02/08/2018 15:50 GMT+7

Facebook và chuyện tự do ngôn luận

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Facebook tạo ra nền tảng để người dùng bày tỏ ý kiến. Chức năng này có cần đi liền với việc phải kiểm duyệt nội dung hay không?

Facebook  và chuyện tự do ngôn luận - Ảnh 1.

CEO Mark Zuckerberg của Facebook - Ảnh: Reuters

Hôm 31-7, Facebook thông báo đã phát hiện những hoạt động tinh vi đang được tiến hành trên nền tảng của mạng xã hội này nhằm tác động lên chính trường Mỹ. 

Gã khổng lồ công nghệ cho biết đã xóa 32 tài khoản khỏi Facebook và Instagram vì liên quan tới hành vi "câu kết" và giả mạo.

Giữa muôn trùng vây

Trước đó, Facebook cũng cho hay đã nhận 1.704 báo cáo vi phạm, và từ đó xóa 362 bài viết trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 6 tại Đức. Động thái này là cách Facebook tuân thủ luật chống các bài viết kích động thù hằn trực tuyến ở Đức, vốn có hiệu lực từ đầu năm nay.

Hai thông tin này cho thấy Facebook, trong thời gian ngắn, đã và đang thể hiện sự phối hợp tích cực với cơ quan chức năng Mỹ và Đức trong công tác điều tra, rà soát nội dung cũng như chống lại nội dung tác động xấu trên mạng xã hội.

Đó có thể cũng là cách Facebook thể hiện thái độ thỏa hiệp giữa bối cảnh công ty này gặp vô vàn khó khăn. Cách đây khoảng một tuần, Facebook đã chứng kiến đợt rớt giá cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử công ty này, quét sạch hơn 120 tỉ USD trên thị trường chỉ trong vòng một ngày.

Giới quan sát đa phần khẳng định rắc rối chính của Facebook nằm ở việc mạng xã hội này bị cáo buộc không ngăn chặn được các tài khoản tung tin giả, can thiệp bầu cử Mỹ, cũng như vụ rò rỉ thông tin người dùng cho Công ty Cambridge Analytica.

Một số khác đổ lỗi cho cách xử lý khủng hoảng của Facebook, cụ thể là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg. 

Truyền thông Mỹ vùi dập ông Zuckerberg tơi tả sau những phiên điều trần tại Mỹ cũng như châu Âu, cho rằng dư luận không đồng tình với cách Facebook giải thích về sự cố.

Trong cơn nguy khốn và dự báo doanh thu sụt giảm, các nhà đầu tư thời gian qua đã kêu gọi ông Zuckerberg từ chức. 

Theo Michael Connor - CEO của Công ty Open MIC, các phiên điều trần cho thấy tỉ phú trẻ tuổi này "chẳng hiểu được công ty đang vận hành với độ lớn như thế nào", và rằng Zuckerberg quá quyền lực dẫn tới vận mệnh của Facebook phụ thuộc cả vào người vừa là chủ tịch vừa là CEO này.

Công hay tội?

Tín hiệu "thiện chí" mà Facebook gửi tới nhà cầm quyền Mỹ và Đức trong vòng vài ngày gần đây, trên thực tế không phản ánh tư duy của Zuckerberg về cách thức Facebook vận hành. Nói cách khác, nó không đồng nghĩa Zuckerberg thỏa hiệp với thực tại.

Doanh nhân người Mỹ này từ chối, ở một mức độ nào đó, những bài viết bị cho là "tin giả" - hay "fake news" theo cách hiểu của số đông hiện nay. 

Một trong những vụ lùm xùm lớn nhất về vấn đề này là việc Zuckerberg tuyên bố không xóa những bài viết, từ chối xóa các tài khoản nêu quan điểm phủ nhận sự tồn tại của cuộc thảm sát Do Thái thời Đức Quốc xã.

Giữa làn sóng dư luận, những người phẫn nộ với một thảm họa diệt chủng và lên án phe hoài nghi, Zuckerberg nói: "Cá nhân tôi thấy những người hoài nghi về thảm họa diệt chủng thật sự phản cảm, và tôi chắc chắn không có ý bảo vệ ý định của những người phủ nhận nạn diệt chủng". 

Tuy vậy, CEO của Facebook khẳng định công ty này tôn trọng quyền được nói của những người hoài nghi ấy: "Những gì chúng tôi sẽ làm là nói: Được rồi, bạn có trang cá nhân của bạn, và nếu bạn không có ý định hãm hại người khác thì có thể đăng tải nội dung lên trang của mình, thậm chí khi người khác không đồng ý hoặc thấy phản cảm".

Nhìn chung, lý lẽ Zuckerberg đưa ra là ông sẽ bảo vệ tự do ngôn luận, và phân biệt rạch ròi giữa một người nói sai và người cố ý nói sai. 

Người nói sai có thể do hiểu sai, và không vì thế mà xóa tài khoản của họ, ngăn họ lên tiếng. Người cố tình đưa thông tin giả nhằm hãm hại người khác thì mới đáng bị khóa tài khoản.

Lý luận của Zuckerberg dĩ nhiên đi ngược lại với phe chống đối. Quan điểm của nhà cầm quyền và phe chống đối Facebook cho rằng mạng xã hội này khi tạo ra một sản phẩm thì phải có trách nhiệm ngăn chặn nội dung độc hại cho cộng đồng.

Trong khi với Zuckerberg, Facebook chỉ là nền tảng với mục đích tạo cho con người cơ hội lên tiếng, còn nội dung thế nào, nếu không lừa đảo một cách chủ ý, có tổ chức thì không nên bị loại.

Bị "report" thì có đáng bị xóa tài khoản?

Cơ chế báo cáo vi phạm (report) của Facebook là công cụ để mạng xã hội này giao quyền kiểm duyệt cho chính người dùng.

Theo đó, thường một tài khoản bị "report" nhiều sẽ bị Facebook tạm đóng, xem xét và đưa ra quyết định có khóa hay không.

Có nhiều ý kiến phản đối khi Facebook không khóa những tài khoản bị "report". Song có lẽ CEO Zuckerberg là người hâm mộ tác giả John Stuart Miller.

Trong cuốn Bàn về tự do, ông Miller cũng nói về tác hại của việc để cộng đồng "tự kiểm duyệt". Số đông không phải lúc nào cũng đúng, và quyền lực số đông cũng là một sản phẩm độc hại...

Ông chủ Facebook vừa trở thành người giàu thứ 3 thế giới

TTO - Ông chủ Facebook vừa vượt qua nhà đầu tư Warren Buffett, trở thành tỉ phú giàu thứ 3 thế giới, đây cũng là sự kiện lần đầu tiên 3 người giàu nhất thế giới là 3 tỉ phú công nghệ.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên