Các tạo tác mỹ nghệ thường là mục tiêu bị đánh cắp - Ảnh: AFP
Pha xử lý gọn nhẹ nhưng hóa "cồng kềnh" của Facebook
Ngày 24-10, một người buôn bán trái phép ở Darnah, Libya đã đăng tải hàng loạt các quảng cáo bất thường. Kẻ này rao bán một bức tượng Greco-Roman (Hi Lạp - La Mã) bán thân choàng lớp áo của những người đàn ông thời La Mã cổ bằng đá hoa cương.
Bức tượng này vốn bị đánh cắp từ bảo tàng. Kẻ buôn bán đã đăng các ảnh chụp bức tượng lên các nhóm kín trên mạng xã hội Facebook chuyên mua bán đồ cổ.
Mặc dù Facebook cấm hoạt động buôn bán các vật tạo tác có tính lịch sử kể từ tháng 6, họ lại thiếu chuyên gia để giám sát các bài đăng được viết bằng tiếng Ả Rập. Kết quả là thị trường chợ đen của các món đồ trộm cắp ngày càng nở rộ trên nền tảng này.
Các nhóm bí mật rao bán phi pháp trên Facebook thường dùng tiếng Ả Rập gây khó khăn cho Facebook kiểm duyệt - Ảnh: ATHAR PROJECT
Các chuyên gia cho biết khi đã xác định được các nhóm làm trái với các nguyên tắc của mình, Facebook chỉ đơn giản xóa các bài viết đi. Điều này đồng nghĩa với việc họ xóa bỏ đi tất cả các tư liệu quan trọng phục vụ cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu về món đồ bị đánh cắp.
"Đây là những bằng chứng vô cùng quan trọng trong nỗ lực hồi trả vật phẩm và liên quan đến các tội ác chiến tranh. Facebook xóa chúng đi khiến vấn đề này dần thêm tồi tệ", bà Katie Paul - đồng giám đốc của dự án về mua bán trái phép cổ vật và nghiên cứu nhân chủng học di sản (ATHAR Project), nhận định với báo The Verge.
"Thật sự rất khó chịu và khó giải quyết. Khi Facebook xóa bỏ các chứng cứ mà các tên này tự đăng lên, chúng tôi không chỉ mất đi khả năng lần theo dấu vết của món tài sản văn hóa và trao trả cho nơi bị đánh cắp mà còn mất luôn tất cả hi vọng xác định và ngăn chặn những kẻ ác đang kiếm tiền từ chúng", Samuel Hardy - nghiên cứu sinh chuyên ngành di sản và xung đột văn hóa - nêu bức xúc.
Vấn đề chung của các "ông lớn"
Tuy nhiên, Facebook không phải là nền tảng duy nhất đang vật lộn với việc làm sao vừa có thể giúp cảnh sát vừa giữ được các chứng cứ cho những nhóm nghiên cứu như ATHAR.
YouTube cũng đã nhận nhiều phê bình khi gỡ bỏ các nội dung cực đoan mà các nhà nghiên cứu đang cố xem xét. Tuy rằng đôi khi cả hai công ty này cũng giữ lại bằng chứng theo yêu cầu của luật pháp, chính sách này thực chất không giúp gì được cho hầu hết các nhà nghiên cứu học thuật.
Những nhóm kín có hàng nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, đăng tải nhiều món vật trộm cắp có giá trị lịch sử - Ảnh: ATHAR PROJECT
"Chúng tôi không có ý rằng tất cả các nội dung như vậy phải được công khai mãi, nhưng điều quan trọng là các nội dung này cần được lưu trữ để các nhà nghiên cứu, nhóm nhân quyền, học viện, luật sư có thể tiếp cận và sử dụng cho một số trách nhiệm pháp lý" - nhà nghiên cứu Jeff Deutch tại Syrian Archive nói, khi đề cập đến các video trên YouTube có nội dung vi phạm nhân quyền.
Trên Facebook, vấn đề này đã tồn tại rất nhiều năm nay. Những cố gắng nghiên cứu về công cụ nhắm mục tiêu của quảng cáo trên Facebook cũng dần bị làm nản chí, bởi công ty không muốn chia sẻ dữ liệu cho các học viện.
Đối với trường hợp rao bán đồ mỹ nghệ, chính sách riêng tư của Facebook đã mang tới nhiều "lợi ích" ngoài dự liệu, bởi các tên tội phạm sử dụng những nhóm bí mật và tin nhắn mã hóa để hoạt động trái phép.
"Việc này biến Facebook trở thành mạng xã hội cung cấp các cơ hội cho những tổ chức cực đoan, bạo lực và băng nhóm tội phạm hoạt động "giữa ban ngày" mà không gặp nhiều khó khăn", ATHAR viết trong một báo cáo.
Kể từ năm 2014, các cổ vật đánh cắp đã trở thành một nguồn quỹ lớn cho các tổ chức khủng bố như nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Vùng Trung Đông được biết đến là vùng đất giàu có về các tạo tác văn hóa và thị trường đồ trộm cắp không được kiểm soát nhiều bằng mua bán ma túy hay vũ khí. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại các vùng hay xảy ra xung đột, nơi mà hoạt động mua bán cổ vật là một tội ác chiến tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận