Một liều vắcxin COVID-19 đang được thử nghiệm tại phòng nghiên cứu của Sinovac Biotech ở Bắc Kinh, Trung Quốc - Ảnh: AFP
Bắc Kinh đang cố gắng tìm kiếm người qua mạng cho đề án "Ngàn nhân tài" trong lúc tăng cường tấn công mạng các cơ sở nghiên cứu Mỹ để lấy thông tin về COVID-19.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ) cho rằng Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật đánh cắp sở hữu trí tuệ Mỹ trong đại dịch COVID-19.
Bản thông cáo của FBI không đưa ra thêm thông tin chi tiết nào về danh tính của các mục tiêu hoặc nhóm tin tặc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ lập tức lên án các cáo buộc là "dối trá", nhấn mạnh các cáo buộc vô căn cứ của Washington đang làm tổn hại đến các hợp tác quốc tế chống lại đại dịch.
Mối đe dọa lớn
Theo FBI, trong lúc điều tra các vụ tấn công mạng nhắm vào các tổ chức Mỹ, họ đã phát hiện dấu vết của các tin tặc liên quan Chính phủ Trung Quốc. Những nhóm này đã "cố gắng xác định và lấy bất hợp pháp tài sản trí tuệ có giá trị (IP) và dữ liệu sức khỏe cộng đồng liên quan đến vắcxin, phương pháp điều trị và xét nghiệm từ các mạng lưới và những người tham gia các nghiên cứu liên quan đến COVID-19".
"Những nỗ lực của Trung Quốc nhắm vào các lĩnh vực này là mối đe dọa lớn đối với các nỗ lực đối phó COVID-19 của nước Mỹ", tuyên bố chung có đoạn nhấn mạnh. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa nước nào chế tạo được vắcxin ngừa COVID-19. Một loại vắcxin hiệu quả có thể cho phép các quốc gia và nền kinh tế mở cửa hoàn toàn cùng hàng triệu đôla cho những người tạo ra nó.
Trong khi nước Mỹ chia rẽ vì cách xử lý dịch COVID-19 của Tổng thống Donald Trump, người Mỹ lại đoàn kết trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Washington Post, một tờ ưa chỉ trích ông Trump, lập luận việc Mỹ và Trung Quốc không thể hợp tác để cùng phát triển vắcxin là do lỗi của Bắc Kinh.
"Chính phủ Trung Quốc đã ngăn cản các nhà khoa học chia sẻ các nghiên cứu về virus corona hay giao các mẫu vật sớm. Các tổ chức nghiên cứu ở Trung Quốc thậm chí đã cố gắng sao chép và cấp bằng sáng chế khi Mỹ gửi các loại thuốc điều trị COVID-19 tới nước này để thử nghiệm", tờ báo Mỹ cáo buộc.
Gián điệp - học giả lẫn lộn
Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên Mỹ tố Trung Quốc đánh cắp các nghiên cứu về vắcxin và thuốc điều trị COVID-19. Các thông tin này đã xuất hiện râm ran cách đây gần 3 tuần nên khi FBI và DHS đưa ra thông báo chính thức ngày 13-5, không có quá nhiều người bất ngờ.
Tuyên bố của giới chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh nước này liên tiếp bắt giữ các nhà khoa học gốc Hoa vì che giấu mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc trong lúc tham gia các dự án nhạy cảm ở Mỹ.
Liên tiếp trong 3 ngày trước đó, nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ các nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa tại nước này.
Hôm 11-5, giáo sư Simon Ang của Đại học Arkansas đã bị bắt vì che giấu mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc và các trường đại học Trung Quốc trong lúc tham gia các dự án do NASA tài trợ.
Cũng trong hôm đó, Li Xiaojiang, nhà thần kinh học người Mỹ gốc Hoa, đã nhận tội che giấu các khoản tiền nhận được từ Chính phủ Trung Quốc và chấp nhận bản án 1 năm quản chế.
Li và vợ đã là công dân Mỹ vào thời điểm bị phát giác. Cả hai đang điều hành một phòng thí nghiệm thuộc Đại học Y khoa Emory (Mỹ). Phòng thí nghiệm này đã bị đóng cửa sau khi Li và vợ bị sa thải. Cả hai lập tức chuyển đến Đại học Tế Nam ở Quảng Châu nhưng Li bị giữ lại Mỹ kể từ tháng 11-2019 đến nay.
Các bản cáo trạng cho biết ông Li tin rằng mọi việc sẽ không bị phát hiện và ông có thể sống hai vai: giáo sư Li của Đại học Emory và nhà nghiên cứu Li của Viện Di truyền học và sinh học phát triển thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Theo báo South China Morning Post của Hong Kong, hai cựu giáo sư Li và Simon là các tài năng hải ngoại được "chiêu hồi" theo đề án "Ngàn nhân tài" của Chính phủ Trung Quốc. Theo đó, các nhà khoa học và chuyên gia gốc Hoa khi trở về Trung Quốc làm việc sẽ nhận được tiền tài trợ cùng mức lương hậu hĩnh.
Trong khi Bắc Kinh xem đây là chuyện đương nhiên như "lá rụng về cội", Washington xem đó là chiêu ăn cắp sở hữu trí tuệ dưới vỏ bọc yêu nước.
Trung Quốc nói Mỹ "vu khống"
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gọi cáo buộc của Mỹ nói Trung Quốc ăn cắp nghiên cứu vắcxin là sự "vu khống". Ông này sau đó nhấn mạnh bất kỳ hành động phá hoại các công việc chống lại COVID-19 đều đáng bị lên án.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 13-5, ông Triệu Lập Kiên xác nhận Trung Quốc đang hợp tác với Canada và sẽ sớm đưa một loại vắcxin của nước này sang Canada thử nghiệm. "Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để đẩy nhanh việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm y tế chống lại dịch bệnh" - ông Triệu nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận