Một thiếu niên được tiêm ngừa COVID-19 tại New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo ngày 3-1, FDA cho biết bên cạnh việc dùng để tiêm liều tăng cường cho nhóm trẻ 12 - 15 tuổi, vắc xin của Pfizer cũng sẽ được tiêm liều thứ 3 cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi có hệ miễn dịch kém.
Ngoài ra, thời gian tiêm liều tăng cường sau khi tiêm ngừa đầy đủ cũng được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 5 tháng. FDA cho biết việc rút ngắn thời gian tiêm liều tăng cường sẽ giúp đẩy nhanh sự bảo vệ trước biến thể Omicron.
Thông báo trên trang web của FDA cho biết cơ quan này đã xem xét các dữ liệu thực tế từ Israel, bao gồm dữ liệu về độ an toàn của 6.300 trẻ 12 - 15 tuổi tiêm liều tăng cường bằng vắc xin Pfizer ít nhất 5 tháng sau khi tiêm ngừa đầy đủ. Trong số này không ghi nhận trường hợp viêm cơ tim hiếm gặp nào.
Các ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu đang tăng mạnh do biến thể Omicron. Nhiều nước cảnh báo tính dễ lây lan của biến thể này có thể khiến nhiều hệ thống y tế bị quá tải.
Liên quan đến biến thể Omicron, một kết quả nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Úc và Hong Kong cho thấy các tế bào T có khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại biến thể Omicron, ngăn các trường hợp bệnh nặng.
Các nhà khoa học đã phân tích hơn 1.500 đoạn protein của virus SARS-CoV-2 được nhận biết bởi các tế bào T ở những người khỏi bệnh hoặc những người đã tiêm ngừa.
Báo South China Morning Post dẫn nghiên cứu đã được bình duyệt đăng trên tờ Viruses ngày 2-1 cho rằng Omicron có thể dễ dàng chọc thủng hàng rào bảo vệ đầu tiên là kháng thể, dẫn đến số ca nhiễm tăng. Tuy nhiên tế bào T, kích hoạt bởi vắc xin hay việc đã từng mắc bệnh, sẽ đóng vai trò là hàng phòng thủ thứ hai ngăn chúng ta khỏi bị bệnh nặng hoặc nhập viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận