10/11/2010 23:46 GMT+7

FDI và chuyển giá

HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TT - Nhìn vào kết quả kinh doanh lỗ triền miên của nhiều doanh nghiệp FDI, ai cũng biết rằng nguyên nhân chính là do chuyển giá, mà hiểu một cách đơn giản là các doanh nghiệp đã khai khống giá nhập khẩu đầu vào, hạ thấp giá xuất khẩu đầu ra để không có lãi và không phải đóng thuế thu nhập với thuế suất cao hơn những nước khác.

Hơn thế, chuyển giá cũng giúp các doanh nghiệp tránh được rắc rối trong việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (khó mua ngoại tệ chẳng hạn) hay giới hạn sở hữu ở một số ngành...

Ví dụ, với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, một doanh nghiệp Hoa Kỳ thành lập một đơn vị kinh doanh ở Singapore do thuế suất thấp, đồng thời xây dựng một nhà máy sản xuất ở Việt Nam do các điều kiện môi trường ít khắt khe và lao động rẻ hơn.

Dựa vào các hiệp định tránh đánh thuế hai lần nên doanh nghiệp sẽ chọn Singapore để nộp thuế 17% thay vì 25% ở Việt Nam hay khoảng 30% ở Hoa Kỳ bằng cách khai khống chi phí đầu vào nhập khẩu và hạ thấp giá bán đầu ra của nhà máy ở Việt Nam.

Ngoài ra, do thuế suất thuế thu nhập cá nhân ở Singapore thấp hơn nhiều so với Việt Nam, nên những người lao động nước ngoài muốn đăng ký và nhận lương tại Singapore hơn. Nếu một người Việt và một người nước ngoài yêu cầu một mức thu nhập ròng như nhau thì doanh nghiệp sẽ tuyển dụng người nước ngoài.

Kết quả, Việt Nam không chỉ mất thuế và việc làm có kỹ năng cao, mà tình trạng nhập siêu còn trầm trọng hơn.

Chống chuyển giá là vấn đề đau đầu của hầu hết các nước trên thế giới. Ngoài việc hạ thuế xuống mức thấp nhất có thể mà không phải nước nào cũng có thể làm được như Singapore, hai cách thức phổ biến thường được áp dụng là: so sánh với giá hàng hóa tương tự và ước tính chi phí thực tế.

Về mặt lý thuyết, hai cách thức trên có thể áp dụng được, nhất là ở các nước phát triển, nhưng đối với hầu hết các nước đang phát triển thì đây là một việc khó tựa mò kim đáy biển.

Với sự hạn chế của nguồn lực trong một môi trường kém minh bạch thì các quy định chống chuyển giá có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vì nó tương tự như quy định nhiều thuế suất cho các hàng hóa tương tự. So sánh với hàng nào là thuộc quyền của người thực thi và sự biết điều của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện tại, có lẽ Việt Nam không nên áp dụng những cách thức để chống chuyển giá nêu trên mà nên định hướng ưu tiên đối với nguồn FDI mang lại nhiều lợi ích và hạn chế dòng vốn gây ra nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế.

Bằng mọi cách để thỏa mãn nhu cầu và ưu tiên thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp như Intel, Canon hay Samsung có lẽ là điều nên làm hơn cả. Nhu cầu của các doanh nghiệp dạng này chính là nguồn nhân lực chất lượng cao, các thủ tục hành chính nhanh gọn chứ không phải là đất rộng hay nhiều tài nguyên thiên nhiên.

Nếu làm được điều này thì Việt Nam không chỉ giành được việc làm có kỹ năng và thuế thu nhập cá nhân mà còn hạn chế tình trạng trở thành bãi thải công nghiệp hay tàn phá thiên nhiên.

HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên