Người nhập cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ được cách ly - Ảnh: T.HIẾN
Số ca COVID-19 ở Tây Ninh đang tăng bất thường kéo theo số người tử vong tăng cao, số ca mắc tính trên số dân cũng rất cao. Tây Ninh đang có ca mắc cao hơn cả Cần Thơ, Đồng Nai. Tại sao tỉnh nhỏ lại có số người mắc cao?
Cần nhân lực, thuốc, thiết bị y tế
Theo thống kê này, số ca mắc mới của Tây Ninh đã tăng từ giữa tháng 11 và tăng đều đặn, hiện là địa phương có số mắc mới cao nhất nước, đứng thứ hai về số mắc/1 triệu dân, chỉ sau TP.HCM. Số ca mắc mới tăng cũng kéo theo số ca tử vong tăng. Tây Ninh đang có gần 15.800 bệnh nhân phải theo dõi, điều trị.
Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản gửi Bộ Y tế, cho biết: "Lực lượng tuyến đầu của tỉnh vừa phải đảm bảo điều trị COVID-19 vừa phải đảm bảo khám chữa bệnh thông thường, năng lực y tế của tỉnh đã thiếu, khó khăn nay càng khó khăn hơn. Việc gia tăng liên tục số ca COVID-19 mới dẫn đến bùng phát số ca nhập viện và năng lực y tế của tỉnh không có khả năng đáp ứng".
Do tình hình kể trên, Tây Ninh đề nghị Bộ Y tế chi viện 100 bác sĩ, trong đó có 20 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 250 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên X-quang. Lực lượng này Tây Ninh sẽ bố trí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện dã chiến tầng 2, tầng 3.
Ngoài ra, Tây Ninh cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thêm một số thuốc hướng tâm thần, kháng sinh, chống đông, chống nấm cùng 20 máy thở chức năng cao, 50 máy thở dòng cao HFNC, 1.000 máy SpO2, 3 máy siêu âm chẩn đoán, 100 monitor theo dõi bệnh nhân, 400.000 bộ xét nghiệm nhanh và kháng nguyên...
Tuy nhiên, đây là đề nghị hỗ trợ ở thời điểm giữa tháng 11, khi số ca mới hằng ngày dưới 1.000 ca, hiện con số này đã tăng mạnh và nhu cầu thuốc, thiết bị cũng tăng theo.
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa điều động Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, đoàn y bác sĩ của Hải Phòng cũng đã có mặt để hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, với số lượng bệnh nhân mới như những ngày gần đây, Tây Ninh có thể sẽ rất khó khăn trong một vài tuần tới.
Còn nhiều F0 chưa có mã bệnh nhân
Cập nhật 5 ngày gần nhất cho thấy số ca mắc của Tây Ninh tăng liên tục. Tây Ninh từ tỉnh có số ca mắc tương đối thấp, gần đây luôn nằm trong "top" 5 tỉnh có số ca mắc cao nhất cả nước, bao gồm TP.HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Hà Nội.
Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết bên cạnh ca mắc được công bố chính thức, số liệu thống kê tổng hợp còn cho thấy số ca chưa có mã bệnh nhân tương đối cao. Điển hình như ngày 7-12 Tây Ninh có 3.062 ca mắc mới nhưng Bộ Y tế chỉ mới công bố 869 ca, tức mới 1/4 ca mắc thực tế.
"Hệ thống công bố ca bệnh của Bộ Y tế đòi hỏi phải nhập thông tin từng ca bệnh, sau đó được cấp mã mới công bố, do đó số ca công bố và số ca thực tế còn chênh, chậm" - đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh nói.
Trao đổi thêm về tình hình này, đại diện Sở Y tế Tây Ninh cho biết trong tổng số ca mắc của tỉnh, bước đầu xác định số ca mắc cộng đồng chiếm khoảng 50%. Và để có con số chính xác tỉ lệ số ca cộng đồng hoặc nhập cảnh, ngành y tế địa phương đang tiến hành phân tích yếu tố dịch tễ.
Việc số ca mắc tăng cao, theo vị này, đã và đang gây khá nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch của tỉnh. Vấn đề oxy điều trị và nhân lực chống dịch của tỉnh cũng đang thiếu. "Hiện tại tỉnh mới tiếp nhận được sự chi viện nhân lực từ Hải Phòng 50 người, tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa xử lý hồi sức cấp cứu chỉ có 3 người. Ngoài ra tỉnh cũng đang chờ lực lượng chi viện của Bộ Y tế từ Bệnh viện E" - vị này nói.
Trước đó, từ ngày 20-11, trước tình hình số ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng, Tây Ninh có văn bản chỉ đạo tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage. Theo đánh giá của tỉnh, nguyên nhân cơ bản khiến số ca tăng là do một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng dịch; một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ chưa bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Thêm người cho nhiều tỉnh phía Nam
Nhằm chi viện cho "điểm nóng" Tây Ninh và 10 tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo các địa phương Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu và An Giang.
Tại cuộc họp, các địa phương đề xuất Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực từ các bệnh viện trung ương để hỗ trợ công tác điều trị, cấp thêm vắc xin để tiêm mũi bổ sung và thuốc kháng virus phục vụ điều trị F0 tại nhà có kiểm soát, hỗ trợ máy thở...
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh rà soát ngay việc điều động nhân lực từ các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ chuyên môn điều trị COVID-19 tại TP.HCM và 10 tỉnh phía Nam.
Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai cử thêm cán bộ y tế đến An Giang; Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ Bà Rịa - Vũng Tàu; Bệnh viện E hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Nội tiết trung ương vào hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng. Riêng Cần Thơ, bộ yêu cầu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn cũng như công tác điều trị.
Nhập cảnh qua Tây Ninh tăng
Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) nơi có nhiều người nhập cảnh - Ảnh: T.HIẾN
Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh phát sinh ca mắc cộng đồng, Tây Ninh là tỉnh đang chịu sức ép lớn về việc nhập cảnh (cả chính ngạch và tiểu ngạch).
Thông tin từ các cửa khẩu như Mộc Bài, Tân Nam (Tây Ninh) cho hay gần một tháng trở lại đây, số lượng người nhập cảnh về VN qua các cửa khẩu tăng cao. Trung bình một ngày hiện các đơn vị tiếp nhận khoảng 150-200 người (trước đó con số này chỉ dưới 100 người/ngày), do đó lực lượng biên phòng tại đây phải túc trực liên tục 24/24.
"Theo quy định, những người nhập cảnh nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ được cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi thêm 7 ngày tại nhà, được lựa chọn khách sạn cách ly nếu có nhu cầu. Bên cạnh đó, cửa khẩu này cũng phát hiện nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới" - đại diện cửa khẩu Mộc Bài nói.
Trong khi đó, nhu cầu nhập cảnh về VN hiện rất lớn. Khảo sát trên một nhóm có gần 10.000 thành viên thường chia sẻ, thảo luận về chuyện nhập cảnh từ các nước qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) cho thấy người về quê đa phần từ các nước như Canada, Qatar, Úc, Thái Lan, Cộng hòa Czech...
Nhiều thành viên cho biết để nhập cảnh vào VN họ phải chuẩn bị cả tháng trời, quá cảnh tại nhiều nước khác nhau sau đó di chuyển về cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Ngoài ra, một số người cho biết sẽ nhập cảnh từ nhiều cửa khẩu khác như cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai), cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang)...
Đồng Nai ghi nhận ca tử vong kỷ lục
Ngày 8-12, Trung tâm chỉ huy điều hành phòng chống COVID-19 tỉnh Đồng Nai cho hay toàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 461 trường hợp dương tính, nâng tổng số ca mắc lên 90.558 ca. Cũng trong ngày hôm qua (7-12), Đồng Nai ghi nhận thêm 44 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 lên 928 ca (chiếm 1,02% tổng số ca mắc toàn tỉnh). Đây là con số tử vong cao nhất ghi nhận tại địa phương này cho đến thời điểm hiện tại.
Đặc biệt, 38 trong số 44 bệnh nhân tử vong trong thời gian cách ly theo dõi tại nhà. Theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, độ tuổi trung bình các bệnh nhân tử vong do COVID-19 trên địa bàn là 65 tuổi, phần lớn bệnh nhân là người có bệnh nền nặng như suy thận, suy tim, cao huyết áp, ung thư… Trong đó, một số trường hợp chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều.
A LỘC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận