Theo phản ảnh của nhiều cá nhân và chủ doanh nghiệp có fanpage bán hàng trên Facebook, lượng tương tác của người dùng với các bài viết đã suy giảm rõ rệt dù thực hiện đúng các kỹ thuật "tối ưu hóa nội dung" của mạng xã hội này...
Trăm triệu mỗi tháng chạy quảng cáo Facebook
"Từ tháng 7 đến nay, lượt tiếp cận của fanpage 24hStore giảm đáng kể, chỉ còn một nửa so với trước" - bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống bán lẻ 24hStore, buồn bã nói.
Là một trong những đại lý ủy quyền chính hãng của Apple, fanpage của doanh nghiệp này hiện có hơn 310.000 lượt thích, hơn 530.000 người theo dõi. Thế nhưng theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều bài viết trên trang của họ thời gian gần đây chỉ có vài chục lượt bày tỏ cảm xúc, bình luận đếm trên đầu ngón tay.
"Chúng tôi có đội ngũ chuyên chăm lo nội dung fanpage, có ngân sách chạy quảng cáo liên tục trên Facebook nhưng hiệu quả đã giảm rất nhiều. Cùng mức ngân sách quảng cáo, các chiến dịch không còn hiệu quả như 5 năm trước", bà Ánh Hồng nói.
Đại diện một hệ thống bán lẻ khác (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết mỗi tháng đều phải chi hơn trăm triệu cho Facebook để duy trì lượng tương tác và tiếp cận khách hàng.
"Thế nhưng muốn chuyển hóa từ tiếp cận, tương tác đến ra đơn hàng còn phải tốn thêm chi phí nữa. Nếu giảm ngân sách quảng cáo trên Facebook là tương tác thê thảm ngay", vị đại diện cho biết.
Chị Hồng Uyên, chủ một cửa hàng online chuyên bán phụ kiện thời trang và dụng cụ học tập, thậm chí còn khẳng định: "Muốn bán được hàng phải bỏ tiền chạy quảng cáo".
Chị Uyên, cũng đồng thời là quản trị trang Facebook của cửa hàng, cho biết khi bài viết mới được đăng thì số lượng người được tiếp cận rất ít, chủ yếu là những bạn bè thân quen, còn những khách đã thích hay theo dõi trang gần như không được thấy nội dung mới.
Không sòng phẳng
Nhiều ý kiến còn băn khoăn khả năng Facebook không sòng phẳng khi số người tương tác tăng nhờ bỏ tiền ra quảng cáo cho Facebook, nhưng "tài sản" đó dễ dàng bị nền tảng tước đi mất.
Công ty truyền thông Buzi (quận 3, TP.HCM) có hẳn đội ngũ chuyên chạy quảng cáo Facebook, tối ưu hóa nội dung quảng cáo... nhưng cũng vật vã với sự thay đổi thuật toán "bóp" tương tác của Facebook.
Ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc Buzi, cho rằng tỉ lệ reach (tỉ lệ tiếp cận) người dùng của Facebook ngày càng khó kiểm soát.
"Hiện nay tỉ lệ reach của fanpage doanh nghiệp dao động từ 2% - 5% tùy vào chất lượng nội dung. Tuy nhiên, con số này đang tạo cảm giác khá "ảo", có nghĩa là vẫn mẫu quảng cáo đó, vẫn thông điệp, thiết kế đó và cùng một tập khách hàng nhưng số liệu của mỗi thời điểm lại khác nhau", ông Vĩ nói và cho hay doanh thu mỗi tháng gần đây chỉ vừa đủ với chi phí quảng cáo chứ không còn "dễ chạm tới điểm có lời" như trước.
Trong một khía cạnh khác, nhiều người dùng tại Việt Nam phản ảnh phải xem nội dung quảng cáo ngày càng nhiều hơn mỗi khi lướt Facebook. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trung bình cứ lướt 10 bài viết mới trên Facebook thì có đến quá nửa, thậm chí đến 7-8 nội dung là quảng cáo, tài trợ, gợi ý từ Facebook chứ không phải nội dung của bạn bè như trước.
Facebook sẽ thu phí cả người dùng?
Tuổi Trẻ đã gửi câu hỏi đến Meta (công ty chủ quản Facebook) về câu chuyện bóp tương tác hòng "ép khéo" chạy quảng cáo, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Trong khi đó, tại một sự kiện mới đây của Meta với sự góp mặt của 100 đơn vị khách hàng và đối tác của Meta tại Việt Nam, đại diện công ty này đã chia sẻ một con số đáng chú ý: 75% người mua sắm Tết mua hàng theo quảng cáo được cá nhân hóa trên Facebook/Instagram (so với 48% trên TikTok, 22% trên mạng xã hội khác).
Và người mua sắm Tết có ưu tiên sử dụng nền tảng Meta (hơn 1,3 lần so với các phương tiện truyền thông xã hội khác)...
Nhiều người cho rằng thông tin trên gợi ý rằng "Hãy tiếp tục đổ nhiều tiền hơn nữa vào quảng cáo trên Facebook, có như vậy bạn mới bán được hàng!".
Trong khi đó, hồi đầu tháng 10-2023, nhiều tờ báo trên thế giới đã đưa tin Meta đang lên kế hoạch buộc người dùng ứng dụng Facebook và Instagram ở Liên minh châu Âu (EU) phải trả một khoản phí hằng tháng để tắt quảng cáo.
Theo bà Hoàng Hường, CEO Công ty Unikon, từ cuối năm 2022 Facebook đã ra mắt tính năng professional mode (chế độ chuyên nghiệp) dành cho các tài khoản cá nhân. Về bản chất, đây là những tính năng của tài khoản doanh nghiệp, được mở rộng cho cá nhân.
Với động thái này, Facebook coi tất cả những người dùng của mình như nhà sáng tạo nội dung (creator) có thể kiếm tiền trên nền tảng của họ.
Đồng thời Facebook cũng có thể có nhiều không gian thu tiền từ người dùng cuối (các tài khoản cá nhân). Bà Hường nhận định: Điều này khiến Facebook đang dần biến mình từ mạng xã hội kết nối (giữa bạn bè, người thân...) trở thành nền tảng tạo nội dung (như YouTube, TikTok...).
Vì thế các thuật toán hiển thị của Facebook cũng thay đổi ưu tiên cho các mục tiêu này: ưu tiên hiển thị, lan tỏa các nội dung được nền tảng chú trọng hơn là các nội dung cá nhân, doanh nghiệp...
Như vậy, theo bà Hường, có thể Facebook sẽ ưu tiên các nguồn bật chế độ chuyên nghiệp (creator), các nguồn được xác thực hơn là các nguồn tài khoản cá nhân, bạn bè trên bảng tin hiển thị nội dung (feed)...
Doanh nghiệp tìm thêm hướng quảng cáo khác
Ông Nguyễn Duy Vĩ, CEO Buzi, nhận định quảng cáo của Facebook ngày càng không hiệu quả so với các nền tảng mạng xã hội khác nên việc chuyển hướng thu phí người dùng là điều dễ hiểu. Nhiều người, doanh nghiệp đang dần chuyển hướng qua các hình thức quảng cáo khác để không còn lệ thuộc vào một kênh Facebook.
Bà Ánh Hồng, đại diện 24hStore, cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh các kênh tiếp thị trên các nền tảng mạng xã hội khác mà 24hStore sẵn có như Instagram, Zalo hoặc TikTok; đồng thời chia lại ngân sách cho nền tảng tiếp thị khác như Google Ads để mở rộng tiếp cận.
"Với Facebook, chúng tôi sẽ đăng nhiều bài viết hướng về lợi ích cộng đồng hơn là những bài bán hàng đơn thuần" - bà Hồng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận