Trả lời giao ban báo chí ngày 9-5, ông Võ Quang Lâm - phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cung cấp thêm các thông tin liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và nguy cơ thiếu điện mùa nắng nóng.
"Vận hành hệ thống phụ thuộc nhiều vào nguồn thủy điện"
Nhiều câu hỏi được đặt ra cho EVN liên quan đến tình hình cung cấp điện vào mùa khô năm nay, việc nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, cũng như đàm phán, huy động nguồn điện tái tạo và thực hiện quy hoạch điện.
Trả lời, ông Lâm cho hay tập đoàn đang nỗ lực nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô năm nay.
Thực tế, năm 2022 nguồn thủy điện được khai thác tối đa nên có giá thành tốt hơn. Nhưng năm nay ông Lâm lo ngại tình hình sẽ khó khăn hơn, bởi vừa phải đảm bảo nước cho cung ứng điện và phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho dạ du.
Đối với nguồn than và khí, lãnh đạo EVN cho biết đang làm việc với TKV và Tổng công ty Đông Bắc để đảm bảo nguồn cấp than; giao nhiệm vụ cho các nhà máy điện chủ động tìm kiếm nguồn than. Đồng thời, EVN vận dụng để huy động các nhà máy điện tái tạo do chi phí có thời điểm cạnh tranh hơn các nguồn điện từ than, dầu.
Đặc biệt, thông tin về việc nhập khẩu điện, ông Lâm cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp để gia tăng các nguồn này. Trong đó, nhập khẩu điện từ Trung Quốc chủ yếu qua hai cửa khẩu là Hà Giang và Lào Cai.
Tuy vậy, khả năng nâng công suất nhập khẩu điện từ nước này là không thực hiện được, do giới hạn về đường dây 220kV.
Vì vậy, ông Lâm cho biết EVN đang nghiên cứu để nhập khẩu điện qua đường dây 500kV.
Do phải xử lý những biến động về tần số và biến áp, nên cần nâng cấp đường dây và có giao diện chuyển điện áp để đưa điện về Việt Nam cho phù hợp. Dự án này dự kiến đến sau năm 2025 sẽ đưa vào vận hành.
Xây dựng hệ thống đường dây để nhập khẩu điện
Đối với việc nhập khẩu điện từ Lào, EVN cho hay đang ký hợp đồng với các chủ đầu tư cấp điện tại Lào với công suất 1.000MW. Kèm theo đó, tập đoàn cũng đang đôn đốc các đơn vị đầu tư xây dựng các tuyến đường dây để sớm đưa nguồn điện từ Lào về qua tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, EVN cũng nhập khẩu thêm qua hệ thống đường dây ở Tương Dương (Nghệ An) đã được xây dựng xong. Hiện các bên đang chờ hoàn thiện hệ thống đường dây phía Lào để kết nối và đây sẽ là tuyến để gia tăng nhập khẩu từ nước này.
Đối với các nguồn năng lượng tái tạo đang đàm phán giá chuyển tiếp, ông Lâm cho biết EVN thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương đàm phán giá theo quyết định 21 về khung giá phát điện gió, mặt trời chuyển tiếp.
Tuy nhiên, một số trường hợp chủ đầu tư chưa đáp ứng quy định pháp luật nên các bên đang thực hiện rà soát, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ làm căn cứ để đàm phán, ký hợp đồng mua bán điện.
Trước những khó khăn được nêu về tình hình cấp điện cho mùa khô, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Việt Hòa - cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) - cho hay đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia lập kế hoạch huy động tối ưu các nguồn điện, đặc biệt là các nguồn thủy điện (kể cả các thủy điện nhỏ) trong các giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện.
Bộ cũng yêu cầu EVN huy động hợp lý các nguồn điện hiện có, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhập khẩu điện từ các quốc gia láng giềng; đẩy nhanh quá trình đàm phán các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận