TTCT - Việc kiểm chứng thông tin (fact-checking) từ một công việc mang tính "bếp núc" ở tòa soạn đã trở thành một phần quan trọng của báo chí hiện đại, khi tin giả (fake news) tràn lan và ngày càng được trí tuệ nhân tạo (AI) hà hơi tiếp sức. Ảnh: cjr.org Yvonne Rolzhausen, trưởng phòng nghiên cứu tạp chí The Atlantic, từng nói về nhiệm vụ của fact-checker (người kiểm chứng thông tin) của họ lẫn các tờ báo khác của Mỹ từ rất lâu: xác minh mọi thông tin được đăng trong một bài báo. "Chúng tôi dò từng chữ, từng dòng một, cố gắng đảm bảo (…) mọi sự thật đều đúng. Chúng tôi lần lại từng bước đi của các tác giả, đọc những cuốn sách và báo cáo họ đã đọc (và thường là những cái họ không đọc), nói chuyện với những người họ đã nói chuyện, xem những bộ phim họ đề cập, thử nghiệm các công thức họ đã sử dụng và dùng mọi nguồn lực có thể để xác nhận mọi thứ từ chi tiết cơ bản nhất đến lập luận toàn diện nhất" - ông viết trong một bài báo hồi tháng 8-2007.Càng về sau, fact-checker càng phải chú ý tới một thứ nguy hiểm hơn: tin giả, thứ xuất hiện cùng với mọi sự kiện lớn trên thế giới - từ những cuộc bầu cử gây chia rẽ, trong đại dịch COVID-19 cho tới cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Gaza.Muôn hình vạn trạngMột ngày cuối tháng 5, Pallavi Mishra biết đã đến lúc phải "vào việc", khi trên mạng lan truyền đoạn video với hình ảnh nhà lãnh đạo đảng đối lập Rahul Gandhi của Ấn Độ phát biểu một câu khiến người xem "đứng hình": "Hãy để tôi nói cho quý vị biết sự thật ngay từ đầu: ngày 4-6-2024 ông Narendra Modi sẽ vẫn là thủ tướng Ấn Độ".Sau khi đã yên vị trong văn phòng làm việc của công ty kiểm chứng tin tức Vishvas News (Noida, bang Uttar Pradesh), Mishra ngồi phân tích lại đoạn video trên laptop. Là chuyên gia kiểm chứng tin tức kỳ cựu, Mishra nghe là biết video đó là giả, song nhiệm vụ của cô là phải tìm ra bằng chứng để gắn nhãn tin giả cho nó. Bằng thủ thuật tìm kiếm hình ảnh đảo ngược một hình chụp màn hình của ông Gandhi trong đoạn video giả, Mishra mau chóng tìm ra đoạn video gốc bài phát biểu của Gandhi. Trong đó, nhà lãnh đạo đảng đối lập này đã nói một câu hoàn toàn ngược lại: "Vào ngày 4-6-2024, ông Narendra Modi sẽ không còn là thủ tướng của Ấn Độ nữa".Bằng cách cắt đi một từ, đoạn clip giả đã cố ý tạo ra ấn tượng là ông Gandhi và Đảng Quốc đại của ông đã thừa nhận thất bại. Với một cuộc bầu cử kéo dài bảy giai đoạn bắt đầu từ ngày 19-4, các chuyên viên kiểm chứng tin tức như Mishra phải luôn tay luôn chân để góp sức vào công cuộc ngăn chặn tin giả hòng thao túng, can thiệp vào cuộc bầu cử với gần 969 triệu cử tri hợp lệ, The Straits Times bình luận khi kể câu chuyện của cô.Những người chuyên kiểm chứng tin giả như chị Pallavi Mishra (ảnh) luôn bận rộn tối ngày với việc kiểm chứng và phanh phui những tin tức giả lan tràn trên mạng Internet mỗi ngày. Ảnh: Straits TimesTheo trang Reporters' Lab, số trang web kiểm chứng tin tức đã tăng ồ ạt trong gần hai thập niên qua: từ chỉ 11 trang năm 2008 vọt lên 424 trang năm 2022. Đơn cử như Africa Check, tổ chức kiểm chứng tin giả đầu tiên ra đời tại châu Phi, đã "phình to" quy mô từ một nhóm chỉ hai người vào năm 2012 lên 40 người với các văn phòng đặt tại bốn quốc gia như hiện nay.Điều tương tự cũng đã thấy ở Maldita, một công ty khởi đầu chỉ là một tài khoản Twitter do hai nhà báo truyền hình vận hành, nay đã có một đội ngũ nhân sự hơn 50 người. Dù ở một số khu vực, các dịch vụ kiểm chứng tin tức cũng đã và đang có xu hướng thu hẹp bớt nhưng ở những nơi khác như châu Phi, Trung Đông và châu Á, ngành này vẫn đang tăng trưởng tốt.Nhọc nhằn nghề fact-checkerTrong thông tin tuyển phóng viên kiểm chứng tin tức làm việc tại văn phòng ở Lagos, Nigeria và tại Thái Lan hồi cuối năm ngoái, Hãng tin AFP cho biết họ cần "một nhà báo năng động có thể dễ dàng tìm ra cách xử trí với những tin tức giả, tin sai sự thật", cũng như thể hiện năng lực chuyên môn trong việc sử dụng các kỹ thuật kiểm chứng số và có hiểu biết kỹ lưỡng về các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, TikTok, YouTube và các ứng dụng chat mã hóa khác.Vị trí này cũng cần có kỹ năng viết và biên tập tốt, kỹ năng giao tiếp tốt, gồm cả nói và viết, có khả năng làm việc trong một tòa soạn đa phương tiện với nhịp độ nhanh và đáp ứng được những thời hạn nộp bài khắc nghiệt. Ứng viên cũng được yêu cầu luôn cập nhật các xu hướng công nghệ mới, trong đó AI là một vấn đề chủ chốt.Đó là yêu cầu về mặt lý thuyết, còn nếu muốn biết công việc thực tế của một chuyên viên kiểm chứng tin tức là như thế nào, hãy đọc những chia sẻ trên tạp chí Columbia Journalism Review của Peter Canby, nhân viên kỳ cựu thuộc bộ phận kiểm chứng tin tức của tạp chí The New Yorker từ năm 1978.Từng trải qua tới ba đời tổng biên tập khác nhau, Canby đã chứng kiến đội ngũ của mình tăng gấp đôi nhân sự, nhiều thay đổi về cường độ cũng như đòi hỏi trong công việc để phù hợp với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. "Chúng tôi không thể xoay xỏa nổi với các tin tức phải xử lý trong khung thời gian của mình nếu không có Internet" - ông chia sẻ.Canby cho biết hiện tại có ít nhất một nửa trong số các thành viên của bộ phận kiểm chứng tin tức có thể nói được một ngôn ngữ thứ hai, trong đó có một người nói được tiếng Nga và một người thành thạo tiếng Ả Rập. Cũng theo ông, sự phức tạp của công việc không chỉ dừng ở chuyện xác minh tên và ngày tháng, minh định rạch ròi thông tin nào đúng hay sai; các fact-checker của The New Yorker phải tự suy nghĩ và đưa ra những đánh giá mang tính biên tập phức tạp hơn. Nhiều người vẫn nghĩ thế giới được chia thành thực tế (fact) và quan điểm (opinion) và những người kiểm chứng thông tin chỉ làm việc với các fact. Cái khó là phải đối phó với "những quan điểm dựa trên thực tế".Đối với mỗi câu chuyện sẽ được xuất bản trên báo nhà, đội ngũ nhân viên của Canby sẽ cố gắng nói chuyện được với mọi nhân vật được đề cập trong bài, ngay cả khi lời nói của họ không được trích dẫn. Nguyên tắc này được áp dụng cả với những nội dung được thể hiện dưới dạng hồi ký.Fact-checker tạo điều kiện để các nhân vật có thể chỉnh sửa những sai sót nhưng sẽ không viết lại cuộc phỏng vấn. Và không phải lúc nào họ cũng được chào đón khi đi tìm sự thật.Canby kể lại tình huống đáng nhớ khi kiểm chứng thông tin cho phóng sự năm 2017 của tác giả Luke Mogelson về đội đặc nhiệm phản ứng nhanh (SWAT) gồm những người Iraq đã phải chịu sự thống khổ dưới bàn tay của những kẻ khủng bố và nỗ lực của họ để chiếm lại Mosul. Một nhân viên của Canby đã hợp tác với một fact-checker tự do để gọi điện cho tất cả 42 người được đề cập trong bài báo dài 17.000 chữ. "Cả [42 người] đều có điện thoại di động nhưng khi các fact-checker của chúng tôi gọi đến, họ đều nói: "Xin lỗi, chúng tôi đang chiến đấu. Anh có thể gọi lại sau không?"" - Canby thuật lại.Một nhiệm vụ vào loại vất vả nhất của nhóm Canby: hai fact-checker phải kiểm chứng nội dung bản thảo bài viết 30.000 từ của Lawrence Wright về giáo phái Scientology, một tổ chức tai tiếng với vô số các vụ kiện tụng. Một người đã bỏ ra sáu tháng để làm việc đó, khi phải soạn 938 câu hỏi vì Scientology cho biết họ sẽ chỉ trả lời qua email chứ không gặp trực tiếp.Theo Claim Review - cơ sở dữ liệu fact check do Google vận hành, tính tới tháng 9-2023 các tổ chức kiểm chứng tin tức trên toàn thế giớ đã xác minh gần 300.000 thông tin giả - thật trên mạng.Dù thực sự ấn tượng, con số này vẫn còn quá bé nhỏ so với quy mô của vấn đề, nhất là khi tin giả trở thành vấn đề càng mệt mỏi hơn nữa vì có thêm sự thao túng của các công cụ AI. Nhiều tổ chức như Full Fact của Anh đang phát triển công cụ AI để có thể phát hiện nhanh những thông tin sai và giúp các kiểm chứng viên tăng tốc công việc của họ. Các fact-checker đã làm việc thế nào thời chưa có Internet? Người đầu tiên đảm nhiệm vai trò fact-checker này tại tạp chí TIME là bà Nancy Ford, từ những năm 1920. Công việc ban đầu của bà là đánh dấu và cắt ra những bài báo thú vị từ các báo cho các cây bút của TIME tham khảo, nhưng sau đó mau chóng chuyển sang nhiệm vụ xác thực ngày tháng, tên tuổi và thông tin thực tế trong các bản thảo hoàn tất của TIME.Ford và các đồng nghiệp của bà - tất cả đều là nữ - được khuyến khích để chất vấn đội ngũ biên tập, phóng viên vốn ban đầu chỉ toàn nam giới. Thời đó, Thư viện Cộng đồng New York là nguồn thông tin tham khảo chính của Ford. Bà sẽ gọi điện tới đó để hỏi về "gần như mọi thứ" và thường có mặt ở đó cho tới khi đóng cửa. Không hiếm khi họ phải mang theo tài liệu tham khảo đi cùng bản thảo tới nhà in và làm việc tại đó tới khuya, cho tới lúc in xong.Trải qua năm tháng, việc kiểm chứng thông tin cũng đã trải qua những thay đổi đáng kể. Internet giúp tra cứu dễ hơn nhưng chính lượng thông tin khổng lồ của nó cũng khiến việc fact check nhọc nhằn hơn. Tags: Báo chí hiện đạiTrí tuệ nhân tạoFake newsXu hướng công nghệAI
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm quốc phòng là sự kiện đối ngoại lớn và quan trọng NAM TRẦN 22/12/2024 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định qua triển lãm quốc phòng quốc tế đã thấy công tác chuẩn bị rất toàn diện, triển khai thực hiện rất bài bản, chuyên nghiệp.
Xem Không thời gian, khán giả vừa thương bộ đội vừa muốn 'ship' bộ đội cho cô giáo ngay ĐẬU DUNG 22/12/2024 Xem Không thời gian trong những ngày cả nước kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, khán giả càng yêu thêm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, dù đó là thời chiến hay thời bình.
Chi tiết toàn bộ bảng lương công chức áp dụng năm 2025 THÀNH CHUNG 22/12/2024 Dưới đây là chi tiết toàn bộ bảng lương công chức được áp dụng từ năm 2025. Bảng lương được tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Nga sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ với 1 điều kiện MINH KHÔI 22/12/2024 Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Matxcơva sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây khác, nhưng không đánh đổi lợi ích quốc gia.