Fansland thời hoàng kim: khán giả chen nhau mua vé năm 1996- Ảnh: Fansland cung cấp
Năm 1994, với tình yêu điện ảnh, Nguyễn Quang Dũng (Dũng Digital - một kỹ sư) cùng bạn bè kết hợp với phòng phát hành phim quân đội cho ra đời một rạp chiếu phim nhỏ giữa lòng Hà Nội.
Rạp chuyên chiếu những phim kinh điển của thế giới, phim nghệ thuật đương đại... đã trở thành điểm hẹn văn hóa không thể thiếu trong danh mục lựa chọn của các bạn trẻ, sinh viên yêu điện ảnh suốt 14 năm sau đó.
Bởi nỗi khát âm nhạc và điện ảnh
Cuối thập niên 1980, thông tin ở VN rất nghèo nàn, nhất là mảng âm nhạc và điện ảnh nước ngoài.
Có dịp đi nước ngoài, tiếp cận với kho tàng âm nhạc, điện ảnh vĩ đại của nhân loại, anh Dũng quyết định ở lại châu Âu một thời gian để vừa kiếm tiền vừa thực hiện việc sưu tầm tư liệu cho thư viện âm nhạc - điện ảnh của mình.
Hầu hết thành phố lớn nhỏ của châu Âu đều có rạp chuyên chiếu phim nghệ thuật của mọi thời đại. Các trường đại học đều có những CLB điện ảnh, phòng chiếu phim kinh điển cho sinh viên.
Anh Dũng bỏ ra khá nhiều thời gian đến các CLB đó, vừa xem phim vừa để tìm hiểu cách làm. Lúc đó anh mới hiểu chất lượng nội dung và kỹ thuật là hai yếu tố sống còn của phim chiếu rạp và tại sao ở nước ngoài, văn hóa xem phim rạp rất phổ biến.
Vào những năm 1980, trong một lần đi chụp ảnh ở thủ đô Kathmandu của Nepal - lúc này Kathmandu chỉ có một con phố xe hơi có thể đi lại thoải mái, anh Dũng đã choáng khi đang lang thang giữa chợ bỗng lạc vào một phòng chiếu phim địa phương.
Những người nội trợ bản xứ vừa bế con vừa mang theo gia súc đang ngồi xem phim trên những băng ghế.
Họ xem siêu phẩm Casablanca (1942) của Michael Curtis. Phim rất cũ, mốc và xước. Khung cảnh ấy làm anh ngạc nhiên, xúc động và ý tưởng về một Fansland Cinema tại Hà Nội đã nảy sinh từ đó.
Anh Dũng Digital - ngày cuối cùng trước khi Fansland đóng cửa vào 31-3-2008
Tình yêu cũng cần một phép thử - Làm thế nào để kéo khán giả đến rạp?
Anh Dũng xin phép Bộ Văn hóa - thông tin (cũ) đứng ra tổ chức Liên hoan phim âm nhạc lần thứ nhất trong một tháng. Anh cùng với một bạn sinh viên là Nguyễn Thanh Hùng (chủ nhiệm CLB Unesco sinh viên, ĐH Xây dựng Hà Nội) đi tìm địa điểm cho liên hoan phim.
Họ quyết định chọn số 84 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn - trưởng phòng phát hành phim quân đội - đã nhiệt tình đồng ý cho liên hoan phim thuê địa điểm.
Sau một tuần lắp đặt máy móc với sự giúp đỡ của đạo diễn Lưu Nghiệp Quỳnh, anh Dũng cùng bạn bè tổ chức một buổi chiếu phim để giới thiệu với mọi người về chất lượng kỹ thuật mới của chiếu bóng hiện đại. Có rất nhiều quan chức điện ảnh, giám đốc các hãng phim, các nhà quay phim, âm thanh đã đến dự...
Đó là buổi chiều 25-3-1993. Buổi chiều tháng ba đó có lẽ là buổi chiếu phim âm thanh nổi chất lượng cao đầu tiên ở VN.
Anh Dũng Digital giới thiệu Terminator 2 (1991) của James Cameron. Và tối 26-3-1993, Liên hoan phim âm nhạc lần thứ nhất khai mạc. Giới trẻ và những người yêu nhạc ở Hà Nội có dịp được thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc lộng lẫy với hơn 50 bộ phim về đề tài âm nhạc.
Liên hoan mở màn với phim tài liệu Guns N Roses: the making of “November Rain” (1993) cùng hai tác phẩm được giới yêu rock thích nhất lúc đó là Pink Floyd The Wall (1982) và Woodstock (1970).
Liên hoan phim âm nhạc được giới trẻ háo hức đón nhận đã thúc đẩy anh Dũng quyết tâm cho ra mắt câu lạc bộ phim. Anh phải mất 18 tháng để chuẩn bị về mọi mặt: trình bày với đại tá Nguyễn Thanh Sơn về ý tưởng, kêu gọi phòng phát hành phim quân đội ủng hộ góp sức cho một phép thử lớn hơn, đáng giá hơn.
Vòng đời 14 năm của Fansland
Cái tên Fansland ra đời khi anh Dũng Digital đang cùng kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương trang trí cho câu lạc bộ. Họ muốn một cái tên phải đơn giản, dễ nhớ và chưa ai sử dụng.
Phương gợi ý dùng từ nào có liên quan đến “fan” (người hâm mộ) và thế là họ quyết định chọn Fansland, mượn ý tưởng từ các chữ Disneyland, Wonderland, Pepperland (của The Beatles). Fansland Cinema (Thế giới phim nổi tiếng) ra đời ngày 1-12-1994 nhằm giới thiệu các tác phẩm âm nhạc, nhạc kịch, phim âm nhạc, phim kinh điển của mọi thời đại và các phim hay, phim đoạt giải thưởng quốc tế của VN cũng như nước ngoài.
Hằng tuần vào chiều chủ nhật, Fansland có buổi sinh hoạt chuyên đề về nghệ thuật điện ảnh. Có thể nói, sự ra đời của Fansland thời điểm ấy như một chất xúc tác để tái khởi động hệ thống chiếu rạp, và Fansland cũng là rạp đầu tiên thực hiện cuộc cách mạng về kỹ thuật chiếu bóng hiện đại.
Đến cuối năm 1997, rạp thứ hai có âm thanh nổi ra đời là New Age Cinema của Công ty Điện ảnh Hà Nội. Năm 2000, Bộ Văn hóa - thông tin (cũ) mới quyết định đầu tư cho mỗi tỉnh thành một rạp chiếu phim âm thanh nổi.
Bằng tình yêu, anh Dũng đã tự tạo cho mình và bạn bè thói quen “xem phim là phải đến rạp”. Đó là những ngày rất hạnh phúc bởi Fansland vô cùng ý nghĩa với giới trẻ lúc đó, mang đến cho họ một món ăn tinh thần lành mạnh mà sang trọng.
Ngày 31-3-2008 là buổi chiếu phim cuối cùng của Fansland với một trong những bộ phim hài hay nhất mọi thời đại - Some like it hot (1959). Khán giả cười phá lên và vỗ tay khi câu thoại cuối cùng cất lên: “Không có ai là hoàn hảo cả”.
Anh Dũng bảo: “Tôi rất tiếc vì một hoạt động văn hóa rất tốt, rất lành mạnh mà không có cách tồn tại, nhiều người hâm mộ viết thư cho tôi gần như khóc khi nghe tin Fansland đóng cửa. Nhưng có thể làm gì hơn?”.
Cho một Thiên đường điện ảnh đã mất
Tôi nhớ năm 1994 khi vào học Trường Sân khấu - điện ảnh, trường chỉ có một rạp nhỏ, cũ với máy chiếu than, xem phim thì phập phù.
Rồi Fansland ra đời, cái rạp đó hay lắm, chiếu toàn những phim hay mà trước đó sinh viên điện ảnh cũng chỉ nghe chứ chưa được xem bao giờ. Rạp nhỏ, ghế gỗ cứng lại khá hẹp nhưng mua vé sát giờ thì chỉ có nước ngồi sát màn ảnh.
Dàn âm thanh lập thể rất “xịn” lúc ấy cứ rền vang như sắp phá sập căn phòng chiếu cũ. Không khí kích động, say mê. Khán giả im phăng phắc...
Once upon a time in America (1984) của Sergio Leone dài hơn bốn giờ, giải lao mười phút giữa buổi chiếu nhưng xem đến lần thứ ba phim ấy, chưa thấy ai bỏ về giữa chừng. The Piano (1993) nhạc rất hay, cái lông chim bay bay trong Forrest Gump (1994) nếu ngồi sát có cảm giác nó sắp bay vào mặt mình.
Đến hồi xem Cinema Paradiso (Thiên đường điện ảnh, 1988), nhìn cảnh cái rạp cũ bị phá ai cũng buồn... Rồi thì Fansland cũng đóng cửa. Bây giờ mỗi lần đi qua đó tôi lại nghĩ đến đám bụi bay mù mịt khi rạp đổ trong cái phim kia...
Đạo diễn Phan Đăng Di
Kỳ 3: Thiếu một nhạc trưởng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận