân tệ (gần 10,6 tỉ USD) thanh khoản vào nền kinh tế. 

Đây là động thái nới lỏng rất nhẹ của Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn và đặc biệt là số liệu thất nghiệp trong giới trẻ lại tiếp tục tăng lên gần 19% trong tháng 8. 

Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phải có những động thái quyết liệt hơn nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 5%. 

Cho đến khi tôi viết bài này, thị trường vẫn chờ và hy vọng vào một gói hỗ trợ muộn hơn sẽ được công bố trong tuần, điều mà nhiều người đã kêu gọi và hy vọng suốt hơn hai tháng nay nhưng chưa thấy đâu.

Trái với Anh và Trung Quốc, Nhật được chờ đợi sẽ tăng lãi suất vì họ đi ngược chu kỳ chung của đa số nước. 

Tuy nhiên, sau khi Fed giảm mạnh lãi suất đồng đô la Mỹ, Nhật cũng không vội vã, có thể do giới điều hành chính sách cảm thấy Fed đã làm thay phần việc của họ, giúp kéo đồng yen tăng trở lại, hay ít ra là chặn đà giảm giá quá nhanh và nguy hiểm thời gian qua. Vì vậy, Nhật không muốn gấp rút đẩy đồng yen lên nữa bằng một đợt tăng lãi suất.

Fed cắt lãi suất: Dư địa bao nhiêu cho các nước khác? - Ảnh 3.

Ảnh: Fortune

Ở khía cạnh nào đó, Fed đã làm thay nhiều nước khi cắt lãi suất 0,5%. Nhiều nước giờ sẽ có dư địa để liệu cơm gắp mắm mà điều chỉnh theo. 

Tuy nhiên, cũng không thể kỳ vọng một chu kỳ nới lỏng lãi suất sẽ bắt đầu. Trước tiên, mục tiêu lãi suất chính sách của Fed đến cuối năm 2025 vẫn cao hơn 3%, dù đã giảm đáng kể so với mặt bằng trên 5% trước đợt cắt lãi suất vừa rồi.

Chính chủ tịch Fed cũng nhấn mạnh lãi suất mục tiêu chỉ là "trung tính" (neutral), tức không thắt chặt, cũng không nới lỏng. 

Lãi suất trên 5% là quá chặt, giờ được đẩy về trung tính, chứ chưa phải nới lỏng. Và Fed sẽ phải tiếp tục rút thanh khoản, thu hẹp bảng cân đối qua kế hoạch trên thị trường trái phiếu.

Trong bối cảnh Fed dự kiến duy trì lãi suất trên 3% như vậy, thì dư địa để giảm lãi suất của nhiều nền kinh tế không còn lớn, đặc biệt là với nhóm thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, vốn đã giảm lãi suất từ năm ngoái. ■

Có niềm tin là đủ?

Chính sách lãi suất cũng không phải là tất cả. Nhiều kinh tế gia lớn đều kêu gọi đã đến lúc phải bớt dựa dẫm vào chính sách tiền tệ và nghiêm túc xem xét các gói chi tiêu tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Vấn đề là nhiều bài thuốc kinh tế kiểu phương Tây này không phải lúc nào cũng được các nước châu Á đón nhận nhiệt tình, nhất là trong bối cảnh ngân sách nhiều nước đang chịu sức ép lớn từ chi an sinh xã hội do già hóa dân số, biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh...

Thế cho nên tạo áp lực lên ngân hàng trung ương để cắt lãi suất vẫn là dễ hơn, ngay cả khi hiệu quả thực tế của "nới lỏng" không như mong đợi. Có điều, một số nhà phân tích hy vọng riêng yếu tố tâm lý và niềm tin thôi cũng đủ có lợi cho nền kinh tế rồi.

Khi ai cũng tin là lãi suất xuống, chính sách tiền tệ nới lỏng và kinh tế hồi phục, không suy thoái, người ta bắt đầu chi tiêu, đầu tư, "xuống tiền" trên các thị trường tài sản. Thế là sự thịnh vượng trở lại và không ai quan tâm cắt lãi suất tác động thật lên chi phí lãi vay tới đâu. Khi có tăng trưởng, có dòng tiền, có lợi nhuận thì vay cao một chút cũng không sao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận