Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu Eximbank phải bố trí lãnh đạo trực tiếp thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về vụ việc với tinh thần cầu thị.
Chỉnh sửa hàng loạt quy trình, quy định
Chiều muộn hôm nay, 20-3, Eximbank đã phát đi thông cáo báo chí lần thứ hai kể từ khi vụ nợ thẻ từ 8,5 triệu thành 8,8 tỉ đồng gây bão dư luận suốt một tuần nay.
Tại thông cáo này, Eximbank xác nhận ngày 19-3 đại diện Eximbank đã gặp gỡ khách hàng P.H.A. tại Hà Nội.
Không chia sẻ nội dung buổi làm việc nhưng Eximbank cho biết đã "cùng khách hàng trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ. Các bên cùng thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất".
"Ngay khi có thông tin trên báo chí, Eximbank đã và đang khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại chính sách, quy định, quy trình, hợp đồng, thỏa thuận.
Trong đó có phương pháp tính lãi, phí trong việc cho vay, cấp tín dụng qua thẻ cũng như quy trình chăm sóc khách hàng để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả ngân hàng và khách hàng", Eximbank cho biết.
Trong thời gian tới, Eximbank sẽ tiếp tục triển khai các chương trình truyền thông minh bạch, đầy đủ, rõ ràng về quyền và trách nhiệm của chủ thẻ cũng như các khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
NHNN yêu cầu Eximbank phải bố trí lãnh đạo trực tiếp trả lời báo chí
Thông cáo của Eximbank phát đi sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nêu ra những yêu cầu cụ thể cho Eximbank.
Cụ thể, trong văn bản, Ngân hàng Nhà nước cho biết ngay sau khi khách hàng P.H.A. chia sẻ câu chuyện món nợ từ 8,5 triệu lên thành hơn 8,8 tỉ đồng sau 11 năm đã có hàng trăm tin, bài báo với mức độ lan truyền cao.
"Nhiều ý kiến bình luận đa chiều, gay gắt về vụ việc liên quan đến cách tính lãi của Eximbank; kêu gọi tẩy chay, không tiếp tục sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Eximbank và thẻ tín dụng của các ngân hàng khác", văn bản Ngân hàng Nhà nước nêu.
"Để giải quyết kịp thời vấn đề dư luận quan tâm, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Eximbank phải bố trí lãnh đạo Eximbank trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.
Khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng", văn bản Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Phải báo cáo về NHNN trước ngày 21-3
Văn bản cũng yêu cầu Eximbank báo cáo thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả xử lý vụ việc (qua Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Vụ Truyền thông) trước ngày 21-3-2024.
Trước đó hôm qua (19-3), sau gần một tuần gây bão dư luận, ông P.H.A., chủ thẻ tín dụng của Ngân hàng Eximbank, cùng luật sư đã có buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Eximbank.
Khi sự việc nổ ra, ngân hàng và khách hàng đưa ra thông tin trái ngược nhau.
Cụ thể Eximbank cho biết khách hàng P.H.A. mở thẻ Master Card tại Eximbank chi nhánh Quảng Ninh ngày 23-3-2013 với hạn mức 10 triệu đồng.
Sau đó đã phát sinh hai giao dịch thanh toán vào các ngày 23-4-2013 và 26-7-2013 tại một điểm chấp nhận thẻ.
Từ ngày 14-9-2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, quá hạn phát sinh đến thời điểm ngân hàng ra thông báo nêu trên là gần 11 năm.
"Trong suốt gần 11 năm qua, Eximbank đã nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, tuy nhiên khách hàng vẫn chưa có phương án xử lý nợ", đại diện Eximbank khẳng định.
Về phương thức tính lãi, phí, Eximbank nói "hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15-3-2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng. Quy định về phí, lãi được quy định rõ trong biểu phí phát hành, sử dụng thẻ cũng đã được đăng tải công khai trên website của ngân hàng".
Trong khi đó trao đổi với báo chí, ông P.H.A. nói vào tháng 3-2013, ông có nhờ một nhân viên tên Giang tại chi nhánh Eximbank ở TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) làm cho một thẻ tín dụng nhưng sau đó ông không được ngân hàng cấp thẻ tín dụng vì lương quá thấp.
Bẵng đi sau hơn 4 năm (đến năm 2017), khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, ông P.H.A. mới tá hỏa biết mình đang có nợ xấu bên Eximbank nên chủ động sang ngân hàng này để xác minh. Khi đó, ban giám đốc chi nhánh ngân hàng cho rằng ông P.H.A. đã ký nhận thẻ rồi, phải chịu trách nhiệm.
Dù bản thân không nhận được thẻ tín dụng và không chi tiêu nhưng ông cũng đưa ra phương án khắc phục hậu quả bằng việc trả lại tiền gốc 10 triệu đồng và nộp thêm 10 triệu đồng nữa gọi là phí phạt nhưng phía ngân hàng không đồng ý mà buộc ông P.H.A. phải thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi lên tới hơn 63 triệu đồng.
Tuy nhiên ông P.H.A. đã từ chối với lý do không tiêu tiền trong tài khoản thẻ.
Do đó, ông A. đã đăng câu chuyện này. "Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ dấu hiệu lừa đảo của nhân viên tên Giang, bản thân tôi sẵn sàng theo đến cùng sự việc này", ông A. khẳng định.
Hôm 14-3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh cũng đã có văn bản yêu cầu hội sở Eximbank tại TP.HCM và Eximbank chi nhánh Quảng Ninh xác minh làm rõ, báo cáo các thông tin liên quan vụ việc này và thông tin đến các cơ quan truyền thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận