Trong tờ trình đại hội đồng cổ đông vừa mới công bố, VPBank đặt mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng của cả ngân hàng mẹ và các công ty con trong năm 2024.
Trong đó, FE Credit dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế 1.200 tỉ đồng, với dư nợ tín dụng vượt 66.500 tỉ đồng. Đây là kế hoạch kinh doanh được cho là khá bất ngờ và cũng phản ảnh sự tự tin của ban lãnh đạo FE Credit sau hai năm bị lỗ.
Cơ sở đưa ra mục tiêu này là nhờ thành quả chuyển lỗ thành lãi trong quý 4-2023. Đây là tham chiếu quan trọng cho kế hoạch kinh doanh của FE Credit trong năm 2024.
FE Credit kỳ vọng tiếp tục 'đẻ trứng vàng' cho VPBank
Tính tới cuối năm 2023, theo FE Credit, công ty đã giải ngân cho 15,6 triệu khách hàng, trong đó có 5,9 triệu khách hàng hiện hữu đang tiếp tục sử dụng dịch vụ tài chính của FE Credit.
Kết quả giải ngân tăng trưởng qua từng quý, cuối quý 2, quý 3 và 4 lần lượt đạt 4%, 13% và 17%.
Bên cạnh đó, chi phí rủi ro cải thiện thông qua định hướng giải ngân vào phân khúc an toàn và thúc đẩy hoạt động xử lý tín dụng.
Trước đó, trong buổi trao đổi cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023 với nhà đầu tư hồi đầu tháng 2 vừa qua, lãnh đạo VPBank đã đưa ra các thông điệp về lộ trình phát triển của FE Credit trong năm 2024.
Trong đó, VPBank nhấn mạnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mô hình kinh doanh, kiểm soát tốt rủi ro cho khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, tăng cường quản trị, đồng thời đẩy mạnh tự động hóa để giảm chi phí vận hành và tăng hiệu suất hoạt động.
Vị lãnh đạo này cũng tin tưởng môi trường lãi suất thấp như hiện tại sẽ giúp FE Credit tối ưu chi phí vốn, tối đa lợi nhuận.
Chu kỳ tăng trưởng mới của tài chính tiêu dùng
FE Credit đặt ra mục tiêu tăng trưởng dương trong năm 2024 không phải không có cơ sở khi lĩnh vực tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại, hướng tới sự bền vững trong dài hạn.
Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường FiinGroup, lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã đối diện với một năm đầy thử thách khi dư nợ cho vay tiêu dùng trong năm 2023 chỉ tăng 11,3% so với năm trước.
Đây là mức tăng khiêm tốn so sánh với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm đạt 25%/năm trong giai đoạn 2016-2019.
Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn đang có nhiều triển vọng phát triển khi quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chỉ mới đạt hơn 10% GDP, thấp hơn rất nhiều so với các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc hơn 40% GDP, Hong Kong hơn 20%...
Công ty này nhận định với triển vọng phục hồi đậm nét của nền kinh tế, năm 2024 sẽ "mở đường" cho sự phục hồi của lĩnh vực tài chính tiêu dùng dựa trên sức mua mở rộng, nhu cầu tín dụng gia tăng và thu nhập hộ gia đình cải thiện.
Với hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc trong quý 1, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) nhích nhẹ trong 2 tháng đầu năm, bán lẻ tăng khá, FiinGroup dự báo khu vực chiếm dụng nhiều lao động sẽ phục hồi, từ đó kích cầu tín dụng tiêu dùng và cải thiện chất lượng các khoản vay tại các công ty tài chính tiêu dùng.
FiinGroup cũng cho rằng năm 2024 sẽ mở ra một giai đoạn tăng trường tín dụng mới, đề cao sự cẩn trọng trong hoạt động giải ngân, hướng tới lộ trình tăng trưởng bền vững, thay vì tăng trưởng nóng như mấy năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận