Người bệnh được test nhanh COVID-19 trước khi nhập viện vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược - Ảnh: THÙY DƯƠNG
"Hiện chưa hết F0 trong cộng đồng nên việc xuất hiện F0 tại các bệnh viện, đặc biệt là khoa cấp cứu là điều xảy ra hằng ngày" - bác sĩ CKII Nguyễn Viết Hậu, trưởng khoa cấp cứu (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), cho biết.
Người dân ở TP.HCM đã được tiêm vắc xin COVID-19 với tỉ lệ khá cao, nếu nhiễm bệnh sẽ là F0 không triệu chứng, có thể nhanh chóng hồi phục, nhưng nếu không cẩn thận sàng lọc sẽ dễ là nguồn lây.
Do đó, theo bác sĩ Hậu, tất cả những người bệnh trước khi vào khoa cấp cứu đều được làm test nhanh và PCR. "Hiện nay nhân viên y tế của khoa luôn phải tuân thủ quy định phòng chống dịch. Những ngày gần đây khoa tiếp nhận 100-110 bệnh nhân thì có khoảng 5-10 ca F0. Trong đó, có khoảng 30% số ca không có triệu chứng" - bác sĩ Hậu nói.
Các F0 này sẽ được đưa vào khu điều trị dành cho bệnh nhân COVID-19 nằm trong khoa cấp cứu. Nếu bệnh nặng sẽ được chuyển sang Trung tâm Hồi sức tích cực, còn nhẹ có thể điều trị tại nhà, bệnh viện sẽ kê toa thuốc và liên hệ với y tế địa phương theo dõi.
Theo bác sĩ Hậu, lúc TP.HCM chưa mở cửa thì tỉ lệ F0 đến cấp cứu tại bệnh viện thấp hơn so với hiện nay. "Tiêm ngừa làm giảm gánh nặng rất lớn, rất hiệu quả trong phòng chống bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nếu người dân không tuân thủ 5K trong cộng đồng thì số lượng F0 trong cộng đồng vẫn tăng lên" - bác sĩ Hậu nhấn mạnh.
Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết gần đây tỉ lệ F0 trong các ca cấp cứu có xu hướng tăng nhẹ. Trước đây có khoảng 6-7 ca F0 trên 150-180 ca cấp cứu thì nay có đến 10-12 ca trên 150-180 ca cấp cứu.
Bác sĩ Võ Đức Chiến - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cũng cho biết thông tin tương tự. Nếu như trước đây, mỗi ngày phát hiện khoảng 2-4 ca F0 trên 100 ca cấp cứu thì nay số F0 dao động từ 7-10 ca trên 100 ca cấp cứu mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận