Hà Ngọc Trường đã khỏi bệnh xin ở lại hỗ trợ các bệnh nhân khác tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi - Ảnh: TỰ TRUNG
Dự kiến từ ngày 10-9 TP mới triển khai việc tuyển F0 làm việc nhưng từ trước đó nhiều F0 đã xung phong ở lại các bệnh viện chống dịch.
Ngành y tế rất cần sự chung tay đóng góp của F0 khỏi bệnh trong giai đoạn quyết định này. Bất kỳ vị trí, công việc nào các bạn tham gia đều được cá nhân tôi và toàn thể nhân dân thành phố trân trọng và biết ơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn
Trả ơn
Từ chiều 20-8, khi biết sáng hôm sau mình sẽ được xuất viện, anh Đặng Minh Tân (37 tuổi, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đã viết "tâm thư" gửi giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn tình nguyện ở lại chống dịch.
"9 ngày đầu nhập viện, tôi như người chết rồi. Không ăn, không uống, mất oxy..., đã có lúc rơi vào trạng thái thập tử nhất sinh. Thế nhưng nhờ sự chăm sóc nhiệt tình của các y bác sĩ, tôi đã sống. Tôi quyết định ở lại để trả ơn bằng cách giúp đỡ các bệnh nhân khác, bởi bệnh viện đã tái sinh cho tôi một cuộc sống mới" - anh Tân xúc động nói.
Anh Tân phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 2-8, chính thức được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn điều trị ngày 6-8. Sau 14 ngày điều trị tích cực đã khỏi bệnh. Bức "tâm thư" viết vội trước ngày xuất viện đã kịp giữ anh ở lại bệnh viện hơn nửa tháng qua để chăm sóc cho các F0 khác.
Từ 5 F0 tình nguyện ban đầu, đến nay đã có 9 F0 tình nguyện ở lại bệnh viện và hình thành nên "biệt đội F0" do chính anh Tân làm đội trưởng.
Theo anh Tân, với công suất ban đầu của bệnh viện chỉ 550 giường nhưng mỗi ngày số F0 nhập viện quá lớn, số giường cũng tăng dần, 800 - 1.000 giường, do đó sức ép lên đội ngũ y tế rất lớn. Xin ở lại bệnh viện, anh mong muốn góp sức san sẻ bớt gánh nặng để đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý chuyên tâm làm công việc chuyên môn cứu người.
Công việc mỗi ngày của "biệt đội F0" là tiếp xúc truyền động lực cho các F0 khác từ câu chuyện của chính mình đã vượt qua. Anh cùng các "đồng nghiệp" ngày đêm thay nhau theo dõi sát oxy từng giường bệnh, đo huyết áp, theo dõi dụng cụ đo oxy trong máu (Sp02), động viên F0 tập thở, vận động để duy trì sức khỏe.
Cũng nhờ từng trải qua điều trị mà anh biết được vào thời điểm rạng sáng các F0 thường hay mệt, ho nhiều; đặc biệt những người già yếu, phụ nữ mang thai thường hay đói bụng để kịp mang sữa, pha cháo gói cho người bệnh ăn.
"Tôi muốn trả ơn những gì mình đã nhận được" - anh Tân bộc bạch.
Còn tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi, có một tình nguyện viên là một điều dưỡng đặc biệt tên Hà Ngọc Trường (28 tuổi), người từng bị COVID-19 rất nặng. Vượt qua lưỡi hái tử thần, anh Trường đã xung phong ở lại hỗ trợ các nhân viên y tế cùng chăm sóc người bệnh.
Suốt gần 1 tháng giành lại sự sống, chứng kiến những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ, anh Trường tự hứa khi khỏi bệnh sẽ ở lại hỗ trợ giảm bớt gánh nặng cho họ.
"Thực hiện lời hứa của mình, khi nhận được kết quả xuất viện, tôi chủ động xin ở lại để trả ơn những người đã đưa mình từ cõi chết trở về" - anh Trường bộc bạch.
Công việc kéo dài từ sáng sớm đến tối khuya. Từ lâu anh Trường coi những bệnh nhân ở đây như người thân ruột thịt. Không ai nghĩ một chàng trai trẻ như anh lại có thể xung phong thay tã, lau người, gội đầu cho bệnh nhân. Khi tình nguyện làm những công việc này, Trường nói rằng anh không đòi hỏi trợ cấp hay lương bổng gì cả, chỉ làm vì muốn tâm mình được thanh thản.
"Mẹ tôi vừa mất vì COVID-19, lúc đó tôi đang tình nguyện ở bệnh viện không thể về chịu tang mẹ. Tôi tin mẹ sẽ hiểu và thông cảm cho tôi" - Trường xúc động nói và bảo rằng khi nào còn sức khỏe anh còn cống hiến cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Dữ liệu: HOÀNG LỘC - Đồ họa: TUẤN ANH
Phân công theo chuyên môn, ngành nghề
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết những ngày qua bệnh viện đã "tuyển" được khoảng 20 F0 khỏi bệnh hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân. Việc phân công công việc, theo ông, còn tùy thuộc F0 nam hay nữ và sở trường, chuyên môn nghề nghiệp cụ thể của từng người.
"Nếu là nam sẽ được phân công đẩy băng ca tiếp nhận bệnh nhân chuyển đến cấp cứu, tiếp nhận đồ ăn phát cho các bệnh nhân, chuyển oxy, sửa điện nước. Nữ vốn khéo tay, chịu khó hơn sẽ được phân công đút cơm, lo vệ sinh tắm rửa cho người bệnh.
Ngoài ra một số người có chuyên môn có thể theo dõi Sp02, đẩy và gắn oxy. Các F0 này đã trải qua điều trị nên chỉ cần tập huấn một lượt có thể đảm đương được các công việc đơn giản" - bác sĩ Phong nói và khẳng định khi tham gia hỗ trợ, các F0 đều được đơn vị sắp xếp chỗ ăn ở, ngủ nghỉ; được trang bị và hướng dẫn đầy đủ cách mặc đồ bảo hộ khi tiếp cận chăm sóc người bệnh.
TS.BS Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm giám đốc điều hành Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thủ Đức - cho rằng việc huy động F0 khỏi bệnh chống dịch sẽ giúp giảm tải gánh nặng cho nhân viên y tế, đồng thời tăng cơ hội phục hồi cho người bệnh.
Tuy nhiên theo bác sĩ Thức, việc huy động các F0 khỏi bệnh cần thông qua một đầu mối, tổng hợp số lượng F0, kèm theo đó là nghề nghiệp chuyên môn, sở trường nhằm phân công công việc phù hợp, đúng theo nhu cầu của từng bệnh viện.
Bác sĩ Thức dẫn chứng, tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thủ Đức hiện đang thiếu một số nhân sự phụ trách theo dõi camera, điện trong các phòng bệnh. Do đó nhu cầu đơn vị là cần F0 từng là thợ điện, hoặc kỹ thuật viên camera.
"Hiện tại ở các bệnh viện điều trị COVID-19 có rất nhiều việc phát sinh, có những việc rất nhỏ nhưng lắm lúc kiếm không ra người để làm. Như vận chuyển rác y tế đã được khử khuẩn từ các khoa phòng ra chỗ tập kết rác chẳng hạn, đơn vị tìm không ra người và buộc phải vận động một số nhân viên từ Bệnh viện Chợ Rẫy qua" - bác sĩ Thức nói.
Trong số các việc cần F0 hỗ trợ, theo bác sĩ Thức, có một công việc rất quan trọng là vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân F0 nặng. Với khoảng 120 bệnh nhân nguy kịch thở máy cần phải được chăm sóc ăn uống, vệ sinh, lau rửa, xoay trở chống loét... tại Bệnh viện hồi sức.
Và nếu tất cả dồn lên vai của điều dưỡng sẽ tăng gánh nặng khủng khiếp, hầu như không có thời gian để thực hiện chuyên môn.
"Vừa rồi đơn vị may mắn có lực lượng tình nguyện viên là những anh chị em trong các tổ chức tôn giáo xắn tay vào phụ, cho bệnh nhân ăn, gội đầu tắm rửa, đánh răng, mặc tã, xoay trở chống loét, đấm bóp cho người bệnh... Nếu không có lực lượng hỗ trợ này, các bác sĩ và điều dưỡng không thể nào làm việc được, chưa kể bệnh nhân sẽ dễ bị nhiễm trùng dẫn đến nguy cơ tử vong" - bác sĩ Thức nói.
Một giám đốc bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 cũng cho rằng việc huy động sự hỗ trợ của các F0 khỏi bệnh phục vụ F0 sẽ giúp điều dưỡng "rảnh tay" tập trung chuyên môn nhiều hơn.
"Tuy vậy việc huy động F0 chăm sóc người bệnh cần phải được chọn lọc, tập huấn kỹ, cần có quy định rõ ràng các việc được và không được làm và khi thực hiện cần phải có sự giám sát chặt chẽ từ kíp trưởng tua trực" - vị này nói.
Tình nguyện viên "biệt đội" F0 khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn chăm sóc bệnh nhân F0 đang điều trị như cung cấp oxy, giúp ăn uống... - Ảnh: ĐẶNG MINH TÂN
Tất cả là thiện nguyện
Với quyết tâm cao trong việc khống chế dịch bệnh thời gian tới, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch vận động, tuyên truyền tiếp nhận tình nguyện viên là F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Kế hoạch dự kiến từ ngày 10-9 đến 31-12.
Theo tính toán, từ ngày 1-8 đến 1-9, số F0 đã hoàn thành thời gian cách ly tại TP hơn 87.000 người, trong đó có hơn 54.000 người trong độ tuổi lao động. TP đánh giá đây là lực lượng lao động rất quý, việc tham gia hỗ trợ của các F0 khỏi bệnh sẽ góp phần tăng cường nguồn lực phòng chống dịch bệnh, phù hợp với truyền thống "tương thân tương ái" của dân tộc Việt Nam.
Bác sĩ Đặng Quốc Quân - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn - cho biết trong số 9 F0 tình nguyện ở lại bệnh viện, có 5 F0 đã được đơn vị ký hợp đồng khoán việc, được hưởng chi phí 130.000 đồng/ngày theo quy định.
"Các F0 xin ở lại đều trên tinh thần thiện nguyện, mong muốn được trả ơn ngành y tế đã cứu sống họ" - bác sĩ Quân nói. Theo bác sĩ Quân, các F0 này được đơn vị phân công các công việc như khuân vác oxy, nước, chuyển cơm nước tới các giường bệnh, vệ sinh trong khu vực bệnh nhân điều trị, tắm rửa cho người lớn tuổi không tự chăm sóc được, hướng dẫn tập thể dục, tập thở cho người bệnh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, kiêm giám đốc Bệnh viện dã chiến quận 8 (số 1), với các bệnh lý thông thường khi nhập viện đều có người nhà đi theo chăm sóc. Nhưng COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt, không thể có người thân bên cạnh. Như vậy, ngoài chuyên môn, điều dưỡng còn phải thay người thân gánh thêm các công việc chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh dẫn đến quá tải.
"Kế hoạch tuyển F0 đã khỏi bệnh để hỗ trợ chăm sóc F0 là ý tưởng rất kịp thời, mang tính nhân văn. Điều này không chỉ thỏa mong mỏi của F0 khỏi bệnh, giảm gánh nặng cho nhân viên y tế mà người bệnh cũng được chăm lo chu đáo hơn" - bác sĩ Phong chia sẻ.
Hơn 1.200 F0 khỏi bệnh hỗ trợ chống dịch tại Bình Dương
Theo UBND tỉnh Bình Dương, có nhiều bệnh nhân F0 khỏi bệnh đã hưởng ứng lời kêu gọi của cơ quan chức năng, quay trở lại hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ước tính có trên 1.200 F0 khỏi bệnh trở lại làm tình nguyện viên.
UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất chi hỗ trợ cho F0 khỏi bệnh làm tình nguyện viên từ nguồn ngân sách và từ ủng hộ của nhà hảo tâm. Theo đó, có khoảng 800 F0 khỏi bệnh phục vụ tại các cơ sở khám, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 sẽ được Nhà nước hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày.
Khoảng 400 F0 khỏi bệnh phục vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung sẽ nhận hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, các tình nguyện viên còn được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày và hỗ trợ thêm từ các nhà hảo tâm thông qua Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh 100.000 đồng/người/ngày.
Các tình nguyện viên, trong đó có các F0 đã khỏi bệnh, hỗ trợ phát đồ ăn cho bệnh nhân COVID-19 tại Khu điều trị dã chiến Thới Hòa, tỉnh Bình Dương - Ảnh: B.S.
Ghi nhận tại Khu điều trị Thới Hòa (thuộc Bệnh viện dã chiến số 1) là một trong những bệnh viện dã chiến lớn nhất Bình Dương, mỗi ngày có hàng trăm tình nguyện viên gồm đoàn viên thanh niên và cả các F0 khỏi bệnh hỗ trợ phát thực phẩm cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Đối với các F0 đã khỏi bệnh, khi vào khu điều trị vẫn mặc đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn và phòng chống COVID-19.
Theo ban điều hành Khu điều trị Thới Hòa, có tới trên 13.000 bệnh nhân COVID-19 đang cách ly điều trị và sẽ tăng lên khoảng 27.000 bệnh nhân. Sự góp sức của các tình nguyện viên là F0 khỏi bệnh không chỉ giúp tăng cường nhân sự đang bị quá tải, mà chính các F0 khỏi bệnh sẽ truyền cảm hứng, động lực cho các bệnh nhân đang điều trị có suy nghĩ tích cực và chấp hành nội quy, quy trình điều trị tốt hơn.
BÁ SƠN
F0 khỏi bệnh "miễn nhiễm" ít nhất 6 tháng
Tại buổi họp báo về tình hình phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP.HCM mới đây, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết những người nhiễm virus SARS-CoV-2, sau một thời gian nhiễm bệnh thì trong cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ.
Hầu hết các y văn, khảo sát trên thế giới đều cho thấy những người mắc COVID-19 đã phục hồi, ít nhất trong vòng 6 tháng, cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ và không bị nhiễm lại. Do đó, theo bác sĩ Châu, kháng thể trong cơ thể F0 đã khỏi bệnh cao hơn cả những người đã chích 2 mũi vắc xin. Những người chưa mắc bệnh, sau khi tiêm vắc xin hiệu quả vẫn có tỉ lệ bị nhiễm bệnh, còn đối với người F0 khỏi bệnh thì tỉ lệ nhiễm lại thấp hơn.
Trước đây, chưa mời F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch, nhưng đã có trường hợp nhân viên y tế mắc COVID-19, sau khi phục hồi mà người thân nhiễm bệnh vẫn cùng đồng nghiệp chăm sóc cho người thân. Nên theo ông Châu, khả năng bảo vệ ở F0 khỏi bệnh rất tốt, không bị nhiễm lại ít nhất trong 6 tháng. Do đó, việc kêu gọi F0 tình nguyện tham gia chăm sóc các F0 khác là rất tốt, đây cũng là liệu pháp tinh thần, an ủi những người đang điều trị.
T.MAI - Đ.THUẦN
PGS.TS Tăng Chí Thượng (giám đốc Sở Y tế TP.HCM):
Đảm bảo môi trường làm việc
Trước mắt Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đồng hành hỗ trợ một số chế độ cho các F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch. Ngoài phục vụ cho ngành y tế, có thể sắp tới F0 khỏi bệnh còn tình nguyện phục vụ cho một số ngành nghề khác. Trong quá trình làm việc, F0 sẽ được tập huấn và trang bị bảo hộ như nhân viên y tế.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức (giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm giám đốc điều hành Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thủ Đức) cũng chia sẻ: Các F0 khi đã khỏi bệnh, xung phong chống dịch, họ không nghĩ đến tiền lương hoặc trợ cấp.
Tuy nhiên, cần căn cứ theo chính sách của Nhà nước để động viên tinh thần họ. Điều cần thiết khi F0 vào làm việc là cũng phải đảm bảo chế độ bảo hộ khi tiếp xúc với F0 như các nhân viên y tế đang tham gia chống dịch, cần được bố trí chỗ ăn, chỗ nghỉ đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
H.LỘC ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận