27/03/2018 11:46 GMT+7

Facebook và “sao quả tạ” mới

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - “Sao quả tạ” đang chiếu vào Facebook khi ông chủ Mark Zuckerberg vừa mua loạt quảng cáo trên nhiều tờ báo lớn của Anh, Mỹ để đăng xin lỗi thì tin xấu lại tiếp tục ập đến.

Facebook và “sao quả tạ” mới - Ảnh 1.

Hình ảnh CEO của Cambridge Analytica Alexander Nix sau song sắt với khẩu hiệu "Dữ liệu của chúng tôi, không phải của ông ta. Vào tù đi" được dán ở cửa ra vào công ty này tại London ngày 20-3 - Ảnh: AFP

Giám đốc điều hành Facebook, ông Mark Zuckerberg, đã mua quảng cáo nguyên trang trên nhiều tờ báo Anh, Mỹ số ra ngày chủ nhật (25-3) để đăng nội dung xin lỗi dư luận về vụ Công ty Cambridge Analytica lạm dụng dữ liệu cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook. "Đó là sự xâm phạm niềm tin, tôi xin lỗi" - quảng cáo viết. Lời xin lỗi nguyên trang xuất hiện tại Anh trên các báo Sunday Telegraph, Sunday Times, Mail on Sunday, Observer, Sunday Mirror, Sunday Express và tại Mỹ trên các báo New York Times, Washington Post, Wall Street Journal.

Thu thập cả nhật ký cuộc gọi, tin nhắn

Tuy nhiên, cùng thời điểm với lời quảng cáo xin lỗi, báo Guardian (Anh) lại phanh phui một thông tin chấn động khác: Facebook không chỉ xâm nhập thông tin cá nhân của người dùng chia sẻ trên Facebook mà còn thu thập cả nhật ký cuộc gọi, tin nhắn và danh bạ trên điện thoại của người dùng trong suốt nhiều năm.

Chuyện này được phát hiện trong quá trình nhiều người muốn xóa hẳn tài khoản Facebook. Khi gửi yêu cầu xóa, Facebook thông báo tới họ lựa chọn tải xuống các thông tin công ty đã lưu của người dùng. Chính khối dữ liệu này tiết lộ quy mô thu thập thông tin cá nhân của người dùng Facebook hiện ở mức nào.

Một người dùng là Dyland McKay cho biết từ tháng 10-2016 đến tháng 7-2017, phần thông tin Facebook lưu lại của anh gồm "dữ liệu về mọi cuộc gọi điện thoại của tôi, gồm cả thời điểm và thời gian gọi", và "dữ liệu về mọi tin nhắn SMS tôi đã nhận và gửi".

Nhiều người khác cũng bực bội khi biết Facebook lưu trữ cả danh bạ, sổ lưu địa chỉ, ứng dụng lịch và ngày sinh của bạn bè. Cho tới thời điểm này, có vẻ như tất cả những phàn nàn về vấn đề này đều liên quan tới những người dùng Facebook hoặc các ứng dụng của Facebook trên thiết bị smartphone chạy trên nền tảng Android.

Kịch bản nào cho Facebook?

Hãng tin Quartz (Mỹ) đưa ra ba kịch bản cho tương lai của Facebook sau cuộc khủng hoảng liên quan đến Cambridge Analytica. Kịch bản thứ nhất: Facebook sẽ phải khuất phục trước nhà chức trách và chấp nhận bị "siết vòng kim cô" nếu muốn tiếp tục làm ăn. Theo đó, bài học từ Microsoft là không cần phải thắng trong vụ kiện chống độc quyền người ta mới có thể "dìm chết" một công ty hoặc kéo lùi công ty đó. Không cần chia tách Facebook, người ta vẫn có thể biến nó trở thành một cái bóng mờ nhạt của chính nó.

Kịch bản thứ hai là Facebook sẽ mất một lượng người dùng đáng kể sau bê bối. Trên thực tế số người dùng Facebook cũng đang giảm dần tại Mỹ và Canada, hai thị trường sinh lời nhiều nhất của họ. Nhưng nếu nhìn vào quy mô thực sự của Facebook một cách lý trí, dễ thấy ngay cả khi 1 triệu người rút khỏi nền tảng này để phản đối (con số này tương đương với số người dùng hằng ngày tại Mỹ và Canada rút khỏi Facebook trong quý vừa qua), nó cũng chỉ là 0,05% trong tổng lượng "cư dân Facebook".

Kịch bản thứ ba: Facebook sẽ mất các khách hàng thực sự của họ, đó là các đối tác quảng cáo chứ không phải người dùng. Tuy nhiên, theo ông Brian Wieser - chuyên gia phân tích tại Công ty Pivotal Research, phần lớn các nhà quảng cáo sẽ chỉ quay lưng với Facebook trong trường hợp số người dùng giảm tới mức 2 con số, giống như cách họ đã làm với YouTube khi quảng cáo của họ bị hiển thị bên cạnh những video có nội dung cực đoan, thù địch trước đây.

Quá lớn nên không dễ sụp đổ?

Hiện có khoảng 3,8 tỉ người dùng Internet, trong đó 2,1 tỉ người dùng Facebook. Facebook cũng sở hữu luôn mạng xã hội Instagram, ứng dụng có khoảng 800 triệu người dùng và WhatsApp, ứng dụng nhắn tin có 1,3 tỉ người dùng. Năm 2017, tổng thu nhập của Facebook hơn 40 tỉ USD. Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại khoảng 460 tỉ USD, ngay cả sau đợt bán tháo cổ phiếu công ty này xảy ra tuần trước.

Điều này có nghĩa ngay cả khi Facebook mất hết cả nhà quảng cáo và mất toàn bộ người dùng sau bê bối này, họ vẫn còn khả năng duy trì thêm một thời gian dài nữa. Vậy nên việc "xóa sổ" một dịch vụ với hơn 2 tỉ người dùng trong một sớm một chiều là chuyện không dễ xảy ra.

Công khai rao bán dữ liệu người dùng Facebook ở Việt Nam

Chỉ cần vào Google gõ tìm kiếm "danh sách khách hàng", người dùng sẽ lập tức nhận được hàng trăm nghìn kết quả, trong đó có rất nhiều website rao bán lẫn chia sẻ miễn phí các danh sách khách hàng tiềm năng được thu thập từ mạng xã hội Facebook.

Tiết lộ với Tuổi Trẻ, một chuyên gia marketing cho biết: "Trong vài năm trở lại đây, khi các giao dịch, mua bán, hoạt động của người dùng Việt Nam tập trung rất nhiều trên mạng xã hội Facebook, người ta đã tìm ra nhiều cách để khai thác các thông tin người dùng cung cấp trên Facebook, từ đó tạo ra danh sách các tập khách hàng tiềm năng cho mọi nhu cầu tiếp thị".

Chẳng hạn, dạo một vòng trên mạng, chúng tôi dễ dàng tìm thấy những chia sẻ miễn phí và có cả rao bán những danh sách khách hàng được thu thập từ Facebook như: nhân viên văn phòng tại TP.HCM, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, giám đốc nam tại TP.HCM, sinh viên nữ tại TP.HCM, nữ có nhu cầu về bất động sản tại TP.HCM, khách hàng có quan tâm về điện máy, người dùng quan tâm đến iPhone…

Các danh sách trên có được là nhờ các phần mềm có thể quét số định danh của người dùng trên Facebook (User ID) và cho ra kết quả là họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, địa chỉ, email, vị trí… của người dùng. Từ đó, người ta có thể tạo ra các loại danh sách khách hàng theo độ tuổi, giới tính, khu vực… thậm chí cả sở thích, nghề nghiệp…

Trong khi đó, ngày 26-3, trong một thông tin gửi đến truyền thông Việt Nam, Facebook cho biết họ "không bao giờ bán dữ liệu này và tính năng này không thu thập nội dung tin nhắn văn bản hoặc cuộc gọi của bạn".

Theo giải thích của Facebook, việc lưu trữ lịch sử cuộc gọi và tin nhắn văn bản là một phần trong tính năng opt-in (tính năng lựa chọn) của ứng dụng Messenger hoặc Facebook Lite trên nền tảng Android. Khi người dùng đăng ký Messenger hoặc Facebook Lite trên Android hoặc đăng nhập vào Messenger trên thiết bị Android, họ sẽ được cung cấp tùy chọn để liên tục tải lên các số liên lạc cũng như lịch sử cuộc gọi và tin nhắn của họ.

Người dùng có quyền lựa chọn có đồng ý sử dụng tính năng này hay không. Bất cứ lúc nào không còn muốn sử dụng tính năng này nữa, người dùng có thể tắt nó trong phần cài đặt. "Khi đó, tất cả lịch sử cuộc gọi và văn bản được chia sẻ trước đó thông qua ứng dụng bạn sử dụng sẽ bị xóa. Mặc dù Facebook nhận được một số quyền hạn nhất định từ Android, nhưng việc tải lên thông tin này luôn nằm trong quyền lựa chọn của người dùng" - Facebook cho biết.

ĐỨC THIỆN

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên