Những trái ngọt từ chuyển đổi số đã giúp EVNSPC nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trong lĩnh vực quản trị, điều hành và quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng khoa học hơn, đặc biệt là phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng bằng công nghệ.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào quản trị
Với mục tiêu "ngành điện đi trước một bước", EVNSPC tiên phong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý và nhận diện hình ảnh quản lý vận hành lưới điện 110kV. Hiện tại, công nghệ này đã được khai thác tại 3 công ty điện lực Đồng Tháp, Bến Tre và Đồng Nai với trên 103 lượt bay kiểm tra đạt kết quả rất tích cực.
3 mục tiêu chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025
1. Tiếp tục triển khai 35 nhiệm vụ thuộc 5 lĩnh vực trọng tâm: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, kỹ thuật và an toàn, viễn thông công nghệ thông tin - hạ tầng số.
2. Triển khai đào tạo nâng cao năng lực về chuyển đổi số theo nhiệm vụ đã được EVN phê duyệt.
3. Truyền thông và chuyển đổi nhận thức. EVNSPC tiếp tục xây dựng các chương trình truyền thông, xây dựng chỉ tiêu chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp, chương trình đánh giá nhận thức của người lao động về hoạt động chuyển đổi số.
Còn với lĩnh vực năng lượng tái tạo, EVNSPC đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng công cụ quản lý cảnh báo điện mặt trời có sản lượng tăng hoặc giảm bất thường ứng dụng AI. Theo đó, công nghệ AI sẽ theo dõi, phân tích tự động hình ảnh thay đổi tấm pin mặt trời mái nhà trong toàn tổng công ty nâng cao hiệu quả giám sát và thực thi nghiệp vụ.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu quan trọng và là giải pháp cốt lõi nâng cao năng suất lao động, chất lượng công trình. Với hệ thống phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS 2.0) là trung tâm, EVNSPC đã hoàn thành được hàng loạt các mục tiêu như 1.883 gói thầu được thực hiện qua hệ thống điện tử, 1.645 hợp đồng được đánh giá chấm điểm trong năm 2022 và 274 dự án khởi công áp dụng nhật ký điện tử với 24.324 nhật ký điện tử. Đáng chú ý, có đến 630 dự án đã ứng dụng công nghệ AI trong phân tích hình ảnh đánh giá chất lượng các bước thi công, 241 dự án đã áp dụng phần mềm MicroSoft Project quản lý tiến độ. Ngoài ra, có trên 1.400 dự án đã được đưa vào lưu trữ theo hồ sơ điện tử.
Chuyển đổi số để phục vụ khách hàng tốt hơn
Sau một thời gian xài app CSKH của EVNSPC, ông Phạm Như Giang (ngụ phường 3, TP Vĩnh Long) cho biết, ông tương tác với ngành điện dễ dàng hơn. Theo ông Giang, tất cả các thông tin về tiêu thụ điện của gia đình đều có sẵn trên app, chỉ cần bấm vào điện thoại là tra được ngay từ chỉ số, kiểm soát mức tiêu thụ hằng ngày và kiểm tra tiền điện… Đặc biệt, ông Giang có thể đóng tiền điện ngay trên app dù đang đi bất kỳ đâu mà không cần phải tới lui các điểm giao dịch trực tiếp như trước. "Phần mềm rất dễ sử dụng, chỉ cần vài thao tác là có đủ thông tin, có thể báo mất điện ngay luôn trên app này không còn mất công như trước nữa", ông Giang nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phước Đức - tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam - cho biết chuyển đổi số đã làm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc, mô hình kinh doanh và phương thức kinh doanh qua giao dịch điện tử, mang lại những "trái ngọt" trong phục vụ khách hàng.
Cụ thể, số khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến cấp độ 4 năm 2022 là 561.681 khách hàng đạt tỉ lệ 99,8%. Trong khi đó, việc ký hợp đồng với khách hàng mới bằng phương thức cung cấp hợp đồng mua bán điện điện tử đạt giá trị tuyệt đối, lên đến 100% với tổng số yêu cầu ký điện tử là 563.780 yêu cầu. Tương tự, hệ thống dịch vụ khách hàng qua cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng đạt tỉ lệ cao khi tiếp nhận 345.648 yêu cầu, trong đó 340.585 yêu cầu được xử lý hoàn thành, tỉ lệ đạt 98,5%. Đặc biệt, hợp đồng mua bán điện điện tử đến tháng 12-2022 là hơn 5,6 triệu hợp đồng, đạt 100%.
Theo EVNSPC, các ứng dụng chăm sóc khách hàng thông minh qua App CSKH, Zalo… đạt tỉ lệ tăng trưởng 13-16% người dùng hàng quý. Còn có sở dữ liệu trong công tác kiểm định, theo dõi chất lượng thiết bị đo đếm được hoàn thiện với dữ liệu trên 5,6 triệu công tơ điện tử.
Hiện tại, EVNSPC đã kết nối với Tổng cục thuế và trên 28 tổ chức thanh toán trung gian để triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Quản trị khoa học nhờ công nghệ
Tới thời điểm này, hầu hết các hoạt động quản trị điều hành chính của EVNSPC đều sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản trị điều hành. Theo ông Nguyễn Phước Đức, các cấp lãnh đạo quản lý của tổng công ty được đào tạo về kỹ năng lãnh đạo, nền tảng nhận thức về chuyển đổi số đã có sự đổi mới trong tư duy.
Trong đó, hệ thống Digital Office (văn phòng số) làm trung tâm, "điểm sáng" trong quản trị nội bộ của EVNSPC. Đến hết 2022, hệ thống Digital office đã được EVNSPC áp dụng trên 300 đơn vị thành viên để sử dụng cho công việc hàng ngày và số lượng văn bản có chữ ký số đã đạt tỉ lệ hơn 92%. Đặc biệt, trên 2.250 thiết bị di động (Laptop, máy tính bảng…) đã được cung cấp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp ứng dụng các phần mềm hiện trường để làm việc di động, từ xa và trực tuyến.
Hiện nay, có trên 68% các cuộc họp, đào tạo… của EVNSPC được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ngoài ra, hệ thống thông tin quản trị EVNSPC được xây dựng hoàn thiện qua công nghệ Tableau-BI, giúp các cấp lãnh đạo có công cụ giám sát thường xuyên, kịp thời, từ đó cải tiến công tác điều hành hiệu quả tốt hơn.
Ngoài ra, EVNSPC cũng cho biết chuyển đổi số đã làm thay đổi công tác quản lý kỹ thuật thông qua các phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện và lưới điện (PMIS) để quản lý tập trung về mất điện, vật tư thiết bị điện, vận hành lưới điện cao thế… Các hệ thống này đang ngày càng hoàn thiện về điều khiển tự động hóa, làm nền tảng cho lưới điện thông minh.
Đến 2025 sẽ hoàn thành "doanh nghiệp số"
Tổng công ty Điện lực miền Nam thực hiện tự đánh giá mức độ trưởng thành số đạt được của doanh nghiệp đến hết năm 2022, kết quả điểm tự chấm 421 điểm, đạt mức 3 là đơn vị đã "Hình thành doanh nghiệp số" trên tất cả 6 trụ cột chính.
Ông Nguyễn Phước Đức cho biết đến cuối năm 2025, EVNSPC sẽ hoàn thành "doanh nghiệp số".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận